TTTCT - Nhìn chung giờ đây du khách Trung Quốc đang tìm kiếm những chuyến đi phiêu lưu, đặc sản địa phương và một chút mạo hiểm thay vì những tour du lịch truyền thống. Đã gần một tháng từ khi các công ty lữ hành Trung Quốc được phép thí điểm tổ chức các chuyến du lịch theo đoàn cho người trong nước tới 20 quốc gia. Những người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài lần đầu tiên sau ba năm đến những điểm đến được lựa chọn này cho thấy điều gì?Từ ngày 6-2, các đoàn du khách Trung Quốc đầu tiên đã khởi hành từ những thành phố lớn trên khắp nước này để đến các điểm du lịch như Thái Lan, Singapore, UAE... "Tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc vì chuyến đi này khiến tôi cảm thấy cuộc sống của mọi người đang trở lại bình thường sau thời gian dài chiến đấu với COVID-19" - một du khách chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu tại sân bay Thượng Hải.Bà cũng cho biết đang cân nhắc đi du lịch ở Ai Cập trong năm nay để bù đắp những tiếc nuối khi kế hoạch du lịch năm 2020 của bà bị hủy bỏ vì dịch bệnh.Du khách Trung Quốc tham quan Cung điện Hoàng gia ở Bangkok, Thái Lan hôm 7-2. Ảnh: Tân Hoa xãĐông Nam Á hưởng lợiTheo thông báo ngày 20-1 của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, các công ty lữ hành trong nước được tổ chức du lịch theo đoàn cho công dân Trung Quốc tới 20 quốc gia kể từ ngày 6-2: Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Maldives, Sri Lanka, Philippines, Malaysia, Singapore, Lào, UAE, Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, New Zealand, Fiji, Cuba và Argentina. Bộ này cũng yêu cầu các cơ quan địa phương đảm bảo tất cả các tour du lịch trọn gói tuân thủ pháp luật và không bao gồm "tour giá rẻ bất hợp lý", có thể hiểu là "tour du lịch 0 đồng" từng xuất hiện ở Thái Lan, Việt Nam nhiều năm trước.Theo giải thích của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, quyết định thí điểm du lịch theo đoàn tới 20 quốc gia như trên được đưa ra dựa trên các yếu tố liên quan đến các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 và tăng trưởng kinh tế - xã hội. Quyết định được đưa ra theo yêu cầu của ban đối ngoại thuộc Cơ chế kiểm soát và phòng chống chung - vốn chịu trách nhiệm chính quản lý dịch COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc.Truyền thông Trung Quốc cũng đặt vấn đề tại sao danh sách bao gồm 20 quốc gia nói trên, mà không phải các nước khác. "Từ danh sách, không khó để nhận thấy rằng "thân thiện với Trung Quốc" vẫn là "điều kiện ngầm" để được đưa vào danh sách. Gần đây Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã áp dụng một số chính sách nhập cảnh mang tính hạn chế với du khách Trung Quốc, và Trung Quốc đã dùng một số biện pháp trả đũa. Việc các nước này không được đưa vào danh sách thí điểm là điều bình thường" - mạng Sohu.com (Trung Quốc) bình luận.Với trường hợp Việt Nam, trang NetEase (Võng Dị) của Trung Quốc dẫn lại lời của chủ một nhà hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng cho biết chính sách visa chưa thông thoáng là lý do khiến khách Trung Quốc khó đến Việt Nam.Du khách Trung Quốc ở Bali (Indonesia) ngày 25-1-2023. Ảnh: AFP Theo cuộc khảo sát được tiến hành năm ngoái với 1.000 người trưởng thành Trung Quốc của Công ty Morning Consult, du khách Trung Quốc nói rằng họ rất thích đi du lịch ở châu Âu, Úc, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc.Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp hạn chế áp dụng với ngành hàng không, vấn đề thị thực, các quy định... đang khiến khách Trung Quốc phải tìm đến những nơi khác.Đa số các nước Đông Nam Á có vẻ hưởng lợi từ điều này - có 7/10 nước thành viên ASEAN được đưa vào danh sách, trừ Việt Nam, Myanmar và Brunei.Dữ liệu của Tập đoàn Trip.com cho thấy du khách Trung Quốc ưa thích đặt các chuyến đi đến khu vực Đông Nam Á trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Lượng đặt vé du lịch nước ngoài của dân Trung Quốc đã tăng 640% so với giai đoạn nghỉ lễ năm ngoái. Trong đó, Bangkok (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Chiang Mai (Thái Lan), Manila (Philippines) và Bali (Indonesia) là những điểm đến hàng đầu.Ông Trâu Phong, phó hội trưởng Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Đông, nhận định việc Trung Quốc khôi phục du lịch theo đoàn tới 20 quốc gia "chắc chắn mang lại bầu không khí tích cực cho ngành du lịch". Ông nói: "Từ góc độ lượng khách du lịch, Đông Nam Á chiếm lượng khách lớn nhất, vì vậy chúng tôi rất vui khi có thể mở lại hoạt động du lịch ở khu vực này. Chúng tôi kỳ vọng du lịch vào năm 2023 sẽ phục hồi với mức khoảng 50% so với năm 2019".Hãng hàng không China Eastern Airlines cho biết số đường bay quốc tế của họ dự kiến đạt 60 tuyến vào cuối tháng 2, trong đó các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn so với các nước khác.Du khách Trung Quốc thăm đền Wat Arun (Thái Lan) ngày 18-1-2023. Ảnh: ReutersDu khách Trung Quốc đã khácTheo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, số tiền tiết kiệm của các hộ gia đình nước này gửi tại các ngân hàng đã tăng lên mức cao kỷ lục 17.840 tỉ nhân dân tệ (tương đương 2.600 tỉ USD) vào năm 2022, tăng 80% so với năm trước đó. Số tiền để dành khổng lồ này của họ được kỳ vọng sẽ là cú hích cho hồi phục kinh tế toàn cầu khi người dân nước này có thể đi du lịch nước ngoài trở lại. Tuy nhiên, sau khoảng ba năm "xa cách" thế giới vì COVID-19, xu hướng du lịch của khách Trung Quốc đã có sự thay đổi, cả từ hình thức du lịch cho tới cách mở hầu bao. Nhìn chung giờ đây du khách Trung Quốc đang tìm kiếm những chuyến đi phiêu lưu, đặc sản địa phương và một chút mạo hiểm thay vì những tour du lịch truyền thống.Wing Kwoing, hướng dẫn viên du lịch ở Campuchia, nói với báo South China Morning Post rằng khách du lịch Trung Quốc đến đây trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã thận trọng hơn trong cách tiêu tiền và địa điểm họ đến tham quan. Các điểm đến nổi tiếng như quần thể Angkor Wat vẫn phổ biến với du khách Trung Quốc nhưng họ không còn vung tiền thoải mái như trước. "Trước đây một du khách Trung Quốc uống một trái dừa, còn giờ thì hai hoặc ba người uống chung một trái dừa. Từ ăn uống ở những nhà hàng sang trọng có máy lạnh, giờ đây họ chuyển sang những chỗ bình dân hơn" - ông Kwong nói về sự thay đổi mà ông nhận thấy.Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là du khách Trung Quốc không muốn chi tiêu. Ngược lại, họ sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho những chuyến du lịch mang tới những trải nghiệm mới. Theo Wolfgang Georg Arlt - giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu du lịch nước ngoài Trung Quốc, trước đại dịch việc khoe khoang về độ chịu chi coi là ấn tượng. Nhưng giờ đây, ấn tượng là chi tiêu cho những trải nghiệm và học hỏi từ đó chứ không phải chỉ khoe giàu.Uzaidi Udanis, chủ tịch Hiệp hội Du lịch trong nước Malaysia (MITA), cho biết từ đi bộ xuyên rừng cho đến câu cá thể thao dưới biển sâu, nhiều trải nghiệm mới đang nhận được sự quan tâm của những du khách tìm kiếm cảm giác mạnh. "Một thành viên trong hiệp hội của chúng tôi nhận được [yêu cầu] rằng du khách muốn bơi lội ngoài biển khơi, bởi vì họ chưa bao giờ trải nghiệm điều đó khi sống ở Trung Quốc" - Uzaidi kể lại.Colin Goh, nhà quản lý trải nghiệm du lịch tại đại lý du lịch Let's Go Tour Singapore, thông tin các công ty lữ hành ở Singapore cũng nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các tour du lịch tư nhân từ những nhóm du lịch nhỏ hơn của Trung Quốc muốn tìm hiểu về đảo quốc sư tử. "Họ muốn những thứ cụ thể và họ rất ý thức về những điều họ muốn làm. Họ không muốn đi theo hướng dẫn viên du lịch một cách mù quáng" - ông nhận xét về sự thay đổi của du khách Trung Quốc.Theo nhận định của Dragon Trail International (Trung Quốc), làn sóng du lịch xa đầu tiên trong năm nay của Trung Quốc sẽ là những du khách tự túc có kinh nghiệm, thuộc thế hệ Y và Z (vốn thích cùng bạn bè lên kế hoạch đi du lịch), cùng với du khách hạng sang. Gần 2/3 du khách Trung Quốc được Dragon Trail khảo sát cho biết hai lý do hàng đầu của họ để đi du lịch nước ngoài là trải nghiệm ẩm thực địa phương và cuộc sống địa phương.Ngoài ra, 88% số người được hỏi nói rằng họ quan tâm đến tác động của họ đối với các điểm đến và cộng đồng khi đi du lịch. Du khách Trung Quốc quan tâm đến tính bền vững khi du lịch, chẳng hạn chọn khách sạn có các hoạt động thân thiện với môi trường, đi xe đạp, hỗ trợ các hoạt động giúp bảo tồn các nền văn hóa địa phương đang bị đe dọa và chọn "những cách không tàn ác" để ngắm động vật. ■ Cần lưu ý dù Việt Nam không nằm trong danh sách 20 quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn nhưng vẫn có khách Trung Quốc sang Việt Nam từ hôm 8-1 (ngày Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại) thông qua cửa khẩu đường bộ hoặc chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến bay). Chẳng hạn có hơn 200 khách Trung Quốc đến Nha Trang chơi Tết Quý Mão vừa qua bằng chuyến bay charter.Hôm 16-2, Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc đăng cảnh cư dân ở huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam) - một huyện cửa khẩu của Trung Quốc nằm gần biên giới với Việt Nam - được thưởng thức món ăn đường phố Việt Nam trở lại. "Những người sành ăn trên đường phố Hà Khẩu, một huyện giáp Việt Nam, một lần nữa có thể thưởng thức những món ăn tinh tế của Việt Nam khi các cửa khẩu được thông quan trở lại" - Tân Hoa xã viết.Đứng đợi trước một gian hàng bán đồ ăn Việt Nam ở Hà Khẩu, anh Long - một cư dân ở Hà Khẩu - chia sẻ anh thèm món bánh cuốn và nhớ nhiều món ăn vặt Việt Nam. Một thực khách khác cho biết: "Tôi vui vì giờ đây chúng tôi có thể đi qua biên giới vào Việt Nam và người Việt Nam cũng có thể nhập cảnh vào Trung Quốc. Mọi người có thể giao lưu với nhau". Tags: Du khách Trung QuốcDu lịchDu kháchTrung QuốcMở cửaVISA
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.