Sáng 13-12, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Khánh Hòa phối hợp với Sở Du lịch Khánh Hòa tổ chức diễn đàn trí thức tỉnh Khánh Hòa với chủ đề "Những giá trị văn hóa cốt lõi để phát triển du lịch Khánh Hòa trong tình hình mới" với sự tham gia của nhiều chuyên gia, trí thức văn hóa, du lịch.
Ẩm thực rất quan trọng với du lịch Khánh Hòa
Tại diễn đàn, bà Phạm Thị Huyền Trân - đại diện Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Khánh Hòa - cho biết doanh thu từ du lịch ẩm thực chiếm khoảng 30% tổng doanh thu du lịch của tỉnh này, ước tính đạt 10.000 tỉ đồng trong năm 2019.
"Ẩm thực tạo nên trải nghiệm độc đáo, giúp du khách hiểu sâu hơn về văn hóa, con người địa phương. Khách du lịch không chỉ tham quan di tích, thắng cảnh, tắm biển, mà còn có nhu cầu thưởng thức ẩm thực đặc trưng.
Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh du lịch, góp phần tạo nên trải nghiệm đáng nhớ cho du khách" - bà Trân nói.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), 88% du khách coi trải nghiệm ẩm thực là yếu tố quan trọng trong chuyến đi.
Mặc dù ẩm thực được xem là thế mạnh, tuy nhiên theo bà Trân, cho đến nay ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa chưa chú trọng nhiều đến việc phát triển ẩm thực truyền thống của địa phương, dẫn đến việc nhiều du khách phàn nàn về việc khó tìm thấy quán ăn địa phương chất lượng.
Thực trạng trên đến từ việc ẩm thực truyền thống chưa được khai thác đúng mức, thiếu chiến lược quảng bá và tổ chức sự kiện ẩm thực. Cạnh đó là sự lấn át của ẩm thực nước ngoài, thậm chí có thể thấy sự tràn lan của ẩm thực ngoại nhập.
Qua đó bà Trân đề xuất một số giải pháp để phát huy di sản ẩm thực truyền thống như kết hợp văn hóa ẩm thực với các lễ hội, sự kiện; xây dựng chiến lược phát triển du lịch ẩm thực dài hạn thông qua quảng bá, truyền thông; khuyến khích sáng tạo, tổ chức các cuộc thi ẩm thực truyền thống; sưu tầm, biên soạn sách về ẩm thực Khánh Hòa, lưu giữ công thức và câu chuyện phía sau món ăn.
Phát huy tiềm năng du lịch qua văn hóa dân tộc thiểu số
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn - cho rằng huyện miền núi phía tây tỉnh Khánh Hòa có 13 dân tộc sinh sống, tạo nên nét văn hóa bản sắc đa dạng, rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Theo bà Nguyệt, Khánh Sơn có nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc đã được công nhận, trong đó bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2024.
Cùng với đó là các nghi lễ, phong tục tập quán đặc sắc như lễ bỏ mả, lễ ăn mừng đầu lúa mới, lễ tạ ơn cha mẹ… Các nghề truyền thống như đan đát, chế tác nhạc cụ truyền thống, chế biến rượu cần... theo bà Nguyệt cũng là những hoạt động văn hóa bản địa thu hút du khách khám phá.
Về giải pháp phát triển văn hóa gắn với du lịch, đại diện huyện Khánh Sơn đề xuất cần xây dựng sản phẩm du lịch, văn hóa cộng đồng, bảo tồn và phục dựng văn hóa truyền thống, khuyến khích người dân tham gia bảo tồn văn hóa cộng đồng, từ đó tạo nên một địa điểm văn hóa, du lịch mang bản sắc của miền núi Khánh Hòa.
Du lịch hấp dẫn nhờ văn hóa
Ông Cung Quỳnh Anh - phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - cho biết cùng với sự biến đổi của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa Việt Nam cũng có những biến đổi lớn, song các giá trị truyền thống, cốt lõi như lòng yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết... đã được định hình trong lịch sử và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được gìn giữ, phát huy.
"Văn hóa tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch, do đó chúng ta phải tìm cách tôn tạo và phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời xem đó như là những tài sản, công cụ đặc biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch" - ông Anh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận