24/09/2023 05:27 GMT+7

Du khách rủ nhau ‘cháy phố’ cùng Trung thu Thành Tuyên

Sôi động, ấn tượng, náo nhiệt… là những gì mà du khách có thể cảm nhận được khi đến với Trung thu Thành Tuyên 2023.

Đèn lồng long - phụng được rước qua quảng trường Nguyễn Tất Thành - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Đèn lồng long - phụng được rước qua quảng trường Nguyễn Tất Thành - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Xuất phát từ phong trào làm mô hình đèn Trung thu khổng lồ cho trẻ em vui chơi Tết Trung thu của người dân thành phố Tuyên Quang, qua các năm, phong trào này ngày càng lớn mạnh. Sau hơn 10 năm phát triển tự phát, chính quyền địa phương đã tổ chức thành lễ hội quy mô cấp tỉnh với tên gọi chính thức Lễ hội Thành Tuyên.

Sau gần 20 năm sáng tạo, duy trì và phát triển, Lễ hội Thành Tuyên đã 3 lần được xác lập kỷ lục Việt Nam và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, riêng có của tỉnh Tuyên Quang.

Thay vì diễn ra vào đúng ngày rằm tháng tám, năm nay lễ hội này được tổ chức sớm từ ngày 23-9 (tức ngày 9-8 âm lịch) để tạo điều kiện cho du khách thập phương có thể đến, trải nghiệm Trung thu Tuyên Quang được lâu hơn.

Điểm nhấn của lễ hội năm nay là hàng trăm chiếc đèn lồng khổng lồ được lấy cảm hứng từ cuộc sống đời thường, những câu chuyện cổ tích… với màu sắc rực rỡ và Đêm hội Thành Tuyên như món quà dành cho thiếu nhi Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung.

Phát biểu tại chương trình Đêm hội Thành Tuyên, ông Nguyễn Văn Sơn - chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang - chia sẻ: "Ai trong chúng ta cũng đều có một tuổi thơ với những kỷ niệm thật đẹp vào những đêm Trung thu, với mỗi người dân Tuyên Quang lại càng trở nên đặc biệt hơn khi mỗi độ thu về.

Bằng tình cảm, tình yêu thương con trẻ và sự tài hoa, khéo léo của mình, người dân Tuyên Quang đã tạo nên một lễ hội Trung thu vô cùng sáng tạo, độc đáo, rực rỡ và ấn tượng để dành tặng các cháu thiếu niên, nhi đồng và cũng để giới thiệu với du khách, bạn bè trong và ngoài nước".

Các bạn nhỏ thích thú với Đêm hội Thành Tuyên - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Các bạn nhỏ thích thú với Đêm hội Thành Tuyên - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Hòa trong không khí đêm hội Trung Thu, ông Trần Tuấn Anh - trưởng Ban Kinh tế Trung ương - đã gửi đến các em thiến niên, nhi đồng những tình cảm thân thương nhất. "Chúc các cháu luôn vui tươi, hạnh phúc và lưu lại thật nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi thơ trong dịp Tết Trung thu", ông Trần Tuấn Anh chúc thiến niên, nhi đồng.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng dành tặng cho các em nhỏ tại Tuyên Quang những phần quà Trung thu đặc biệt.

Sau những màn biểu diễn nghệ thuật sôi động trên sân khấu, tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, các mô hình đèn Trung thu khổng lồ được người dân Tuyên Quang diễn hành mang đến không khí Trung thu sớm cho du khách.

Các đèn lồng khổng lồ này không chỉ là mô hình tĩnh mà chúng có thể cử động, tạo hiệu ứng "phun châu" - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Các đèn lồng khổng lồ này không chỉ là mô hình tĩnh mà chúng có thể cử động, tạo hiệu ứng "phun châu" - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Lần đầu tiên đến với Lễ hội Thành Tuyên sau 3 năm công tác tại Việt Nam, anh Tommy (Thụy Điển) không khỏi bất ngờ: "Tôi thấy người dân và du khách đều vui vẻ, họ tận hưởng không khí sôi động bên nhau. Ở Thụy Điển chúng tôi không có các lễ hội như vậy".

Những mô hình đèn lồng này được người dân ở các tổ dân phố bắt đầu chuẩn bị từ tháng 6, mỗi tổ lại mang đến lễ hội một sản phẩm riêng độc đáo, sáng tạo.

Sự xuất hiện của những chiếc đèn lồng khổng lồ "biết đi" với đủ hình thù, kích thước khiến các bạn nhỏ thích thú, ngỡ ngàng - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Sự xuất hiện của những chiếc đèn lồng khổng lồ "biết đi" với đủ hình thù, kích thước khiến các bạn nhỏ thích thú, ngỡ ngàng - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Với chủ đề "vó ngựa thảo nguyên", ông Kiều Hoàng Phúc và người dân tổ 7, phường Tân Quang, TP Tuyên Quang thiết kế một chú ngựa hồng mang dáng vẻ phóng khoáng, hệt như đang "xé gió" trên thảo nguyên.

"Chúng tôi hoàn thiện chiếc đèn lồng này trong khoảng một tháng rưỡi với gần 10 người cùng làm, mọi thành viên trong tổ đều đóng góp công sức bằng nhiều cách khác nhau với mong muốn tạo ra lồng đèn đẹp cho các cháu nhỏ đi chơi Trung thu. Ngay từ rằm tháng bảy, chúng tôi đã cho các cháu rước đèn đi chơi phố", ông Phúc chia sẻ.

Biết đến lễ hội Trung thu Thành Tuyên qua kênh YouTube, anh Nguyễn Hoài Nam (Hà Nội) đã quyết định cùng vợ sắp cưới tận hưởng không khí Trung thu "có một không hai" tại Thành Tuyên.

"Lễ hội Trung thu lớn như thế này có lẽ chỉ Tuyên Quang mới có. Không khí ở đây rất vui, người dân rất nhiệt tình, hiền hòa. Tuyên Quang cũng có nhiều nơi để tham quan, mình đến đây đã 3 ngày rồi mà vẫn chưa muốn về", anh Nam nói.

Rồng là một trong những hình tượng được người dân lấy cảm hứng sáng tạo đèn Trung thu - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Rồng là một trong những hình tượng được người dân lấy cảm hứng sáng tạo đèn Trung thu - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Mô hình đèn lồng "vó ngựa thảo nguyên" mang đến sự tự do, thoải mái và bình yên - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Mô hình đèn lồng "vó ngựa thảo nguyên" mang đến sự tự do, thoải mái và bình yên - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Đèn lồng lấy cảm hứng từ truyền thuyết "Con rồng, cháu tiên" - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Đèn lồng lấy cảm hứng từ truyền thuyết "Con rồng, cháu tiên" - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Lễ hội Trung thu Thành Tuyên năm nay dự kiến đón khoảng 300.000 lượt khách đến với tỉnh - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Lễ hội Trung thu Thành Tuyên năm nay dự kiến đón khoảng 300.000 lượt khách đến với tỉnh - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Gặp gia đình nghệ nhân cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi Trung thu ở Hà NộiGặp gia đình nghệ nhân cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi Trung thu ở Hà Nội

TTO - 'Tôi làm mặt nạ giấy bồi được 43 năm. Nghề gia truyền, từ đời nọ sang đời kia. Ngày bé, thấy bố mẹ gấp giấy, tô vẽ mặt con hổ, con thỏ, Chí Phèo, Thị Nở thì học theo'.

 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên