Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) chiều 7-7 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Có hai điểm nổi bật trong những dự báo này là điểm chuẩn các trường tốp giữa sẽ tăng nhẹ và điểm các trường tốp trên không biến động nhiều lắm.
Y dược không nhiều biến động
Theo ông Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, đề thi được đánh giá là an toàn cho thí sinh để đảm bảo mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học trong điều kiện dịch COVID-19.
"Với đề thi như vừa qua, nhiều khả năng điểm chuẩn của trường năm nay sẽ không nhiều biến động, vì điểm trúng tuyển nhiều ngành của trường năm ngoái đã rất cao rồi", ông Khôi dự báo. Điểm chuẩn của trường năm 2020 từ 19 đến 28,45 (đã cộng điểm ưu tiên về khu vực, đối tượng), trong đó ngành y đa khoa có điểm trúng tuyển cao nhất là 28,45.
Dựa vào độ khó dễ của đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Trần Nam - trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng cho rằng Bộ GD-ĐT đã tính toán đề thi theo hai mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng, bên cạnh đó, phản ứng của thí sinh năm nay về đề thi không khác nhiều so với năm 2020 nên khả năng phổ điểm cũng tương đồng.
"Kỳ tuyển sinh năm 2021, trường chúng tôi tuyển sinh 3.549 chỉ tiêu. Trường dành tối đa gần 70% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và là phương thức chiếm tỉ lệ chỉ tiêu cao nhất.
Theo đánh giá, khả năng điểm chuẩn năm nay của trường không có nhiều thay đổi so với năm 2020. Nhà trường sẽ tính toán phương án để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh phải thi tốt nghiệp đợt 2", ông Nam cho hay.
Tăng nhẹ ở ngành thu hút thí sinh
Ông Phùng Quán - trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định năm 2021 với số lượng thí sinh tăng hơn mọi năm, các trường có nhiều phương thức xét tuyển và đồng thời vừa xong đợt thi tốt nghiệp THPT với đề thi được đánh giá là an toàn cho thí sinh.
"Tôi nhận thấy dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng nhưng vẫn chủ yếu các ngành thu hút nhiều thí sinh như nhóm ngành kinh tế - tài chính, báo chí, truyền thông, công nghệ thông tin..., còn các ngành khác tăng nhẹ và thậm chí không tăng", ông Quán nói.
Theo nhận định của ông Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng, cố vấn tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM - nhìn chung đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái một ít, khả năng do bộ đã tính đến tình hình dịch bệnh nên điều kiện học và ôn tập của các em trong dịch không được tốt.
Khả năng điểm trung bình mỗi môn sẽ nhích lên cỡ 0,25-0,5 điểm, như vậy tổng 3 môn theo tổ hợp sẽ tăng 0,75 - 1,5 điểm.
Do dịch bệnh, đa số các trường đại học đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, nhất là dành nhiều chỉ tiêu cho xét học bạ và đánh giá năng lực, vì vậy chỉ tiêu dành cho phương thức xét theo điểm thi THPT sẽ ít hơn mọi năm.
"Như vậy với hai lý do nêu trên, tôi dự đoán điểm chuẩn năm nay ở các trường đại học tốp trên sẽ tăng 0,5-1,5 điểm. Điểm chuẩn trường đại học tốp dưới tăng ít, dự đoán từ 0,5-1 điểm", ông Dũng nói.
Kinh doanh - quản lý có thể tăng từ 0,5-1 điểm
Theo ông Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, với độ khó của đề như năm nay, cộng với nhiều trường đã dành chỉ tiêu cho các phương thức khác ngoài phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, dự kiến điểm chuẩn vào các trường năm 2021 bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng chút ít so với năm 2020. Đặc biệt với các nhóm ngành kinh doanh - quản lý, công nghệ thông tin có thể tăng từ 0,5-1 điểm.
Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM - dự báo: "Điểm chuẩn vào đại học năm nay sẽ tăng hơn so với năm ngoái vì chỉ tiêu đại học sẽ giảm đi so với năm ngoái (có trường mức điểm xét tuyển bằng học bạ chiếm khoảng 60%). Năm nay điểm trúng tuyển sẽ tăng hơn năm ngoái từ 0,5 - 3,5 điểm, những ngành tăng lên nhiều so với năm ngoái là những ngành như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, y đa khoa...".
* TS Đào Tùng (phó giám đốc Học viện Tài chính):
Dự đoán phổ điểm gần bằng năm ngoái
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp thế này, tôi đánh giá Bộ GD-ĐT đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thành công.
Đề thi năm nay vừa sức thí sinh, nhưng cũng phải tính thêm yếu tố các em đã trải qua một kỳ học online trước đó, cộng thêm tâm lý lo lắng, nên tôi dự đoán phổ điểm năm nay có thể gần bằng với mức năm ngoái, nhưng không thể cao hơn được.
Thí sinh thi đợt 2 cũng không nên lo lắng vì Bộ GD-ĐT cho phép thi hai đợt, nhưng xét tuyển chung một đợt, và các trường đại học còn rất nhiều hình thức xét tuyển khác phù hợp với các em.
Ngoài ra, do các địa phương đã tổ chức phân luồng học sinh tốt hơn, Bộ LĐ-TB&XH cũng tuyên truyền mạnh về việc học nghề, nên số lượng học sinh giáo dục thường xuyên ở các địa phương tăng lên rất nhiều.
Điều này cũng rất tốt, vì năm nay nhiều thí sinh sẽ chọn thi vào trường nghề phù hợp thay vì phải chạy đua vào đại học như những năm trước.
NGỌC DIỆP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận