06/10/2013 04:45 GMT+7

Du khách Việt sẽ là "mồi ngon"?

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Cấm các công ty du lịch bán tour dưới giá thành, tour lùa khách vào các điểm mua sắm... Luật du lịch Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1-10 đã quy định như thế nhằm bảo vệ du khách nước này.

Công ty nào vi phạm bị phạt tiền rất nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh.

OxKE02hu.jpgPhóng to
Các công ty du lịch, lữ hành Đài Loan mời chào dịch vụ cho đối tác VN tại ITE 2013 - Ảnh: L.Nam

Giá tour du lịch nước ngoài sẽ tăng?

Nhiều công ty du lịch dự báo giá tour có thể sẽ tăng hơn do chi phí thuê xe, ăn uống sẽ được đối tác tính lại giá đầy đủ. Trước đây các trung tâm mua sắm căn cứ theo số lượng khách mà cung ứng xe vận chuyển với điều kiện phải đưa khách vào mua sắm. “Sức ép của các công ty du lịch VN giờ là phải tính toán, giảm chi phí để giá tour đi nước ngoài không quá cao” - giám đốc một công ty du lịch nói.

Tổng giám đốc một công ty du lịch lớn tại TP.HCM cho biết gần đây ông nhận được hàng loạt lời đề nghị xin gặp để làm việc từ các đối tác du lịch ở Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hong Kong...

“Mấy ngày trước hội chợ ITE (Hội chợ triển lãm quốc tế du lịch TP.HCM diễn ra giữa tháng 9-2013) các cuộc hẹn còn dồn dập hơn, cứ 3-4 đối tác/ngày. Tôi không còn thời gian gặp gỡ, phải giao cho trưởng các bộ phận tiếp thay” - vị này kể.

Giải thích hiện tượng này, giám đốc một công ty du lịch cho rằng những năm gần đây do du khách Việt không mua sắm nhiều trong khi du khách Trung Quốc mạnh tay mua sắm khi đi du lịch nên nhiều đối tác du lịch nước ngoài tập trung “o bế” du khách Trung Quốc, bỏ rơi du khách Việt.

Tuy nhiên gần đây khi Trung Quốc mạnh tay bảo vệ du khách nước này, nhiều đối tác nước ngoài quay sang du khách VN.

Nhiều công ty lữ hành lớn tại TP.HCM đều thừa nhận nếu không có chính sách bảo vệ du khách như Trung Quốc đang áp dụng, nhiều khả năng du khách VN trở thành “miếng mồi” cho các đối tác do giá tour du lịch ở một số nước hiện nay đều là giá có vào vài điểm mua sắm.

Để tránh nguy cơ này, đại diện một công ty lữ hành cho rằng đã đến lúc phải đưa giá tour về với giá trị thật chứ không “u u minh minh như hiện nay”.

Cụ thể, cần công khai giá vé mọi dịch vụ cho du khách VN khi mua tour biết những tình huống có thể xảy ra với họ nếu chấp nhận giá tour rẻ. “Nên cho khách biết nếu tour không mua sắm có giá bao nhiêu và ngược lại. Thậm chí phải tính luôn cả chi phí cho hướng dẫn viên, khi khách đã trả tiền mua tour du lịch thì không còn phải lo lắng gì nữa” - vị này đề nghị.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý du lịch cấp nhà nước phải vận dụng các nghị định đã ký giữa VN và các nước, trong đó có các điều khoản quy định về việc bảo vệ du khách khi đi du lịch ở nước ngoài, đảm bảo chất lượng tour tương xứng với đồng tiền họ đã trả.

Theo ông Kỳ, một trong những quy định trong các chính sách này là buộc phía đối tác nước ngoài cam kết chỉ đưa khách Việt vào những nơi bán hàng đã được chính quyền sở tại thẩm định về dịch vụ, giá cả, chất lượng hàng hóa. Các doanh nghiệp VN cũng phải cam kết tương tự khi đón khách nước ngoài đến du lịch.

“Nếu doanh nghiệp nào vi phạm, khách khiếu nại, phàn nàn... sẽ bị chế tài thật mạnh, chẳng hạn cấm kinh doanh một thời gian, vi phạm nặng sẽ rút giấy phép. Điều này chẳng những giúp đảm bảo chất lượng tour du lịch mà còn nâng cao vị thế của du khách Việt ở nước ngoài” - ông Kỳ nói.

Ông Vũ Thế Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, nguyên vụ trưởng Vụ Lữ hành - cho rằng nhiều năm trước khi ban hành các văn bản, quy định cơ quan quản lý nhà nước chỉ “chăm chăm” cho lĩnh vực inbound (đón khách nước ngoài vào VN) vì mang lại ngoại tệ cho nước nhà mà không quan tâm gì đến outbound, nhưng “chắc phải sửa lại”.

Theo ông Bình, đi du lịch nước ngoài tăng đều trong mỗi năm và là một nhu cầu tất yếu. “Mỗi năm có không dưới 3 triệu lượt khách VN đi du lịch nước ngoài. Nếu tính trung bình mỗi du khách mua tour chi trả 1.000 USD cho cả tiền tour và mua sắm, tiêu dùng ở nước ngoài, mỗi năm có hơn 4 tỉ USD ngoại tệ chảy ra nước ngoài”.

Theo ông Bình, sắp tới dự thảo sửa đổi Luật du lịch VN cần phải có các quy định để chọn lọc lại các công ty du lịch chuyên kinh doanh outbound đảm bảo chất lượng tour cung cấp cho người Việt phải thật tốt, tăng cường quản lý các công ty này và có những biện pháp chế tài nặng nếu xảy ra sự cố cho du khách người Việt.

“Chúng ta phải thành lập các nhóm công ty du lịch outbound theo hướng hiệp hội riêng để tạo sức ép, buộc các đối tác phải trân trọng du khách Việt, chăm sóc họ thật đàng hoàng” - ông Bình đề xuất.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng cho rằng công ty du lịch VN phải ra điều kiện và buộc các đối tác phải tôn trọng khách Việt, “chứ không thể để du khách Việt trở thành con mồi ngon để lùa vào đâu thì lùa”.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên