Du học sinh Hồ Vũ Ngọc Hân (bìa phải) và bạn bè |
Bạn Hồ Vũ Ngọc Hân, du học sinh tại Houston, Texas, Mỹ, chia sẻ câu chuyện hòa nhập của bản thân trên đất Mỹ:
"Tôi nhận ra rằng khi gặp vấn đề về ngoại ngữ lúc mới bước chân vào Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào, hãy mạnh dạn chọn một nơi không có người Việt mà càng nhiều người bản xứ càng tốt. Vì điều này sẽ giúp bạn mau chóng luyện được kỹ năng nói tiếng Anh.
Để nhanh giỏi tiếng Anh, ngoài việc cố gắng xây dựng và nâng cao trình độ tiếng Anh của bản thân, cần phải tìm hiểu lí do vì sao mình lại yếu kém khi giao tiếp bằng tiếng Anh.
Tôi nhớ có một lần đi chợ của người Mexico, tôi muốn thử đồ ăn, người bán hàng nói với tôi rằng: "Give me 5 seconds and you can try it, ok?". Nghe xong tôi quay qua hỏi anh trai: "Sao ăn thử mà phải trả 5 cents vậy?". Sau khi vỡ lẽ, tôi thấy rất ngượng vì tôi có đi học Anh văn mà nghe sai trầm trọng vậy.
Tôi cũng nghiệm ra được những lý do chủ yếu dẫn đến đa số bạn trẻ “yếu” về khả năng nghe-nói:
1) "Ngại nói tiếng Anh vì sợ phát âm không chuẩn, nói ra sai thì mất mặt và quê lắm, tốt nhất im miệng cho qua và không nói, nghe người khác nói rồi học lại sau là tốt nhất".
Nếu bạn không chịu nói thì sẽ không có cơ hội tập nói để biết sai chỗ nào và tại sao lại sai như vậy. Nghe người khác nói và nói theo sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều, tập cho bạn phản xạ tốt thay vì luôn im lặng.
Tốt nhất bạn nên chủ động nhờ họ chỉnh sai và vui vẻ cám ơn vì họ đã giúp cho bản thân và tránh gây ngại ngùng cho họ nếu họ có ý định giúp bạn chỉnh sửa.
2) "Sao người bản xứ khó gần quá, họ nói gì mà mình chẳng hiểu gì hết, đến lượt mình nói thì họ cũng không hiểu, ngại nói chuyện với họ lắm". Vì ngại như vậy nên nhiều bạn tránh tiếp xúc với người bản xứ.
Tốt nhất là tập lắng nghe và nói nhiều hơn, các bạn có rất nhiều nguồn thông tin để tận dụng nhưng đa số lại không biết tận dụng nó.
3) “Mình bận rộn tối ngày, chẳng có thời gian để trau dồi thêm cho tiếng Anh”. Bạn có thể tận dụng mọi khoảng thời gian, không gian để học tiếng Anh, ví dụ như nghe nhạc tiếng Anh khi đi trên xe bus hay tàu điện ngầm.
Thời gian rảnh hãy vận dụng để nghe đài, tin tức bằng tiếng Anh. Cứ lặp đi lặp lại thành một thói quen, kỹ năng Anh ngữ của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều.
Ngoài tiếng Anh, các bạn cũng nên lưu ý cố gắng qua Mỹ sớm và nhập học đúng ngày. Ngày đầu tiên rất quan trọng, nếu ai vắng mặt ngày này rất có thể phải đợi khóa sau. Bản thân tôi đã phải đợi ở nhà 3 tuần vì bị trễ học.
Để tiết kiệm chi phí, tôi ở với gia đình của bác tại Houston - nơi tôi cho là thân thuộc như ở Việt Nam. Thậm chí còn có các khu chợ của người Việt, nổi tiếng nhất là “chợ chồm hổm”. Điều đó giúp tôi phần nào nguôi đi cảm giác xa nhà.
Ở đây chỉ có trẻ em nói tiếng Anh, còn lại người ta nói tiếng Việt hết. Khu của tôi đang ở có cả người da màu (đa số thuộc thành phần nghèo khổ), nhưng an ninh rất chặt chẽ. Tuy nhiên, tuyệt đối không đi lang thang 1 mình vào buổi tối...
Dù chưa được chính thức nhập học ở trường ĐH, tôi vẫn có thể cảm nhận được cuộc sống của sinh viên nơi đây. Chúng tôi được tập luyện làm việc và học tập theo cách làm việc ở các trường ĐH: thói quen đúng giờ, tự lập, hoạt động nhóm... Nó chuẩn bị cho tôi những bước đệm tốt nhất để hòa nhập trước khi bước vào ĐH chính thức.
Cuối cùng, điều tôi muốn nhắn nhủ với các bạn chuẩn bị du học là: hãy trau dồi Anh văn thật vững trước khi lên đường, vì hạn chế về ngôn ngữ sẽ khiến bạn thiệt thòi nhiều. Ngoài ra hãy luôn tự tin, đừng e dè kết bạn và giao lưu".
Mọi vấn đề liên quan đến du học, các bạn trẻ và phụ huynh có thể gửi về chuyên mục "Tư vấn du học cùng chuyên gia" của Tuổi Trẻ Online. Các bạn trẻ khác đang là du học sinh cũng có thể gửi những chia sẻ, tâm sự và bí quyết/kinh nghiệm du học của mình theo địa chỉ [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận