16/03/2016 09:02 GMT+7

Dự báo hạn, mặn đúng sẽ ứng phó hiệu quả

SƠN LÂM - TTXVN (sonlam@tuoitre.com.vn)
SƠN LÂM - TTXVN ([email protected])

TT - Ngày 15-3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Long An. Một trong những nội dung quan trọng được Tổng bí thư đề cập tại chuyến làm việc là tình hình hạn, mặn xâm nhập, biến đổi khí hậu.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và gặp gỡ lãnh đạo Công ty cổ phần sợi Đông Quang, Khu công nghiệp Hải Sơn, Đức Hòa - Ảnh: SƠN LÂM
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và gặp gỡ lãnh đạo Công ty cổ phần sợi Đông Quang, Khu công nghiệp Hải Sơn, Đức Hòa - Ảnh: Sơn Lâm

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Long An phải xem đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để luôn kịp thời ứng biến và tiếp tục xử lý với vấn đề biến đổi khí hậu.

Hạn chế thiệt hại với dân

Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ yêu cầu nhiệm vụ sắp tới ngày càng cao, khó khăn thách thức còn nhiều, kinh tế phát triển nhanh nhưng chưa bền vững... Long An cũng như các địa phương khác tuyệt đối không được chủ quan mà phải nắm chắc, dự báo đúng tình hình.

Như tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra, mức độ trầm trọng nhất trong vòng 100 năm qua, đã gây thiệt hại hơn 8.600ha diện tích và dự báo tiếp tục ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hecta lúa hè thu của tỉnh.

Nếu dự báo sát, đúng tình hình sẽ có biện pháp ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại gây ra đối với sản xuất và đời sống của nhân dân.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Rạnh, bí thư Tỉnh ủy Long An, cho biết tính đến nay toàn tỉnh Long An đã thiệt hại hơn 100 tỉ đồng, diện tích thiệt hại khoảng 8.651ha (mất trắng 2.101ha). Với diễn biến thời tiết hiện nay sẽ có thêm 6.541ha bị thiếu nước.

Theo dự báo, nước mặn sẽ xâm nhập sâu theo sông Vàm Cỏ Tây khoảng 150km và sông Vàm Cỏ Đông khoảng 120km. Khả năng trong tháng 3 và tháng 4 sẽ có thêm trên 40.000ha lúa hè thu sớm bị thiệt hại do thiếu nước tưới.

Theo ông Rạnh, tỉnh Long An đã tập trung mọi biện pháp phối hợp chặt chẽ với các địa phương để duy trì nguồn nước tưới, nước sinh hoạt, thực hiện các biện pháp chống xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất. Kết quả thực hiện cho thấy đã hạn chế một số diện tích sản xuất lúa bị thiệt hại.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo rà soát, hỗ trợ bà con nông dân theo quy định đối với diện tích lúa bị mất trắng, giúp người dân ổn định sản xuất, nhất là không để dân bị thiếu đói.

Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển

Tại buổi làm việc, tỉnh Long An đã kiến nghị trung ương sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện những vướng mắc đối với doanh nghiệp khi thay đổi Luật đất đai, kiến nghị trung ương làm việc với Campuchia để nhanh chóng có nghị định thư vận tải đường bộ giữa hai bên thông qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp - Pray Vo, đẩy mạnh công tác phân giới, cắm mốc, sớm hoàn thành cắm mốc ở các vị trí còn lại; xem xét, có các biện pháp, chủ trương giải quyết số người Việt Nam ở Campuchia về nước sinh sống...

Đặc biệt, tỉnh Long An cũng đề nghị trung ương xem xét nguồn kinh phí để thực hiện các công trình thuộc chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và hạn, mặn như công trình ven sông Vàm Cỏ, đê bao cặp sông Rạch Cát...

Ghi nhận các kiến nghị của tỉnh liên quan đến cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư, Tổng bí thư cho biết sẽ đôn đốc các cơ quan chức năng cùng ráo riết quyết liệt vào cuộc, phối hợp giải quyết trong phạm vi chức trách nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên nội lực là quan trọng, cần huy động tổng thể các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân... để cho đầu tư phát triển.

Tổng bí thư nhấn mạnh Long An cần học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thật tốt nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đại hội thành công đã đề ra các chủ trương, đường lối phát triển đất nước trong giai đoạn tới, bầu ra các cơ quan lãnh đạo.

Vấn đề đặt ra là triển khai nghị quyết vào cuộc sống như thế nào... Đó là phải khẩn trương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, xác định trách nhiệm rõ ràng, nhất là người đứng đầu.

Cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc tại UBND xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tham quan xưởng sản xuất của Công ty cổ phần sợi Đông Quang (thuộc Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa) và thăm, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ba - Anh hùng lực lượng vũ trang, năm nay tròn 100 tuổi đời, 80 tuổi Đảng.

Các tỉnh cấp bách tìm nước ngọt cho dân

Người trồng sầu riêng ở xã Tam Bình (Cai Lậy) phải vào sâu trong rạch Rau Răm (xã Phú Phong, Châu Thành, Tiền Giang) bơm nước ngọt vào ghe bơm cát để mang về tưới cây - Ảnh: Mậu Trường
Người trồng sầu riêng ở xã Tam Bình (Cai Lậy) phải vào sâu trong rạch Rau Răm (xã Phú Phong, Châu Thành, Tiền Giang) bơm nước ngọt vào ghe bơm cát để mang về tưới cây - Ảnh: Mậu Trường

* Bến Tre: phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước mưa”

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề hạn, mặn xâm nhập, ông Võ Thành Hạo - bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - cho biết ngoài các giải pháp cấp bách, trước mắt tỉnh đang phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước mưa”. Mỗi người dân sẽ trữ nước mưa ở ngay chính tại nhà mình để phục vụ sinh hoạt và tưới theo phương thức tiết kiệm.

Ngoài ra, ở các huyện đều có quỹ đất để làm hồ trữ nước ngọt, có thể trữ được từ vài trăm triệu mét khối nước như tại huyện Ba Tri có kênh Lấp có thể nâng cấp thành một hồ nước dài 7km, rộng 30m chứa vài trăm triệu mét khối nước.

Còn ở Bình Đại sẽ thu hồi một số diện tích nuôi tôm không hiệu quả để làm hồ chứa nước ngọt. Việc làm hồ chứa nước ngọt tại từng huyện ở Bến Tre sẽ tiến hành trong năm tới.

* Tiền Giang: khoan 50 giếng

Ông Lê Văn Hưởng, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết tỉnh đã có phương án khẩn như khoan 50 giếng, khai thác nước ngầm cặp đường ống của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm để bù vào nguồn nước thiếu hụt.

Ngoài ra, tỉnh cũng đắp đập ngăn sông Sáu Hầu - Xoài Hột, lấy nước ngọt từ kênh Nguyễn Tất Thành giải quyết tình thế thiếu nước ngọt sinh hoạt hiện nay.

* Kiên Giang: đắp 2 đập ngăn mặn giữ ngọt

Để cấp nước sinh hoạt cho TP Rạch Giá (trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang) và vùng phụ cận, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo cấp 20 tỉ đồng để đắp tạm hai đập ngăn mặn giữ ngọt trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên và kênh Cụt nhằm cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho Rạch Giá, một phần huyện Châu Thành và Hòn Đất.

Ngoài ra, Công ty Cấp thoát nước Kiên Giang đã đầu tư bảy trạm xử lý nước ngầm trên địa bàn TP Rạch Giá với công suất 15.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong trường hợp nguồn nước bị nhiễm mặn.

* Cà Mau: chuyển đổi sản xuất “sống chung” với hạn, mặn

Ông Nguyễn Văn Tranh - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau - cho biết giải pháp trước mắt là điều chỉnh lịch thời vụ, bố trí lại sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với dự báo tình hình thời tiết. Tích cực chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất phù hợp với khả năng đảm bảo nguồn nước.

“Ngoài ra các viện, trường cần cho ra những giống cây trồng mới có sức chống chịu hạn, mặn cao hơn nữa” - ông Tranh nói.

Về hướng lâu dài trong công tác phòng chống hạn hán và xâm ngập mặn cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Tranh cho biết UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Chính phủ xin chủ trương rà soát điều chỉnh quy hoạch sản xuất nhằm sát với tình hình thực tế của địa phương và thời tiết biến đổi nhanh như hiện nay.

* Hậu Giang: xin 610 tỉ đồng làm 2 dự án

Ông Trương Cảnh Tuyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh đã đề nghị trung ương hỗ trợ 152 tỉ đồng để đắp đập thời vụ và xây cống hạn chế tối đa mặn xâm nhập nội đồng.

Theo ông Tuyên, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài tỉnh Hậu Giang xin đầu tư dự án đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh (phần còn lại) với chiều dài 30km, cùng với đê bao dài 40km xây dựng trước đó sẽ bảo vệ được tổng cộng trên 32.000ha khi mặn xâm nhập.

Một dự án nữa là ô bao vùng Long Mỹ - Phụng Hiệp xây dựng đê bao kết hợp với cống, bảo vệ được 30.000ha đất nông nghiệp cho hai địa phương này. Phụng Hiệp là vùng rốn của tỉnh, nên khi nước mặn xâm nhập thì không thoát ra được, do đó việc đầu tư dự án này rất cấp thiết.

“Tỉnh Hậu Giang đã có văn bản xin trung ương hỗ trợ 610 tỉ đồng thực hiện hai dự án này. Nếu được hỗ trợ sớm, tỉnh triển khai thực hiện ngay” - ông Tuyên nói.

T.TÚ - M.TRƯỜNG - K.NAM - H.T.DŨNG - T.THÁI - L.DÂN

SƠN LÂM - TTXVN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên