Du khách quốc tế: Đến nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn

NHƯ BÌNH 17/07/2024 04:34 GMT+7

TTCT - Du khách quốc tế đến Việt Nam tăng về số lượng, thời gian lưu trú và cả mức chi tiêu.

Du khách tiêu tiền nhiều hơn

Đầu tháng 6, Tập đoàn Resorts World Cruises (chuyên du lịch tàu biển) đã đưa con tàu "khủng" trở lại Việt Nam với 2.200 khách sau nhiều năm vắng bóng. Ông Michael Goh, chủ tịch tập đoàn, khẳng định Việt Nam sở hữu di sản và văn hóa phong phú, có nhiều món ngon địa phương, cảnh đẹp hoang sơ và vô số các trải nghiệm lý thú nên đoàn tàu du lịch của ông không thể bỏ qua.

Tàu du lịch biển Arcadia mang hơn 1.700 du khách đến Nha Trang ngày 13-3-2024. Ảnh: QUỐC BẢO

Tàu du lịch biển Arcadia mang hơn 1.700 du khách đến Nha Trang ngày 13-3-2024. Ảnh: QUỐC BẢO

Sáu tháng đầu năm 2024, Lữ hành Saigontourist đón 60.000 lượt khách du lịch tàu biển quốc tế hạng sang, tăng 15% so với 2023. Dòng khách đường biển tăng là điểm sáng trong dòng khách quốc tế 6 tháng đầu năm của du lịch Việt Nam.

Bà Trần Thị Phương Linh, giám đốc tiếp thị - công nghệ - thông tin Benthanhtourist ước tính lượng khách và mức doanh thu mảng du lịch quốc tế (inbound) của công ty 6 tháng đầu năm tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường như Ấn Độ, Đài Loan… và bất ngờ là thị trường châu Âu đều có mức tăng trưởng khả quan.

Theo bà Linh, nhu cầu của khách cũng đa dạng từ tour du lịch xuyên Việt, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa địa phương, MICE, du lịch kết hợp giáo dục đào tạo. Các điểm đến Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Hạ Long, Ninh Bình, Hà Nội và TP.HCM luôn được du khách ưu tiên lựa chọn. "Bộ phận điều hành tour inbound của công ty gần như không có ngày nghỉ cuối tuần, không khí này lâu rồi mới có được", bà Phương Linh nói.

Bà Trần Thị Bảo Thu, giám đốc tiếp thị Lữ hành Vietluxtour, cho biết giai đoạn cao điểm của thị trường khách inbound năm nay kéo dài hơn các năm trước. Mùa đón khách quốc tế bắt đầu từ tháng 11-2023 đến nay vẫn tăng khá, lượng du khách đến từ châu Á (Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc…) và châu Âu, Mỹ, Úc… tăng nhiều. Các công ty du lịch Vietravel, TST Toutist… đều có báo cáo về số khách tăng trong 6 tháng đầu năm.

Phân tích sâu vào cơ cấu thì du khách đến Việt Nam trong 6 tháng qua chủ yếu đến từ các nước trong khu vực Đông Bắc Á. Lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng nhờ hiệu ứng truyền thông mạnh từ những chuyến đi của các ngôi sao, còn sự hồi phục số lượng du khách Trung Quốc là do ngày càng nhiều chuyến bay kết nối Việt Nam với các thành phố của nước này.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel, cho rằng các nền tảng đặt phòng và tour trực tuyến giúp ngành du lịch tiếp cận và phục vụ khách hàng hiệu quả hơn. Lượng khách Trung Quốc du lịch Việt Nam qua Vietravel nửa năm qua cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Michael Kokalar (kinh tế trưởng của VinaCapital) dự báo tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam năm nay sẽ vượt 5% so với trước dịch, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam dự kiến đạt 85% so với trước dịch.

Theo đại diện của Lữ hành Vietluxtour, nhu cầu của du khách nước ngoài cũng thay đổi nhiều so với những năm 2021 - 2022. Du khách Âu, Mỹ chọn các tour xuyên Việt dài ngày để có nhiều trải nghiệm văn hóa, lịch sử, ẩm thực địa phương ở cả 3 miền Nam - Trung - Bắc.

Với khách chọn các tuyến liên Đông Dương, thời gian ở Việt Nam tăng từ 5-7 ngày thay vì 4-5 ngày như trước. Du khách đến từ châu Âu, Mỹ, Úc… chi tiêu cũng mạnh tay hơn, nhiều nhóm khách có xu hướng chọn các dịch vụ cao cấp như lưu trú ở các resort 4-5 sao, tham quan và nghỉ dưỡng trên du thuyền…

Tám thị trường khách quốc tế lớn nhất tại Việt Nam trong nửa năm qua đều đến từ khu vực châu Á. Trong đó, khách Hàn Quốc là 2,2 triệu lượt (chiếm 25,8%), chiếm số lượng lớn nhất, khách Trung Quốc nhiều thứ 2, 1,8 triệu lượt (chiếm 21,4%). Còn lại là khách Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan. Số lượng khách đến từ Mỹ và Úc cũng lọt trong top 10 các thị trường du khách lớn của Việt Nam trong nửa năm qua.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đón 8,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Tổng cục Thống kê cho biết doanh thu và lợi nhuận của các công ty dịch vụ lữ hành trong nước tăng gần 50% so với cùng kỳ.

Theo các doanh nghiệp, doanh thu từ khách quốc tế đã cải thiện nhiều. Bà Trần Phương Linh cho biết mức chi tiêu bình quân của du khách có thể dao động từ 80 - 140 USD/ngày, cao hơn so với giai đoạn sau dịch Covid.

Ngoài ra, du khách cũng mua sắm và chi tiêu cho các dịch vụ giải trí cao cấp hơn. Thống kê từ nền tảng thanh toán Payoo cho thấy trong nửa năm qua, số lượng khách sử dụng thẻ quốc tế phát hành ở nước ngoài để thanh toán qua nền tảng này tăng 2,6 lần, giá trị thanh toán tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Họ chi tiêu cho dịch vụ ăn uống chiếm khoảng 40%, mua thời trang, mỹ phẩm 14%, nữ trang và đồng hồ xấp xỉ 12%, cho nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi hơn 10%. Từ tháng 1 đến tháng 5-2024, Hải quan TP.HCM đã hoàn thuế VAT cho hơn 7.200 lượt người nước ngoài mang hóa đơn xuất cảnh, với tiền thuế được hoàn hơn 40 tỉ đồng, giá trị hàng trên 460 tỉ đồng.

Nhận diện lại chất lượng điểm đến

Tuy khách tăng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng mừng. Ông Nguyễn Hoàng Trưởng, phó chủ tịch CLB du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho rằng khách inbound hiện nay có phân mảng rất cao, trong đó đa phần tự đi hoặc dịch vụ từng phần. Vẫn còn đó những lo lắng về nguy cơ tour 0 đồng, tour giá rẻ từ khách Trung Quốc…

Và ngoại trừ khách du lịch Hàn Quốc, khách du lịch từ các nước khác vẫn chưa xem Việt Nam là điểm đến chính. Trong khi đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đang tích cực thu hút khách du lịch tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt.

Theo ông Đặng Mạnh Phước, CEO Outbox Company, các chỉ số thương hiệu điểm đến của Việt Nam hiện chưa đạt mức trung bình của khu vực. Chỉ số này phản ánh mức độ đầu tư cho truyền thông của du lịch Việt Nam chưa đủ mạnh.

Chẳng hạn, chiến lược truyền thông của Việt Nam chưa đủ nổi bật và chưa đồng bộ, các chiến dịch quảng bá chưa khai thác triệt để các kênh truyền thông hiện đại, thiếu sự tương tác với du khách tiềm năng…

The Outbox Company khảo sát trực tiếp gần 3.000 du khách châu Á qua nền tảng Asia Travel Market Tracker cho kết quả đánh giá mức độ đầu tư cho truyền thông thương hiệu điểm đến của các nước Đông Nam Á còn nhiều hạn chế. Trong đó, chỉ số thương hiệu điểm đến của Việt Nam bị đánh giá dưới mức trung bình trong phạm vi châu Á.

"Các khảo sát cho thấy du khách có xu hướng lựa chọn nơi du lịch dựa trên lượng và chất của những thông tin, hình ảnh và thương hiệu điểm đến mà họ tiếp nhận được. Điều này đòi hỏi hoạt động truyền thông tiếp thị, làm hình ảnh, thương hiệu của du lịch cần phải có cách tiếp cận mới", ông Phước nói.

Nhiều chuyên gia đề xuất ngành du lịch cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ và quảng bá hình ảnh tốt hơn, phải có các biện pháp thích ứng và bảo vệ môi trường để duy trì sức hấp dẫn của những điểm đến và sản phẩm du lịch. Như vậy, du lịch Việt Nam mới có thể đạt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách trong năm 2024.■

Du lịch quốc tế phục hồi hoàn toàn trong năm 2024

UN Tourism dự báo năm 2024 du lịch quốc tế sẽ phục hồi hoàn toàn, với lượng khách đến tăng 2% so với mức năm 2019, dựa trên nhu cầu mạnh mẽ, kết nối hàng không được tăng cường, cùng sự phục hồi liên tục của Trung Quốc và các thị trường lớn khác ở châu Á. Năm 2023, Trung Quốc đã lấy lại vị thế là quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho du lịch quốc tế khi châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Năm 2022, Mỹ là quốc gia dẫn đầu về chi tiêu du lịch quốc tế.

UN Tourism cũng ước tính tổng doanh thu xuất khẩu từ du lịch quốc tế, bao gồm cả doanh thu và vận chuyển hành khách, ước tính đạt 1.700 tỉ USD vào năm 2023, bằng khoảng 96% mức trước đại dịch theo giá trị thực. GDP trực tiếp của du lịch đã phục hồi mức trước đại dịch vào năm 2023, ước tính đạt 3.300 tỉ USD, tương đương 3% GDP toàn cầu.

Ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng của VinaCapital, dự báo doanh thu du lịch sẽ đóng góp hơn 1% cho tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận