Thí sinh tại điểm thi THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) tự tin sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp khoa học xã hội sáng 24-6 - Ảnh: Duyên Phan |
Lần đầu tiên môn giáo dục công dân được đưa vào đề thi quốc gia, có lẽ vì thế nên phần câu hỏi của môn này trong bài thi khoa học xã hội được xem là “dễ thở” nhất.
Cô Trần Thị Quyến, giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), cho biết nhiều học sinh của cô ngay sau buổi thi đã điện thoại cho cô thể hiện sự hào hứng vì “trút được nỗi lo” một cách nhẹ nhàng hơn hình dung từ trước.
Đề nằm trong chương trình, vừa sức học sinh nhưng các câu hỏi vận dụng ở cấp độ khó chưa đủ “độ”, vì thế phổ điểm sẽ cao. Có thể quan điểm của Bộ Giáo dục đào tạo là hướng đến sự “thích nghi” dần cho cả học sinh và giáo viên phổ thông nên năm đầu tiên môn học này xuất hiện trong đề thi quốc gia với sự nhẹ nhàng. Nhưng mặt trái của việc này là có thể tạo nên tâm lý chủ quan, tiếp tục coi thường môn học vốn đã bị coi là môn phụ trong một thời gian dài... |
Cô Trần Thị Quyến, giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) |
Câu hỏi “phân hóa” chưa đủ “độ” và chưa hay
Cô Quyến cũng cho rằng trong khi môn giáo dục công dân đang cần cải thiện để xóa bỏ suy nghĩ về sự “khô khan”, “giáo điều” thì đề thi rất cần những câu hỏi tình huống gắn với thực tế đời sống xung quanh.
Đây là những câu hỏi thú vị có thể tạo cảm hứng cho thí sinh và cũng có thể xem là các câu phân hóa để đánh giá khả năng vận dụng kiến thức và nhiều kỹ năng cần thiết của thí sinh. Nhưng việc đưa ra các câu hỏi tình huống cũng là vấn đề nhạy cảm cần thận trọng.
Trong những đề thi trắc nghiệm giáo dục công dân từng được công bố, có những tình huống bị dư luận cho rằng “phản giáo dục”, không phù hợp với lứa tuổi học sinh như đưa tình huống đánh ghen, ngoại tình...
Có lẽ vì muốn an toàn nên tỉ lệ câu hỏi tình huống trong đề thi không nhiều, không khó và không hay.
Tương tự ở đề thi lịch sử, cô Lê Thu, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cũng cho rằng lượng câu hỏi ở mức vận dụng chưa nhiều trong đề thi.
Bởi thế, dù đề lịch sử là một đề tốt, bám sát chương trình, có đầy đủ các mức độ nhận thức như trong ma trận đề thi. Nhưng thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức thì cũng đạt điểm 7 dễ dàng.
Cô Châu Loan, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho rằng đề thi địa lý chỉ có bốn câu có thể xem là khó, có nghĩa thí sinh phải hiểu và suy luận được.
Tuy vậy, tất cả các câu hỏi này cũng tương đối cơ bản, đều là kiến thức giáo viên phổ thông ôn tập kỹ cho học sinh.
“Đề địa lý có tới 24 câu rất cơ bản, học sinh chỉ cần ghi nhớ kiến thức trong bài học là làm được. Nhất là lại làm theo hình thức trắc nghiệm, những thí sinh chưa thật thuộc bài nhưng có kỹ năng làm bài trắc nghiệm tốt cũng có thể điền phương án đúng.
Với nhóm câu hỏi này thí sinh có thể ăn trọn điểm 6. 10 câu hỏi kiểm tra kỹ năng tra cứu atlat, kỹ năng liên quan tới biểu đồ, đồ thị cũng là những câu hỏi “nhẹ” so với thí sinh. Bởi vậy theo cô Châu Loan, mặt bằng điểm phần thi địa lý sẽ khá cao.
Cũng theo cô Loan, do đề thi thử nghiệm công bố trước kỳ thi gây tranh cãi ồn ào nên ở đề thi chính thức, có cảm giác ban ra đề thi đã phải rà kỹ để loại những câu có “nguy cơ”, cũng vì thế mà không có câu nào của đề địa lý thực sự hay, bất ngờ, khích lệ cảm hứng, sáng tạo.
Thí sinh trao đổi về bài thi sau khi thi xong môn tổ hợp khoa học xã hội tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Chưa đúng tầm của đề thi quốc gia
Nhìn lại các đề thi THPT quốc gia 2017, nhiều giáo viên đã nhận định: “Do năm nay là năm đầu tiên kỳ thi có quá nhiều đổi mới nên đề thi dễ, thậm chí dễ quá - dưới mức một kỳ thi quốc gia”.
Trong đó, bất ngờ nhất là đề thi văn: “Nó quá quen thuộc và đơn giản, độ khó thì nằm dưới tầm của một kỳ thi mà các trường đại học dùng kết quả để xét tuyển.
Phần I: đọc - hiểu đề ra một văn bản không khó với những câu hỏi cơ bản. Điều này có thể chấp nhận được, coi như tạo điều kiện cho thí sinh lấy điểm để tốt nghiệp THPT.
Nhưng đến câu hỏi về nghị luận xã hội thì tôi thực sự thất vọng: “Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống”: thí sinh chỉ cần đi theo một hướng duy nhất: phê phán những hành động vô cảm và khẳng định: sự thấu cảm có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống con người” - một giáo viên văn nổi tiếng ở Q.3 (TP.HCM) cho biết.
Tương tự, thầy D., giáo viên môn văn ở Q.11, cũng thừa nhận: “Câu hỏi nghị luận văn học trong đề thi văn không có sự đột phá mà thiên về hướng kiểm tra thí sinh có thuộc bài không. Thậm chí, thí sinh có thể sử dụng văn mẫu vì dạng đề này tồn tại cách đây cả chục năm”.
Thầy Đoàn Hồng Hà, tổ phó tổ vật lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), góp ý: “Đề thi vẫn chú trọng vào kỹ năng tính toán hơn là bản chất - hiện tượng vật lý.
Trong khi đề năm 2014 đã có những câu yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống. Đây là những câu khuyến khích giáo viên và học sinh đổi mới phương pháp dạy - học; xứng tầm với một kỳ thi quốc gia có dùng kết quả để xét tuyển vào đại học”.
Niềm vui của các cán bộ in sao đề thi khi được về nhà sau 14 ngày sống cách ly làm nhiệm vụ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh |
An toàn về mọi nghĩa Xét từ định hướng ra đề thi của Bộ GD-ĐT, tất cả đề thi của 5 bài thi năm nay đều đạt yêu cầu: Nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, vừa sức, không đánh đố thí sinh, không có những nội dung nhạy cảm, gây tranh cãi, và có thể phân hóa do các câu hỏi được chia tỉ lệ độ khó khác nhau... Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên ngoại ngữ Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng), cho rằng có khoảng 35 câu hỏi trong đề thi tiếng Anh có thể xem là cơ hội gỡ điểm cho thí sinh vì quá đơn giản và dễ hơn nhiều so với năm trước. Chỉ có bài đọc trong đề thi là khó hơn. Nhưng các bài đọc trong 4 đề thi gốc đều không quá khó, học chắc cơ bản đều có thể làm được. “Điểm 7 sẽ nhiều, nhất là đối với thí sinh ở khu vực đô thị, nơi việc dạy học ngoại ngữ có điều kiện thuận lợi” - cô Hà nhận xét. Đề văn là đề duy nhất trong 4 bài thi gây tranh cãi do đưa khái niệm “thấu cảm” vào đề thi. Tuy nhiên, cô Hà Thanh (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội) cho rằng khái niệm đó cũng không “gây khó” cho thí sinh vì đã có phần lý giải ở đoạn trích. Nhận xét chung, cô Hà Thanh vẫn cho rằng đề văn là một đề tròn trịa, an toàn, dễ thở đối với cả học sinh ban A và D. Tuy vậy, xét ở mục đích xét tốt nghiệp và phân loại, cô Hà Thanh cho rằng vẫn “đạt yêu cầu”. Đây cũng là một “điểm cộng” cho định hướng an toàn của đề thi văn khi có những câu đủ cho thí sinh không thể rơi vào điểm liệt, chạm được tới yêu cầu tối thiểu và có những câu hỏi phân hóa, phục vụ việc xét tuyển ĐH, CĐ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận