20/09/2014 00:01 GMT+7

Dự báo khí tượng thủy văn vẫn là bài toán rất khó

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cần biết - Bão số 3 vừa quét qua các tỉnh Bắc Bộ được coi là một cơn bão mạnh với đường đi và tốc độ di chuyển khác hẳn các cơn bão vẫn thường xuất hiện vào tháng 9 hằng năm.

Thay vì vào Bắc Trung Bộ, bão lại vào các tỉnh Bắc Bộ và từ lúc hình thành cho đến khi giảm xuống thành áp thấp nhiệt đới chỉ trong vòng bốn ngày. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cố gắng dự báo diễn biến của cơn bão một cách chính xác nhất để chủ động phòng tránh, nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Tính đến ngày 18-9, bão đã làm chết và mất tích gần 20 người. Trong đó có tám nạn nhân bị thiệt mạng do sạt lở núi, đất đá vùi lấp và bị lũ cuốn.

Những thiệt hại về người và của này cho thấy, biến đổi của khí hậu toàn cầu những năm gần đây đã làm tình hình thời tiết ở nước ta có những biến động khó lường. Bên cạnh đó, mạng lưới quan trắc trên đất liền phục vụ công tác khí tượng thủy văn quá thưa, trên biển không có trạm phao cho nên việc tự động hóa quan trắc, thu thập và xử lý còn hạn chế, chưa dự báo được những hiện tượng thời tiết quy mô nhỏ như lốc xoáy, dông sét, cũng như dự báo được lũ quét và sạt lở đất.

Ðể khắc phục hạn chế này, Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương đã sử dụng mạng lưới ra-đa thời tiết, với tám trạm đang hoạt động trên toàn quốc. Ðồng thời còn có sự hỗ trợ của các trạm vệ tinh từ MTSAT-2, FY-2, hệ thống thu số liệu định vị sét toàn cầu...

RHOui61D.jpg

Ðặc biệt các bản tin dự báo khí tượng thủy văn liên tục được cải tiến để truyền tải thông tin tới cộng đồng. Tuy nhiên, công tác dự báo mưa, bão, lũ quét, sạt lở đất nói riêng và dự báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm nói chung vẫn là bài toán rất khó. Hiện, sai số dự báo vị trí tâm bão 24 giờ của hệ thống quan trắc nước ta hiện ở mức 120 đến 150 km, sai số 48 giờ lên tới 200 đến 250 km và sai số 72 giờ còn ở mức lớn hơn.

Ðể góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, công tác cảnh báo kịp thời, dự báo tin cậy và thông tin nhanh chóng, chính xác có giá trị rất quan trọng trong công tác chỉ đạo phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai.

Vì vậy cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cần tăng cường trang thiết bị, bổ sung mô hình, đào tạo nhân lực, xử lý sai số hợp lý; nâng cao chất lượng bản tin dự báo. Bản thân các bộ, ban, ngành và người dân các địa phương cũng cần nâng cao kiến thức về biến đổi khí hậu, từ đó giúp người dân chủ động tổ chức phòng tránh thiên tai an toàn.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên