
Du khách bước từ tàu du lịch lên nhà bè để tham quan, mua sắm tại chợ nổi Cái Răng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Vừa có đợt khảo sát thực tế, nghiên cứu dự án liên kết phát triển chuỗi du lịch đường sông, chuyên gia du lịch Phan Đình Huê chia sẻ những góp ý và đề xuất giải pháp để không tái diễn vụ việc du khách rơi xuống sông khi tham quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.
Hạ tầng cũ kỹ, quản lý hời hợt
Khi nghiên cứu hiện trạng hạ tầng đường sông của Cần Thơ, tôi thấy hết sức lo ngại. Tài nguyên của thành phố rất nhiều, trên sông là các tuyến đường sông do trung ương quản lý như sông Hậu, sông Cần Thơ, sông Thốt Nốt đều là những tuyến tàu lớn đi được.
Tuy nhiên hạ tầng bến bãi gần như không có. Còn những cái đã có thì có thể gọi là bến cóc, bến đò ngang cho khách lên xuống chứ không tiện nghi, không có người điều hành.
Trong khi đó, đa số phương tiện trên sông dường như chỉ phù hợp làm đò chở khách.
Du lịch đường sông nói chung, tour tuyến đi chợ nổi nói riêng vốn là cái khác biệt giữa Cần Thơ với các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên hàng chục năm qua việc đầu tư và quản lý chưa tới.
Chẳng hạn như quản lý về đường sông gồm nhiều cơ quan: quản lý phương tiện thì Sở Giao thông vận tải, quản lý về dịch vụ thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quản lý về môi trường là của quận, quản lý địa bàn là của phường...
Có thể nhìn thấy đó là sản phẩm chủ lực của Cần Thơ, nhưng sản phẩm đó không tập trung vào cơ quan nào quản lý.
Trong khi đó, tất cả bến bãi bài bản đều dừng ở mức mời gọi đầu tư. Như khu bến phà Cần Thơ cũ (đường Trần Phú, quận Ninh Kiều) chưa thấy nhà đầu tư.
Còn ở chợ nổi Cái Răng, các bến lên xuống ở đây rất khó khăn, đường sá kết nối tạm bợ.
Không an toàn thì khó giữ chân du khách đến chợ nổi
Nếu Cần Thơ coi chợ nổi Cái Răng nói riêng, coi du lịch đường sông nói chung là tuyến du lịch, là sản phẩm du lịch trọng điểm của thành phố thì việc đầu tư và quản lý phải gom lại một đầu mối và được làm chặt chẽ hơn.
Tai nạn du khách rớt xuống sông khi tham quan chợ nổi vừa qua tuy chưa gây thiệt hại lớn về người nhưng có thể thấy đó là cảnh báo cho sự quản lý không chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Nên coi đó là cảnh báo để thành phố cần xem xét lại khâu đầu mối quản lý.
Không chỉ Cần Thơ mà nhìn rộng ra Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy việc quản lý về mặt du lịch đường sông rất hời hợt.
Khi có chuyện, cơ quan nhà nước mới xuất hiện, xử phạt.
Nếu chúng ta không bảo vệ tuyến du lịch đường sông, không bảo vệ được sự an toàn cho khách đi du lịch đường sông, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó mà thu hút, giữ chân được du khách.
Về giải pháp hạ tầng, theo tôi nhà nước cần đầu tư hạ tầng bến bãi, sau đó đấu thầu quản lý và trả chi phí. Tiếp đến những chỗ trung tâm du lịch như bến Ninh Kiều, bến phà Cần Thơ cũ hay các cồn nổi muốn làm du lịch phải có hạ tầng.

Chợ nổi Cái Răng là địa điểm du lịch nổi tiếng và đặc trưng của Cần Thơ, nhưng việc quản lý còn nhiều chồng chéo - Ảnh: CHÍ QUỐC
Đặc biệt, tại chợ nổi như chợ nổi Cái Răng không thể để bè nổi dạng tạm bợ như vậy. Nhà nước cần có chính sách rồi kêu gọi đầu tư thì sẽ có nhà đầu tư đưa vào những thứ hiện đại hơn, còn bè nổi đó cũ và không an toàn.
Về chiến lược du lịch đường sông thì nên kết nối thành chuỗi giá trị. Theo đó, có công ty tổ chức từ bến rồi đến chợ nổi tham quan, trải nghiệm, nghe câu chuyện để hiểu chợ nổi, rồi lên nhà vườn tham quan, ăn trưa, dùng dịch vụ trên bờ thì mới hấp dẫn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận