Ở thời điểm này, không phải vô cớ mà trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt vấn đề cảnh báo một số quan chức tăng cấp tham nhũng cả về tần suất lẫn cường độ khi bước vào “”.
Thực tế cho thấy “một bộ phận không nhỏ” quan chức sắp “hạ cánh” đã ra sức tìm cách biến tài sản công thành của riêng, ký gấp hàng loạt dự án bất bình thường, đề bạt nhiều cán bộ thân hữu vào bộ máy công quyền...
Đó là những chuyện “đại sự” ẩn sau bóng tối, thật ra còn có kiểu được coi là công khai, hợp lệ như tận dụng tiền ngân sách để đi du hí nước ngoài dưới nhiều danh nghĩa khác nhau.
Bằng chứng rất cụ thể về những chuyến “hoàng hôn” là tỉnh Tiền Giang vừa phải hủy chuyến đi “tham quan học tập kinh nghiệm chống biến đổi khí hậu” tại Hà Lan và Nga.
Đoàn này có tới trên chục người, trong đó đa số là các cán bộ sắp về hưu. Chi phí cho đoàn ước tính khoảng 80-100 triệu đồng/người, được lấy từ Công ty Xổ số kiến thiết - một doanh nghiệp nhà nước.
Đây không phải là đoàn duy nhất, năm 2014, Tiền Giang cũng dùng tiền của Công ty Xổ số kiến thiết để chi cho hai đoàn đi nước ngoài với thành phần tham dự hầu hết là cán bộ sắp nghỉ hưu hoặc không dính dáng gì tới nghiệp vụ được đề ra trong hai chuyến đi học hỏi này.
Xem chừng phong trào du hí “hoàng hôn” không chỉ dừng lại ở Tiền Giang mà còn lan rộng ra các địa phương khác, điển hình như , đó là chưa kể những nơi “chưa bị lộ”.
Ngẫm cho cùng, các chuyến du hí “hoàng hôn” vốn có lác đác từ nhiều năm qua, nhưng chỉ ở mức bố trí một vài cán bộ sắp nghỉ hưu đi lẫn trong các đoàn công tác nước ngoài, không trở thành một thứ quyền lợi mặc nhiên đang được nơi này nơi nọ áp dụng như một cái “lệ làng”.
Biện luận cho những chuyến du hí “hoàng hôn”, rất nhiều người vô tư coi đây là một ân huệ dành cho họ mà quên rằng đây là một chuyện xa hoa lãng phí, nếu không muốn nói là một kiểu tham nhũng được hợp thức hóa.
Họ cũng quên luôn là đang vui chơi trên những đồng tiền mệt nhọc, thấm biết bao mồ hôi của người lao động lương thiện. Những người có lòng tự trọng chắc hẳn sẽ tránh xa cái thứ ân huệ vô lối này.
Đất nước đang thời khó khăn, ngân sách eo hẹp tới mức không có tiền để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo đúng lộ trình đề ra.
Các vị chức sắc địa phương đều biết rất rõ điều đó nhưng vẫn cố tình làm ngơ khi hạ bút ký cho những chuyến du hí “hoàng hôn”. Điều đó nói lên cái gì? Phải chăng cái thói xài “của chùa” đang lậm sâu vào lối nghĩ của một số người có chức, có quyền?
Cần nói thêm là những chuyến du hí “hoàng hôn” không phải do một người quyết định mà thường được đem ra bàn bạc hoặc chí ít cũng được thông báo trong tập thể lãnh đạo, nhưng có lẽ những ý kiến phản bác quá ít ỏi nên vẫn được dễ dàng thông qua.
Đây thật sự là một vấn đề đáng lo ngại, suy cho kỹ thì nó liên quan đến chất lượng, đạo đức cán bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận