Nhưng không vì thế mà trải nghiệm của các du học sinh Việt lại không thú vị. Hãy cùng Tuổi Trẻ Online xem các bạn du học sinh đón Tết dương lịch nơi xứ người như thế nào và xem họ có những chia sẻ, dự định, kế hoạch gì hay trong năm 2018 này nào.
Chinh phục thử thách mới trong năm 2018
Thủy Tiên (24 tuổi): sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Học viện Công nghệ British Columbia (BCIT), Canada.
Thủy Tiên đang du học năm đầu ở Canada - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tôi vừa tạm biệt Sài Gòn và có mặt ở Canada được 20 ngày. Khi quyết định đi du học, tôi đă từ bỏ một công việc ổn định, cuộc sống bình an bên gia đình và bạn bè.
Nhiều người nói tiếc, nhưng khi chọn con đường này, tôi mong muốn được cháy hết mình với những khát khao, mong ước của tuổi trẻ.
Đón một năm mới đầu tiên không có gia đình, bạn bè, một mình giữa thành phố xa lạ, tôi tự dặn mình mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn. Tôi có nhiều kế hoạch và mục tiêu để chinh phục.
Trước giờ tôi vẫn tự tin với vốn liếng tiếng Anh. Giờ đi ra ngoài nghe người ta nói tiếng Anh bằng giọng bản xứ, tôi ham lắm. Mục tiêu đầu tiên tôi sẽ luyện lại tiếng Anh thật "xịn".
Chưa hình dung sẽ học gì về chuyên môn nhưng nghĩ đến chuyện sau này có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, tôi thấy mình có thêm thật nhiều động lực.
Bắt đầu cuộc sống của một du học sinh, năm 2018 tôi sẽ cố gắng hòa nhập được với môi trường mới, bạn bè với có một kết quả học tập thật ổn.
Trong năm mới, mình phải cố gắng gấp đôi vừa cho bản thân, vừa cho ba mẹ.
Dự định tương lai của mình là mở rộng vòng tròn bạn bè để kết thân với nhiều bạn bè quốc tế hơn, tham gia những hoạt động ngoại khóa của trường, trải nghiệm cuộc sống xứ người càng nhiều càng tốt và tất nhiên là vẫn phải học tập thật tốt.
Đoàn Viễn Kiều My đang là sinh viên năm nhất ngành Sản xuất Phim và truyền thông của Đại học Sheffield Hallam (Anh). Cô chia sẻ:
Kiều My cũng lần đầu đón năm mới ở nước ngoài - Ảnh do nhân vật cung cấp
2018 là năm đầu tiên mình đón năm mới một mình ở một đất nước khác. Năm mới này đặc biệt vì đánh dấu một cột mốc lớn trong cuộc đời mình - tự lập hơn, trưởng thành hơn tuy đầy thử thách.
Mình đặt mục tiêu là mỗi ngày phải làm điều gì đó khác biệt mà khi ở quê nhà không có cơ hội thực hiện hay học hỏi, như quen thêm một người bạn quốc tế, học được kỹ năng mới từ thầy cô, hoàn thành một bài tập, đi du lịch khi có thời gian rảnh, hay biết cách nấu một món ăn truyền thống của Việt Nam.
Trong năm mới, mình phải cố gắng gấp đôi vừa cho bản thân, vừa cho ba mẹ. Dự định tương lai của mình là mở rộng vòng tròn bạn bè để kết thân với nhiều bạn bè quốc tế hơn, tham gia những hoạt động ngoại khoá của trường, trải nghiệm cuộc sống xứ người càng nhiều càng tốt và tất nhiên là vẫn phải học tập thật tốt.
Kiều My
Nghĩ về gia đình
Diệp Phạm Phương Uyên (22 tuổi, đang làm việc cho Grab tại Malaysia) nói:
Mình làm mảng thanh toán của một ứng dụng giao thông nên vẫn đi làm ngày đầu năm mới. Trải nghiệm cũng khá đặc biệt nhưng đón năm mới xa nhà, vừa thích thú, vừa tủi tủi. Nếu ở Việt Nam, chắc mình sẽ dành trọn ngày đó với gia đình và bạn bè.
Phương Uyên sẽ vẫn đi làm ngày 1-1 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Mục tiêu trong năm 2018 của mình là làm việc thật chăm chỉ, tích lũy những điều mới mẻ khi làm việc trái ngành, trải nghiệm hết các văn hoá tại nước sở tại, và mình sẽ trở về Việt Nam gap year, theo đuổi việc học Thạc sĩ, hy vọng sẽ thực hiện được.
Mình nhớ cái không khí rộn ràng đón năm mới ở Sài Gòn, nhớ đường phố vắng xe, nhớ cái thời tiết se lạnh, buổi sáng được ăn một tô phở tái hay bún bò ngày đầu năm cũng thấy hạnh phúc.
Phương Uyên
Đặng Minh Tâm (du học sinh Mỹ): Tại Mỹ, mọi người không được nghỉ nhiều ngày trong năm như ở Việt Nam, nên vào những ngày này, đa phần mọi người dành để ở bên gia đình.
Minh Tâm và mẹ trong một lần mẹ sang Mỹ thăm anh - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đây là năm thứ 3 tôi ăn tết Tây tại đây, năm nào cũng có mẹ, có chị và một gia đình người Thái Lan thân thiết với gia đình tôi. Năm nay đặc biệt hơn chút là chị đã có gia đình riêng, sẽ thêm thành viên, sẽ đông vui hơn.
Tại trường, cũng giống như một vài sự kiện khác trong năm như Halloween, Giáng sinh…, trong ngày nghỉ lễ này, các du học sinh trong câu lạc bộ cũng sẽ tụ tập cùng nhau ăn uống là chính, tổ chức một vài trò chơi nhỏ cho không khí thêm sôi động. Nếu không có mẹ sang thăm, có thể tôi cũng sẽ tham gia cùng các bạn.
Trải nghiệm văn hóa cùng người bản xứ
Vũ Trọng Đức ( 23 tuổi, du học sinh Đức):
Đây là năm thứ 2 bạn đón Tết ở Đức - Ảnh do nhân vật cung cấp
Năm nay là năm thứ hai mình đón Tết ở Đức. Gần đến Giáng sinh, tết Dương lịch, mọi người trang trí từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12. Nhà nào cũng mua đồ trang trí: cây thông, nến, đèn nhấy... làm ai cũng cảm thấy rất ấm áp.
Dịp Giáng sinh bên này thường được nghỉ nửa tháng đến qua Tết Dương lịch, vì đây là dịp lễ lớn nhất trong năm, lớn như tết âm lịch ở Việt Nam vậy đó.
Thường thì giao thừa, mọi người tập trung ở các quảng trường đếm ngược rồi xem bắn pháo hoa. Năm ngoái, mình ở trong tòa nhà nhiều gia đình nên cũng đỡ buồn và còn được ông chú người Việt mời đến nhà ăn tất niên rồi cùng ra đường xem bắn pháo hoa.
Năm nay, mình đi Hamburg và Berlin chơi, thăm một số khu chợ Giáng sinh, uống rượu vang đỏ nóng - đặc trưng của người Đức trong dịp Giáng sinh nhưng cũng buồn và nhớ nhà da diết. Các bạn sinh viên nước ngoài đi chơi, hoặc về thăm gia đình, năm nay mình chỉ nấu ăn và rủ thêm vài người bạn đến chơi.
Lê Đình Sơn (thạc sĩ năm 2 tại JAIST - Học viện Khoa học và Công nghệ cao, Nhật Bản):
Các bạn trẻ lựa chọn đi chơi sáng nay 31-12 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Năm ngoái, mình được ăn tết Tây ở nhà một người Nhật, được làm bánh mochi. Tết Dương lịch ở đây cũng to như tết Âm lịch ở Việt Nam. Hầu hết các sinh viên Nhật về đón tết cùng gia đình.
Đây là cái tết thứ hai trên đất Nhật của mình. Đợt này, mình có hai bạn Hồng Nhung và Quỳnh Trang từ Đại học Nagoya xuống thăm nên bọn mình cùng nhau đi chơi, thăm thú Kanazawa. Tối đến mấy anh em người Việt cùng nhau mua đồ nấu ăn cùng nhau.
Hôm qua, bọn mình đi trượt tuyết ở chân núi Hakusan. Hôm nay thì nhóm tụi mình đi thăm Kenroku-en, công viên thế kỷ 21 và lâu đài Nagoya.
Bạn đón năm mới 2018 như thế nào? Hãy chia sẻ với Tuổi Trẻ Online qua mục Bình luận bên dưới bài viết. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận