Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, tổ chức công đoàn, cần sớm có giải pháp hỗ trợ mạnh hơn từ Chính phủ, địa phương để tạo "cú hích" tiếp sức cho công nhân, người lao động.
Cố gắng bám trụ dù kinh tế khó khăn
Giữa tháng 11, tại Đồng Nai, chúng tôi dạo quanh các khu nhà trọ công nhân ở TP Biên Hòa và huyện Trảng Bom chứng kiến nhà trọ càng lúc càng thưa người do trả phòng hoặc chuyển đi nơi khác tìm kế mưu sinh.
Chị Tuyết, đang ở trong khu nhà trọ gần chợ Hóa An (Biên Hòa), cho biết đầu năm nay hai vợ chồng còn làm chung công ty gia công giày. Nhưng mấy tháng gần đây, do công ty cắt giảm lao động nên chồng chị phải nghỉ rồi đi phụ hồ, chạy xe ôm công nghệ mới có tiền sống qua ngày. Về phần mình, chị Tuyết cho biết vẫn đi làm cho công ty nhưng Tết này chuyện lương, thưởng vẫn đang là điều mong ngóng. "Đơn hàng ít nên công ty cắt giảm lao động, làm cầm chừng. Không biết có được thưởng tháng lương nào không vì chưa nghe công ty thông báo" - chị Tuyết cho biết.
Tại Bình Dương, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến cắt giảm lao động, giảm giờ làm, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến gỗ, da giày... Ước tính có hàng chục ngàn lao động đã rời Bình Dương về quê do thiếu việc nhưng bên cạnh đó cũng có những lao động bám trụ ở lại cùng doanh nghiệp.
Chị Trần Thị Hằng (40 tuổi, Công ty TNHH Sonova Operations Center Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP 1, TP Thuận An) cho biết chị đã gắn bó với công ty 18 năm nên dù giai đoạn kinh tế khó khăn vẫn cố gắng bám trụ. Vừa qua, chị có sáng kiến giúp làm giảm số lượng sản phẩm bị hủy khi lắp ráp máy trợ thính nên đã được công ty khen thưởng, là niềm động viên lớn giúp chị gắn bó với công việc. Còn về lương thưởng Tết, chị Hằng đang mong đợi chính sách từ công ty.
Tương tự, anh Dương Thanh Tuấn, công nhân bảo trì Công ty TNHH Hoya Lens Việt Nam (TP Tân Uyên), cho biết đã làm việc tại công ty được 7 năm. Trong giai đoạn này công ty vẫn có việc làm nên dù có khó khăn anh Tuấn vẫn gắn bó. Hy vọng qua năm mới tình hình sẽ bớt khó khăn hơn, đơn hàng về nhiều để cải thiện thu nhập cho công nhân.
"Đau đầu" nhưng vẫn cố gắng...
Nhắc đến lương thưởng, chăm lo Tết cho công nhân, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang rất "đau đầu", nhưng vẫn sẽ cố gắng tốt nhất trong khả năng để vừa chăm sóc vừa để "giữ chân" người lao động.
Ông Đinh Sỹ Phúc, chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa), cho biết năm nay kinh tế thật sự quá khó khăn. Trong chín tháng đầu năm 2023, đơn hàng sụt giảm khiến doanh nghiệp buộc phải cho công nhân nghỉ một số ngày trong tháng. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hơn 31.000 lao động, không cắt giảm công nhân. Gần hai tháng qua, tình hình có khởi sắc hơn, công nhân làm đủ nên thu nhập được cải thiện.
Theo ông Phúc, công đoàn cố gắng duy trì các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động như các năm trước như tổ chức chương trình Tết sum vầy, chuyến xe về quê, hỗ trợ công nhân khó khăn, chợ công nhân... "Còn đối với các hoạt động cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp như thưởng Tết, lì xì sau Tết thì phải thương lượng với chủ doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp quyết định nhưng công đoàn sẽ đàm phán, mạnh dạn đề xuất mức thưởng Tết và thuyết phục doanh nghiệp đồng thuận chăm lo Tết cho người lao động" - ông Phúc khẳng định.
Còn ông Lý Xê Ba, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Cự Thành (huyện Long Thành), cho hay do đơn hàng giảm sút, công nhân không tăng ca, nghỉ ngày thứ bảy nên thu nhập giảm. Tuy nhiên, công ty vẫn cố gắng xoay xở, duy trì lương thưởng Tết cho hơn 3.000 công nhân như các năm trước đây.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - chủ tịch công đoàn TBS Group (chuyên lĩnh vực da giày, túi xách, trụ sở chính ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) - cho biết năm nay kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì các chế độ lương, thưởng dịp Tết. Đặc biệt dự kiến lương thưởng sẽ tăng khoảng 10% đến 15% so với năm trước. Ông Tuấn cho biết mặc dù kinh tế nói chung có nhiều khó khăn nhưng công ty chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì đơn hàng cho công nhân.
Mặt khác, do có dự báo sớm để chuyển dịch lao động, cũng như nền tảng tương đối chắc nên trong tổng số 50.000 công nhân của công ty thì chỉ có khoảng 10.000 người tại Bình Dương. Trong khi ở miền Tây các nhà máy có khoảng 30.000 người, ngoài ra còn có nhà máy tại miền Trung, miền Bắc. Vì vậy, các nhà máy tận dụng được lao động tại chỗ, qua đó tiết giảm được chi phí, có điều kiện để chăm lo lương thưởng cho công nhân.
Mọi người cùng có Tết
Bà Phạm Thị Xuân Trang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương - cho biết về tình hình đơn hàng, hy vọng sẽ khởi sắc hơn vào đầu năm 2024. Sau ba quý đầu năm rất khó khăn, hiện quý cuối cùng của năm nay các doanh nghiệp đã nhận được một số đơn hàng, tuy không lớn nhưng cũng giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động. Các doanh nghiệp dự kiến vẫn sẽ chi thưởng tháng 13 cho công nhân cuối năm nay.
Nói về thưởng Tết, ông Phan Đình Minh Nghị, giám đốc Công ty TNHH kết cấu thép và xây dựng Phan Kha (Đà Nẵng), cho biết gần 20 năm làm thi công xây dựng, đây là năm ông thấy khó khăn nhất đối với ngành xây dựng - bất động sản. Ngay cả khi xảy ra dịch bệnh cũng không khó như thời gian này bởi trước đây việc làm cả năm không hết, năm nay tổng doanh thu chỉ chưa đầy 30%. Mà mức doanh thu 30% này đã là sự cố gắng, chủ yếu là bỏ thầu rất thấp để có việc làm, tránh bỏ không máy móc và có dòng tiền xoay vòng, lo Tết chứ chưa phải đặt yếu tố lỗ lãi lên hàng đầu như trước.
"Trước đây thời kỳ ăn nên làm ra công ty tôi thưởng từ 2-3 tháng lương tùy bộ phận nhưng năm nay nếu mọi việc thuận lợi đúng kế hoạch thì thưởng 1 tháng lương, chủ yếu là động viên, giữ chân nhân sự. Mình có khó cũng phải vay mượn để anh em có Tết" - ông Nghị chia sẻ.
Phải tính toán chuyển dịch lao động
Ông Nguyễn Thái Hùng - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết dự kiến tình trạng thiếu đơn hàng có thể khiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2023 không đạt kế hoạch đặt ra, ước tính cả năm nay chỉ đạt khoảng 39,5 đến 40 tỉ USD, thấp hơn kỳ vọng.
Một số chủ doanh nghiệp cho rằng bản thân các doanh nghiệp, các địa phương cần có sự tính toán lại về việc chuyển dịch lao động, nhất là sau bối cảnh như kinh tế khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như vừa qua. Khi kinh tế khó khăn, ở các đô thị như TP.HCM, Bình Dương... thì công nhân bị giảm giờ làm do thiếu đơn hàng. Còn khi có việc nhưng nếu không tăng ca thì họ vẫn lựa chọn về quê vì thu nhập sẽ không đủ để trang trải tiền phòng trọ, sinh hoạt. Vì vậy, dù trong bối cảnh thiếu việc nhưng các doanh nghiệp ở thành phố vẫn khó tuyển công nhân.
Các đô thị phát triển trước cần có nghiên cứu để đổi mới công nghệ, chuyển dịch sang sử dụng lao động chọn lọc. Còn các tỉnh thành phát triển nhà máy, khu công nghiệp để tận dụng nguồn lao động tại chỗ.
Rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, địa phương
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho hay Đồng Nai có hơn 1 triệu công nhân lao động. Việc chăm lo Tết vẫn được liên đoàn yêu cầu các công đoàn cơ sở nắm bắt tình hình để có đánh giá xác đáng. Các hoạt động tặng vé xe miễn phí, tổ chức chương trình Tết sum vầy, chuyến xe nghĩa tình, chợ Tết công đoàn, văn nghệ... vẫn được tổ chức cho công nhân.
Nói về việc chăm lo Tết cho công nhân, phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết năm nay tình hình rất khó khăn khi theo thống kê thì có hàng trăm ngàn doanh nghiệp dần phục hồi, nhưng cũng có hàng trăm ngàn doanh nghiệp khó khăn, giải thể. Ngoài việc động viên doanh nghiệp lo tháng lương thứ 13, tổ chức công đoàn hỗ trợ vé tàu xe miễn phí dịp Tết thì năm nay rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và cơ quan chức năng để chăm lo Tết cho công nhân, người lao động.
Giám sát doanh nghiệp trả lương, thưởng cho người lao động
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bên cạnh nguồn lực tự có, công đoàn vận động các địa phương, cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ. Trong đó, đối tượng ưu tiên là người lao động khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, giảm giờ làm hoặc mất việc làm...
Công đoàn dự báo năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều thách thức. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc làm, tiền lương, thu nhập của đoàn viên lao động tiếp tục khó khăn. Do đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ" tại nhiều nơi, nhất là khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, nơi đông lao động... Năm nay, công đoàn cũng tổ chức "Chợ Tết công đoàn năm 2024" trực tiếp và trực tuyến. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phục vụ nhu cầu ngày Tết sẽ được bán với giá ưu đãi. Tại một số nơi, chợ này sẽ tặng phiếu mua hàng, tặng sản phẩm giá 0 đồng cùng với tư vấn, tặng quà, khám, cấp thuốc miễn phí.
Theo kế hoạch, công đoàn và các bên liên quan nắm tình hình, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trả lương, thưởng cho người lao động và kịp thời có giải pháp nếu đơn vị khó khăn, nợ lương, chủ bỏ trốn, tạm dừng hoạt động, phá sản... Cơ quan này sẽ tăng cường đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, thưởng Tết, đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.
Lo vé xe cho tất cả công nhân xa quê
Bà Đinh Thị Thanh Hà, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Đà Nẵng, cho biết đến thời điểm này đơn vị đang dự thảo kế hoạch chăm lo Tết với nhận định một năm kinh tế gặp khó khăn, nhất là đối với khối người lao động công nhân ở các khu công nghiệp. Trước đây nhiều lao động xem việc tăng ca trong năm là phần để dành cho đợt chi tiêu, trang trải dịp Tết. Nhưng năm nay do nhiều nơi đơn hàng giảm, lao động ít được tăng ca nên chắc chắn việc mua sắm, đi lại cũng bị ảnh hưởng.
"Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng sẽ cố gắng huy động từ các nguồn hỗ trợ vé xe cho tất cả công nhân về quê đón Tết. Năm ngoái chúng tôi triển khai 67 chuyến xe đưa công nhân về quê. Việc hỗ trợ này được người lao động xa quê và các doanh nghiệp đánh giá cao vì chi phí đi lại dịp Tết cao, tàu xe lại căng thẳng, chưa kể chi phí đi dọc đường. Mục tiêu năm nay là sẽ hỗ trợ tất cả vé xe cho người lao động xa quê được trở về nhà đón Tết. Với tình hình năm nay, có thể nhu cầu đăng ký của người lao động sẽ cao hơn" - bà Hà nói.
Theo bà Hà, hiện nay đơn vị mới bắt đầu khảo sát lịch nghỉ Tết và ghi số lượng người lao động có nhu cầu đăng ký xe về quê tại các doanh nghiệp. So với các năm thì một số doanh nghiệp cho biết có kế hoạch cho người lao động nghỉ sớm vì đơn hàng không căng thẳng, ngoài ra để cho lao động bớt vất vả khi đi lại dịp cận Tết. Có thể sẽ điều chỉnh các kế hoạch tổ chức phiên chợ 0 đồng, thăm hỏi tặng quà Tết, Chuyến xe công đoàn... sớm hơn mọi năm để phù hợp với người lao động.
Giỏ quà Tết: chất lượng, giá phù hợp
Những ngày giữa tháng 11, còn gần 3 tháng nữa là đến Tết 2024, hệ thống phân phối MM Mega Market Vietnam đã mở một hội chợ dành riêng cho các doanh nghiệp, nhà hàng, xí nghiệp... có tên Ngày hội khách hàng chuyên nghiệp (Customer Fair 2023) với sự tham gia của 40 nhà cung cấp lớn.
Hơn 30.000 khách hàng doanh nghiệp đã đăng ký quan tâm. Họ được mời đến các trung tâm phân phối trong hệ thống để chính các nhà sản xuất giới thiệu hàng hóa, các chương trình khuyến mãi Tết để giúp người mua chủ động hơn về kế hoạch mua sắm mùa Tết hợp lý với giá cả tốt hơn.
Nhà sản xuất cũng "liệu cơm gắp mắm"
Theo ghi nhận tại hội chợ này, các giỏ hàng có sản phẩm khuyến mãi chiếm đa số, chỉ có một số ít doanh nghiệp chọn hàng nguyên giá. Người mua đều mong muốn thiết kế những giỏ quà chất lượng với chi phí cơ bản nhất.
Ông Đinh Quang Khôi, giám đốc marketing của MM Mega Market Việt Nam, cho biết năm nay lần đầu tiên hệ thống tổ chức một ngày hội dành cho người mua là các doanh nghiệp. "Chúng tôi chủ động làm việc với khách hàng, đặc biệt là những khách hàng lớn để nắm bắt nhu cầu mua hàng trước khi làm việc với nhà sản xuất, cùng phối hợp chuẩn bị nguồn hàng. Mùa Tết năm nay dự đoán còn khó khăn hơn năm trước, vì thế nếu không chủ động sẽ rất khó đoán sức mua, nhu cầu" - ông Khôi nói.
Theo ông Khôi, dựa trên kết quả khảo sát của năm nay, các mẫu quà Tết được lựa chọn tập trung đi vào nhóm hàng thiết yếu hơn, chú trọng về tính tiện dụng, mức giá phổ biến từ 200.000 đến dưới 2 triệu đồng. Còn đại diện hãng bánh kẹo Kinh Đô chia sẻ với sức mua hiện nay, quà Tết của hãng dù chú trọng mẫu mã nhưng giá không thể tăng so với năm trước. Khi làm khảo sát cho mùa kinh doanh, hãng nhận thấy dù khách hàng vẫn chú trọng đến bao bì, hàng hóa Tết nhưng nếu giá cao thì khách vẫn không chọn. Ngay cả phương án bao bì đẹp, nhà sản xuất cũng lựa chọn phương án giảm kích thước để giá thành không bị đội lên.
Qua thời quà Tết cao cấp?
Đại diện một công ty gỗ có hơn 200 công nhân cho biết bộ phận công đoàn của doanh nghiệp này chưa thể nói trước năm nay trả lương thưởng Tết ra sao. Trong khi chờ đợi lương tháng 13, công ty cân nhắc chọn mua giỏ quà Tết để anh em có một chút không khí. "Năm qua sức mua của thị trường xuất khẩu giảm, đơn hàng nhỏ giọt, người lao động không có việc. Sau khi lấy ý kiến, chúng tôi ưu tiên mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, bánh kẹo... sau đó mới đến những món cao cấp hơn như sô cô la hay rượu...", vị này cho biết.
Theo ông Bùi Thanh Tùng, tổng giám đốc Công ty dầu thực vật Tường An, những năm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp tặng quà Tết cho nhân viên tập trung chọn nhóm sản phẩm thiết yếu để nhân viên có thể sử dụng hằng ngày. Và năm nay, xu hướng mua sắm, quà tặng của các doanh nghiệp, xí nghiệp là mặt hàng tập trung vào các nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho cuộc sống. Với xu hướng này, các nhà sản xuất cũng linh hoạt trong phương án sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu thực tế của thị trường.
Còn bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cũng dự báo thị trường năm nay rất khó khăn. Hiện sức mua đang yếu, doanh nghiệp bắt tay dự trữ hàng Tết khá trễ, một số nhà sản xuất mạnh dạn tăng khoảng 15 - 20% so với bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong trường hợp sức mua tăng đột biến. Tuy vậy, nhìn chung vẫn nhìn nhau không dám tăng giá mạnh.
Theo dõi thị trường nhiều năm qua, bà Nguyễn Phương Nga - giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam - cho biết mùa kinh doanh cuối năm và Tết 2024 được dự báo sẽ có sự khó khăn lớn trong chi tiêu, không chỉ từ người tiêu dùng cá nhân mà còn chính các doanh nghiệp.
Thông thường từ khoảng 3-4 tuần trước Tết, người tiêu dùng bắt đầu mạnh tay chi tiêu, những chiếc xe chất đầy hàng hóa trong các siêu thị, quá tải điểm tính tiền... Tuy nhiên, những hình ảnh đó sẽ không còn phổ biến, khách chi tiêu sẽ cân nhắc và lượng mua vừa phải. "Chúng ta hay nói mùa Tết là cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cao cấp, xịn vì có tiền thưởng, lương... Nhưng trong hai năm gần đây, các dữ liệu của chúng tôi cho thấy thói quen này chững lại một chút", bà Nga nhận định.
* Theo ông Nguyễn Anh Đức, chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các chính sách sau giai đoạn COVID-19 như giảm 2% thuế VAT tập trung nhiều vào người tiêu dùng cá nhân, chưa ưu đãi thuế đáng kể cho doanh nghiệp.
"Để cải thiện mùa kinh doanh cuối năm, các hiệp hội doanh nghiệp của từng ngành nghề phải hợp lực, trở thành người tiêu dùng của nhau, thực hiện chính sách giảm giá, kích cầu, tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế. Cùng với đó là sự hỗ trợ từ vĩ mô để cấu trúc lại doanh nghiệp quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng", ông Đức góp ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận