28/08/2024 12:21 GMT+7

Du học sinh dẫn bạn học về Việt Nam trồng rau, làm nông dân

Hơn 7 năm theo học ở Úc, quê hương vẫn là một góc trong tâm hồn tôi với nhiều điều hấp dẫn riêng. Càng thú vị hơn khi nhiều bạn bè quốc tế có cùng cảm nhận mỗi khi nghe tin tức về Việt Nam.

Cùng đồng môn Úc học hỏi quê hương Việt - Ảnh 1.

Sinh viên Úc học trồng rau ở cánh đồng làng Trà Quế (tỉnh Quảng Nam) - Ảnh: PHÚC MINH

Chuyến Study Tour của 16 sinh viên ngành truyền thông ĐH Swinburne (Melbourne, Úc) hai tuần ở Việt Nam kết thúc cách đây chưa lâu. Cùng đi còn có TS Mark Finn - người đã nhiều lần đến Việt Nam giảng dạy cho cơ sở của ĐH Swinburne tại Đà Nẵng và Hà Nội với lời giới thiệu: "Việt Nam là một xứ sở có nền văn hóa đặc sắc, kinh tế phát triển nhanh chóng" càng khiến mọi người tò mò, háo hức.

Chuyến đi nhắc tôi dù sau này làm truyền thông ở đâu cũng sẽ không quên tìm hiểu cội nguồn, bản sắc, những đặc trưng làm nên cuộc sống và sự phát triển của những cộng đồng đa dạng, nhất là ở Việt Nam.

PHÚC MINH

Mùi thơm rau quế và hương vị phố cổ

Chúng tôi đã đến Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Hà Nội, Ninh Bình và Hạ Long (Quảng Ninh) vừa tham quan vừa thực hành những bài học. Đà Nẵng và Hội An làm chúng tôi ngỡ ngàng trước cảnh sắc non nước miền Trung xinh đẹp và ngoạn mục.

Còn thiên nhiên hùng vĩ Ninh Bình và vịnh Hạ Long có thể nói là có một không hai. Càng đi, cá nhân tôi càng thấm thía cụm từ "non sông gấm vóc" mà mình được nghe bấy lâu về đất nước.

Đà Nẵng hay Hà Nội đều lộng lẫy với nhiều cao ốc, cầu đường, công trình thương mại. Patrick - bạn cùng phòng và nhiều bạn khác rất thích thú, say mê chụp hình và khen ngợi cáp treo Bà Nà xuyên qua mây núi. Đặc biệt là chiếc cầu vàng với các trụ cột hình bàn tay thật mềm mại mà chúng tôi chưa từng thấy ở bất kỳ đâu.

Song ấn tượng nhất là cảnh sắc và hương vị làng quê, ruộng đồng, phố cổ Việt Nam. Mọi người cứ lưu luyến mùi thơm của rau trên cánh đồng Trà Quế (Quảng Nam) mà chúng tôi có một ngày trải nghiệm cùng nông dân, trồng rau. Nằm bên dòng sông uốn khúc, đồng ruộng Trà Quế là nơi xen canh hơn 40 loại rau mà nổi bật là rau thơm.

Vẫn là hành, rau răm, tía tô, húng, rau mùi như các nơi khác, nhưng có vẻ rau Trà Quế có mùi thơm và vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Các anh chị nông dân vui vẻ chỉ dẫn cách gieo trồng, tưới nước và thu hoạch. Bao nhiêu mồ hôi, công sức vất vả của người dân quê để có được bó rau tươi, khác xa với các nông trang Úc đều đã chuyển qua quy mô và kỹ thuật công nghiệp.

Phố cổ Hội An như một món quà bất ngờ, đa dạng. Phố xá vẫn giữ được nét xưa cũ và yên bình, hòa trộn nét văn hóa Á Đông từ nhiều quốc gia ở nơi vốn có lịch sử giao thương với phương Tây từ rất sớm.

Những gian nhà ngói nhỏ, đền chùa cổ kính bên dòng sông tĩnh lặng và ngay cả y phục, ẩm thực đều mang dấu ấn văn hóa rộng mở. Hai cô bạn Afia và Sophie khoe hình và viết lại trên Instagram: "Hội An thật tuyệt vời!".

Học hỏi người dân và sinh viên

Đi đâu chúng tôi cũng được người dân và các bạn sinh viên Việt Nam chào đón với nụ cười tươi. Một buổi tối ở Hà Nội, các bạn trẻ rủ đi khám phá cà phê đường tàu.

Đúng là những giây phút vừa vui, vừa hồi hộp khi chờ đợi tàu lửa lướt qua cách lan can quán cà phê chưa đến 1m. Cảnh này không bao giờ có ở Úc. Có vẻ cà phê đường tàu là một bằng chứng về tính nhanh nhạy trong kinh doanh của người Việt mình.

Cô Võ Thị Kim Oanh - trưởng bộ môn kinh doanh ĐH Swinburne cơ sở Đà Nẵng, từng làm việc cho nhiều công ty đa quốc gia - chia sẻ cùng chúng tôi những kinh nghiệm và nhận xét hữu ích về môi trường, phong cách làm ăn năng động của Việt Nam.

Quan sát tại các thành phố, người Việt mình có nhiều cơ sở kinh doanh lớn nhỏ và rất chịu khó chào đón khách. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà đầu tư và du khách nước ngoài thấy thú vị khi đến đây.

Mọi người chung cảm nhận người dân và các bạn trẻ Việt Nam rất cởi mở, ham học hỏi, thích giao lưu quốc tế. Chúng tôi cùng các bạn sinh viên Việt Nam cùng học cùng chơi bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, trở nên thân tình. Cả đoàn cùng đi tham quan một số báo, đài, công ty truyền thông, cùng làm chả giò và còn sáng tác bài hát.

Chia tay nhau, sinh viên hai bên đều lưu luyến, trao nhau những món quà, kết nối để giữ liên lạc. Trước khi rời Đà Nẵng, chúng tôi ra công viên bên bờ sông Hàn chụp hình cùng nhau rồi đồng thanh hét to: "I love Đà Nẵng, I love Việt Nam".

Mê mẩn bánh mì Việt

Ở Hội An, chúng tôi thử sức làm đèn lồng, đi xích lô, đi thuyền trên sông và ra chợ. Anh bạn Max Briffa trầm trồ khen quán All day bánh mì và Bánh mì Phượng. Ở Melbourne, tôi từng rủ các bạn thưởng thức bánh mì Việt Nam, nhưng bánh mì "chính hiệu miền Trung" xứ mình nơi đây đặc sắc hơn nhiều.

Thầy Mark Finn cùng các bạn rất hài lòng, còn mong được trải nghiệm nhiều loại bánh mì Việt Nam hơn nữa. Mà bánh mì và cà phê chính là sản phẩm giao lưu văn hóa Đông - Tây đầy sáng tạo của người Việt!

Hơn cả những bài học

Trước chuyến đi, thầy Mark Finn khuyên rằng sinh viên truyền thông phải luôn đi vào cuộc sống, khám phá sinh hoạt xã hội, không chỉ ghi nhận tình hình mà còn phải quan sát, ghi nhận, nghiên cứu tác động của chính sách và cả thông tin truyền thông với đời sống người dân.

Đi Study Tour trong và ngoài nước là cách học hỏi thực tế. Với tôi, chuyến đi này còn là hạnh phúc nhân đôi khi cùng các đồng môn Úc khám phá chính quê hương Việt Nam của mình.

Trở về sau chuyến đi, tôi mong ngày càng có nhiều bạn bè quốc tế đến học hỏi và làm ăn với Việt Nam. Ở chiều ngược lại, tôi ước các bạn trẻ Việt Nam không chỉ khám phá quê hương mình mà còn có thêm nhiều cơ hội đi đây đó, đem văn hóa, tiềm năng kinh doanh của Việt Nam giới thiệu với bạn bè thế giới.

Cùng đồng môn Úc học hỏi quê hương Việt - Ảnh 2.Du học sinh Việt Nam cần làm gì khi Úc siết chặt chính sách?

Những tháng đầu năm 2024, chính phủ Úc đưa ra những chính sách mới nhằm giảm số lượng người nhập cư. Làm thế nào để du học 2024 thành công?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên