TTCT - Ethiopia như những thước phim cổ đặc sắc và quý hiếm với những lễ hội, phong tục và những buổi cầu nguyện như từ ngàn năm trước. Ông cụ người bộ lạc Bana tầm 80 tuổi, chân mang đôi dép cao su thô sơ, quấn một tấm vải ngắn quanh hông và khoác hờ một chiếc khăn choàng trên vai. Cổ tay, bắp tay, cổ chân và bắp chân ông mang những chiếc vòng tự chế với hoa văn bắt mắt, đầu ông cạo trọc chừa lại một đường ngang màu đỏ ở chính giữa, quấn một chiếc băng đô hoa văn nhỏ điểm xuyết hai sợi lông ngỗng ve vẩy ở hai bên.Thánh đường Beta Giyorgis ở Ethiopia với kiến trúc hình thánh giá độc nhất vô nhị. Ảnh: TOMMASO GIOIARưng rưng chạm vào "bảo tàng sống"Khoảnh khắc ông cụ mở cửa xe bước vào, tôi sững người vì tưởng mình gặp một cụ già của bộ tộc nào đó ở bảo tàng Ethiopia mà tôi mới tham quan chiều hôm trước. Ngồi cạnh ông trên chuyến xe từ thị trấn Jinka về làng Key afer thuộc thung lũng Omo, nơi tập hợp những bộ lạc cổ xưa nhất, tôi trộm nhìn ông suốt chuyến đi và thấy mình thật may mắn vì có cơ may tiếp xúc trực tiếp một di sản sống giữa đời thường.Ông khư khư ôm trong người một miếng gỗ tròn lõm ở chính giữa, người phiên dịch cho biết đó là chiếc gối, vật bất ly thân của đàn ông thuộc nhiều bộ tộc ở Ethiopia. Người tộc Bana rất quan tâm chăm sóc tóc tai, thường vài tháng họ mới gội đầu một lần nên đi đâu họ cũng mang chiếc gối này theo, nếu mệt muốn ngả lưng nằm thì gối cao sẽ giúp tóc họ không chấm đất. Chiếc gối này cũng được dùng làm ghế ngồi khi cần.Chúng tôi "hộ tống" ông cụ vào chợ phiên Key afer, phiên chợ ngoài trời lớn nhất ở vùng hạ lưu sông Omo diễn ra thứ năm hằng tuần, là nơi trao đổi buôn bán giữa ba bộ lạc Hamar, Bana và Tsemay. Phiên chợ là một biển người mênh mông ngập tràn sắc màu, hàng hóa bày la liệt dưới đất. Những đứa bé theo mẹ đi chợ bò lổm ngổm khắp nơi, đàn ông tụ tập uống rượu nhà nấu trong một căn chòi dã chiến, trai gái nắm tay dạo chợ tình tứ. Chợ phiên là cơ hội các đôi trai gái được công khai gặp nhau, kiểu như chợ tình vùng cao ở Việt Nam.Ba bộ lạc Hamar, Bana và Tsemay có vẻ bề ngoài và trang phục khá giống nhau. Các cô gái tộc Hamar với mái tóc đỏ bóng loáng lạ mắt được chăm sóc bằng một hỗn hợp gồm đất sét, mỡ động vật và bơ. Chiếc váy da lộn đính vỏ sò và những vòng hoa văn của các cô trông độc đáo hơn cả những thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới. Cô gái Hamar e thẹn khi được tác giả trang điểm bằng thỏi son. Ảnh: TOMMASO GIOIAVới vẻ bề ngoài ấn tượng, tộc Hamar vượt trội hơn 80 bộ tộc khác ở Ethiopia với phong tục khỏa thân nhảy bò độc nhất vô nhị. Ngày lễ nhảy bò Ukuli Bula là nghi thức đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai mới lớn. Đây là sự kiện chứng tỏ sức mạnh của đàn ông Hamar, cả làng múa ca suốt ba ngày đêm. Nghi lễ bắt đầu bằng việc tắm cát gội rửa tội lỗi, sau đó các chàng trai khỏa thân nhảy qua lưng một đàn bò (10-15 con) trát phân trơn trượt. Những chàng trai nhảy bò thành công sẽ được xem là người đàn ông trưởng thành (Maza) và được chào đón bằng một vũ điệu tán tỉnh đặc trưng. Các cô gái có thể chọn đối tác để nhảy cùng bằng cách đá vào chân anh ta. Đàn ông trưởng thành có thể kết hôn, chăn nuôi gia súc và có con cái. Chàng trai nào bị ngã quá bốn lần khi nhảy bò thì phải chờ năm sau thi lại.Một nghi lễ khác không kém phần độc đáo là những người phụ nữ có họ hàng với chàng trai tập hợp lại thành vòng tròn và giơ lưng ra để nhận đòn roi từ những Maza khác. Các vết sẹo đòn roi là minh chứng cho tình yêu và sự hy sinh của cô gái, cũng là lời khẳng định mối quan hệ keo sơn giữa họ.Cầu nguyện ở giáo đường đá ngàn năm tuổiThị trấn Lalibela có quần thể kiến trúc độc đáo gồm 11 nhà thờ được đục đẽo và chạm trổ tinh xảo từ một khối đá núi lửa duy nhất. Tất cả các thánh đường này thông nhau bằng một hệ thống đường hầm chằng chịt như một mê cung kỳ bí. Một lần vô tình rẽ vào đường hầm cụt, tôi nhìn thấy những người phụ nữ trong trang phục trắng khẽ khàng qua lại trên một cây cầu nối hai bờ thánh đường. Xa hơn, những người đàn ông lớn tuổi cúi mặt rì rầm đọc kinh. Không gian phủ trong một gam màu tím hồng lấp lánh phát ra từ những phiến đá nham thạch khổng lồ. Tôi bị Lalibela "thao túng tâm lý" từ ngay khoảnh khắc ấy.Ngoài kiến trúc phi thường, Lalibela còn là một di tích sống động, nơi tôi có thể tận mắt chứng kiến những thánh lễ vẫn tiếp diễn trong suốt gần 1.000 năm qua. Buổi cầu nguyện mỗi sáng ở Lalibela. Ảnh: TOMMASO GIOIATừ bốn giờ sáng, những đoàn người trong trang phục trắng lặng lẽ bước trên những con dốc mòn tiến về các thánh đường trong tiếng trống dồn. Trong ánh nến lập lòe và tiếng cầu kinh vang vọng từ các vách đá, họ làm nghi thức rửa tội cho một bé trai. Tan lễ, cha tiến đến, khẽ chạm thánh giá vào trán từng con chiên một để ban phước lành.Ở Lalibela, từng ngõ ngách từ bậc thang đến bờ tường, hốc đá đều là nơi cầu nguyện. Người nghiêng mình hôn lên tường đá, người lặng lẽ cầu nguyện một mình trên gác nhỏ. Những người đàn ông mặc áo dài trắng ngồi tựa mình vào tường đá xướng lên những câu kinh thánh dưới hướng dẫn của vị thầy trong ánh sáng mờ ảo của buổi sớm tinh mơ khiến tôi thật sự có cảm giác mình đang lạc về thời Trung cổ.Có hai thời khắc mà bạn không nên bỏ lỡ khi thăm Lalibela, đó là buổi thánh lễ vào năm giờ sáng và hoàng hôn bên nhà thờ Beta Giyorgis, thánh đường có hình dáng cây thánh giá. Cuối ngày, hoàng hôn buông xuống thánh đường nhuộm hồng chiếc thánh giá khổng lồ rồi dần ngả sang màu vàng nhạt và cuối cùng ẩn mình trong màu xanh rêu khi bóng tối bao trùm.Dù có bao lần bị bóng tối bao trùm (từ bóng tối của cái nghèo đói tới bóng tối chiến tranh) thì lòng tin của người Ethiopia vào Đức Chúa Trời vẫn không hề xuy xuyển. Được ví như "tân Jerusalem của châu Phi", Lalibela là trung tâm hành hương quan trọng mà các tín hữu Cơ Đốc giáo chính thống nào cũng mong được đến một lần trong đời. Những người nghèo quá, không có tiền đi xe đò phải cuốc bộ trên đôi chân trần cả tuần lễ băng đèo vượt núi để đến được đây.Thước phim cổ bị xước xátMột em bé bộ tộc Hamar đi lấy củi. Ảnh: Tommaso GioiaChuyến du hành về quá khứ ở Ethiopia với tôi tựa như một "giấc mộng dài" và cuối cùng thì cuộc đời xung quanh cũng "lay tôi dậy" bằng hai tiếng "You! Money!"(Ê! Tiền đây!). Chúng tôi đã rất sốc khi vừa mới đặt chân đến Jinka đã nghe tiếng "You! Money!" vọng lại từ tứ phía, từ người già, trẻ em đến cả những người thanh niên trai tráng. Bỏ qua thị trấn, chúng tôi vô làng và bị một người phụ nữ Hamar "bẫy" ngon ơ. Chị đon đả ra dấu mời tôi vào nhà chơi, kêu mấy đứa con và đám con nít hàng xóm vào cho bọn tôi chụp hình rồi đòi bọn tôi trả công làm mẫu cho tụi nhỏ. Những người hàng xóm kéo đến, vẻ mặt giận dữ hùa vào đòi tiền. Cuối cùng, chúng tôi đành gửi chị ít tiền nhờ mua bánh cho các bé và không dám bén mảng vào một ngôi nhà nào nữa. Khi đi ngoài đường, nhiều trẻ em giành giật nắm tay chúng tôi đòi đi mua bánh kẹo. Từ cụ già tới các anh trai, ai nấy lên đồ đẹp đẽ, phụ kiện lủng lẳng, dao vắt ngang hông như một món trang sức chèo kéo chúng tôi chụp ảnh cùng.Sức mạnh của đồng tiền đã len lỏi đến tận thung lũng Omo xa xôi, biến cuộc sống cổ xưa thuần túy của các bộ tộc nơi đây thành những màn trình diễn đặc sắc, đẹp mắt hòng móc hầu bao của những kẻ hiếu kỳ từ phương xa tới. Chúng tôi đã lặn lội hơn 700 cây số trên những chuyến xe bão táp để đến tận đây nhưng ngay khoảnh khắc đứng trước "sào huyệt" của các tộc cổ, chúng tôi đã quyết định lùi bước. Có lẽ tour "safari người" tốn hàng trăm, hàng ngàn đô la này không dành cho những khách du lịch bụi tôn thờ cái đẹp mộc mạc, không tô vẽ.Một viên chức trách rất giận dữ khi chúng tôi lỡ đi vào khu vực cấm: "Sao không thuê hướng dẫn viên, có mấy đồng lẻ mà cũng tiếc!". Vị chức sắc nhà thờ xin kết bạn và kêu gọi chúng tôi đóng góp tiền để bảo tồn nhà thờ.Là một kẻ hoài niệm và yêu những điều xưa cũ, Ethiopia trong mắt tôi như là một cuốn phim cổ vô cùng đặc sắc và quý hiếm nhưng đang bị trầy xước thảm hại trước sức cào cấu quá mạnh của đồng tiền. ■ Bộ xương hóa thạch của cụ tổ Lucy được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Ethiopia. Ảnh: TOMMASO GIOIAEthiopia: cái nôi của nhân loại?Mặc dù quy mô khá khiêm tốn nhưng Bảo tàng quốc gia Ethiopia lại có một báu vật của nhân loại: bộ xương hóa thạch của Lucy, cụ tổ nổi tiếng nhất của loài người với niên đại hơn 3,2 triệu năm. "Người vượn phương Nam Lucy" được coi là một phát hiện chấn động trong lịch sử, với ý nghĩa to lớn trong việc tìm về nguồn gốc tiến hóa của con người. Hóa thạch của cụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì vào thời điểm được khai quật - năm 1974 - Lucy được coi là đại diện đầu tiên cho việc di chuyển bằng hai chân của tổ tiên con người. "Cụ bà" Lucy đã kịp có một tour triển lãm vòng quanh nước Mỹ trước khi trở về Ethiopia vào năm 2013. Tags: Phim cổEthiopiaBộ lạc BanaCầu nguyệnNhà thờ cổ
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
TP.HCM đề xuất giữ lại ít nhất 21% ngân sách sau 2025 THẢO LÊ 05/11/2024 Việc giữ lại 21% ngân sách để TP.HCM có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy 'giải oan' cho bệnh nhân mắc Wilson bị chẩn đoán nhầm tâm thần nhiều năm THU HIẾN 05/11/2024 Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vừa 'giải oan' cho một bệnh nhân nữ mắc bệnh Wilson hiếm gặp nhưng bị chẩn đoán nhầm thành tâm thần phân liệt nhiều năm.
Cha mẹ giao xe máy cho con đừng vì 'con người ta có thì con mình cũng có' LÊ TẤN THỜI 05/11/2024 Phụ huynh nên cân nhắc khi giao xe máy cho con vì đó là sự an toàn, là tính mạng của con em mình.