09/10/2013 07:11 GMT+7

Đủ chiêu lừa đảo

HỒ VĂN - HÀ MI
HỒ VĂN - HÀ MI

TT - Ngoài chiêu lừa vượt biên trái phép đi Úc làm việc, nhiều cá nhân, tổ chức tư vấn... cũng ra đòn lừa đảo, đánh vào tâm lý “thích đi Úc” của một số người để chiếm đoạt tiền.

Kỳ 1: Kỳ 2:

yApv2V46.jpgPhóng to
Nguyễn Quang Thuân (giữa) tại tòa án TP.HCM trong phiên xét xử hồi tháng 5-2013 - Ảnh: Chi Mai

Chiêu lừa cũng khá đơn giản như rao có người thân ở Úc bảo lãnh định cư làm việc, du học để làm việc, có cả chiêu công ty mẹ bên Úc bảo lãnh công việc để tuyển dụng người làm...

Lừa cả người thân

Điều kiện đi Úc rất khắt khe

Ông Phạm Ngọc Minh, phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XKLĐ Lasec - đơn vị được phép đưa lao động sang Úc, khuyến cáo: người lao động cần thận trọng trước những lời hứa hẹn đưa đi Úc. Theo ông, mức lương tối thiểu của lao động nước ngoài có tay nghề ở Úc tối đa trên 4.000 AUD/tháng. Toàn bộ chi phí đi lao động ở Úc khoảng 400 triệu đồng/người và công việc chủ yếu là đầu bếp, thợ hàn, thợ làm bánh và giết mổ gia súc. Từ năm 2007 đến nay Lasec cũng chỉ đưa được khoảng 100 lao động sang Úc vì các điều kiện đòi hỏi khá cao, nhất là tiếng Anh đạt chuẩn IELTS 5.0.

Mới đây, nhiều lao động khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh đã dính quả đắng với Công ty Huy Vũ (TP.HCM) khi đóng cho công ty này hàng ngàn USD vì lời hứa sẽ được qua Úc làm việc. Để lừa được người lao động, Công ty Huy Vũ trước đó xin được giấy phép hợp tác với một công ty xuất khẩu lao động trong việc cung ứng lao động đi Nhật. Tuy nhiên, Công ty Huy Vũ đã sử dụng giấy thỏa thuận này để tuyển lao động đi Úc với chiêu bài: đi du lịch thương mại qua Malaysia, sau đó sẽ làm visa qua Úc để trốn ở lại làm việc. Huy Vũ thu của hàng chục người hàng ngàn USD/người rồi trốn biệt tăm. Đa số người bị lừa đều là lao động nghèo.

Trong khi đó tại Đồng Nai, cũng vì nghe lời dụ dỗ của bà Nguyễn Thị Mỹ (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) mà hơn 200 người tại hai xã Bình Lợi và Tân An (huyện Vĩnh Cửu) đã đóng cho bà mấy trăm triệu đồng. Theo tố cáo của nạn nhân Nguyễn Thị Kiều, trong một lần dự đám giỗ của người thân trong nhà, bà Mỹ cho biết có hội từ thiện và hội chữ thập đỏ (?) tài trợ cho người dân đi Úc hái nho với lương 3.000 USD/tháng và chủ trang trại nho cũng là người thân của bà Mỹ. Tin lời bà Mỹ, chị Nguyễn Thị Kiều (em bà Mỹ) đã tìm giúp bà Mỹ 56 người với số tiền 524 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Oanh (chị ruột của Kiều) cũng nhận 320 triệu đồng của 43 người giao hết cho bà Mỹ “để được làm thủ tục đi Úc hái nho”(!).

Tính từ năm 2009, khi bà Mỹ “khởi động dự án tìm người đi hái nho” đến tháng 11-2010, đã có 215 người đóng tiền. Thấy lâu quá không được đi, nhiều người giục. Sau đó vài lần nữa bà Mỹ lại hứa lần hứa lữa. Và rồi, rất quen thuộc như những tay lừa khác, bà đánh bài chuồn, đi khỏi địa phương. Hiện Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Mỹ về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và ra quyết định truy nã bà Mỹ.

Cán bộ cũng tham gia lừa

Ngạc nhiên hơn là phi vụ cán bộ nhà nước thuộc Phòng Lao động-thương binh và xã hội huyện Cần Giờ, TP.HCM - ông Nguyễn Ngọc Hải Vân - cũng hợp tác và tiếp tay cho một số cá nhân lừa nhiều người lao động, cũng chiêu bài “đi Úc làm việc”.

Dù biết Nguyễn Quang Thuân (giám đốc Công ty TNHH N&D VN) không có chức năng làm xuất khẩu lao động nhưng khi họ đăng tin tuyển dụng lao động đi Úc làm việc thì Hải Vân vẫn tích cực phối hợp cùng một cò lao động là Rohman (tự Minh) lừa người nghèo. Bộ ba này đăng thông tin có một công ty bên Úc là Kenmax Company Limited (tên công ty tự Thuân nghĩ ra) tuyển dụng lao động phổ thông làm việc tại Úc thời hạn năm năm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng.

Ban đầu Thuân cho Rohman thu phí của người lao động là 14.000 USD/người, Rohman tự ý nâng lên thành 17.000 USD và đến tay Hải Vân thì người lao động đóng 20.500 USD/người. Bộ ba này phân công nhau Thuân sẽ lo đầu ra, Rohman cùng Vân sẽ lo tuyển người và thu phí nộp cho Thuân.

Sau khi bàn bạc, Hải Vân đã sử dụng pháp nhân của Phòng LĐ-TB&XH huyện Cần Giờ tuyển lao động. Do tin tưởng việc tuyển người đi Úc là chính sách của huyện Cần Giờ nên người lao động đã đến liên hệ với Hải Vân đặt cọc. Tổng số tiền mà đường dây lừa đảo này thu của tám nạn nhân tại huyện Cần Giờ là gần 1,4 tỉ đồng và 23.000 USD. Ngày 21-5 vừa qua, Tòa án nhân dân TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo nói trên và tuyên Nguyễn Ngọc Hải Vân 10 năm tù, Thuân bị phạt 8 năm 6 tháng tù và Rohman 8 năm tù.

Hiện nay trên mạng, rất dễ tìm thấy các thông tin “rủ rê” đi Úc vừa học vừa làm. Một người tên H. ở khu vực ngã tư An Sương (TP.HCM) đăng thông tin tuyển dụng lao động đi Úc hái hoa quả với lương 17 USD/giờ, phí xuất cảnh 12.000 USD/người, đặt cọc trước 2.000 USD, thời gian xuất cảnh 5-8 tháng. Người này cho biết chỉ làm theo hợp đồng cá nhân, ký với từng người riêng lẻ, “nếu đi lọt thì thu tiền, không lọt trả lại”. Chỉ những thông tin vu vơ mơ hồ như thế nhưng nhiều người sập bẫy.

Chiêu lừa vừa học vừa làm

Chiêu lừa đi Úc phổ biến nhất hiện nay là du học và làm việc. Các công ty tư vấn du học tung ra chiêu mập mờ giữa tư vấn và tuyển lao động đi Úc làm việc. Nhiều người vì không hiểu biết hoặc tin vào “giấc mơ Úc” đã mất tiền oan. Đơn cử là vụ việc ngày 17 và 18 -10-2012, vài chục lao động Hà Tĩnh, Nghệ An đã kéo đến Công ty TNHH Đầu tư phát triển và giáo dục Nguồn nhân lực (TP.HCM) đòi lại tiền.

Theo những người này, họ là học viên Trường Y Asean (Nghệ An), được trường này liên kết với công ty nói trên để đào tạo đưa đi Úc. Những lao động này cho biết các cò tại quê nhà hứa bảo lãnh qua Úc làm việc với mức lương 4.000 USD/tháng sau khi trải qua khóa học tiếng Anh tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển và giáo dục Nguồn nhân lực. Nhiều lao động đã đặt cọc cho cò tại quê nhà từ 1.000 - 5.000 USD để giữ chỗ chờ ngày đi Úc. Ngoài ra, khi vào Công ty Nguồn nhân lực, họ lại phải đóng phí học tiếng Anh 200 USD/người(!) và bị mất trắng!

____________

Kỳ cuối: Đi Úc không dễ, phải lượng sức mình

HỒ VĂN - HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên