01/08/2016 08:08 GMT+7

Dự báo bão phải đưa ra nhiều phương án

XUÂN LONG - TUẤN PHÙNG GHI
XUÂN LONG - TUẤN PHÙNG GHI

TTO - Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tài nguyên - môi trường rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác dự báo bão số 1, vấn đề nào cần được rút kinh nghiệm?

*** Error ***
Một căn nhà của người dân tại huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình bị tốc mái. Ảnh - NAM TRẦN, chụp sáng 28-7 

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển - Bộ Tài nguyên - môi trường:

Rút kinh nghiệm công tác trao đổi thông tin

Ngay sau khi bão số 1 kết thúc, trước những thông tin nêu về công tác dự báo chưa chính xác, Bộ Tài nguyên - môi trường đã chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn họp đánh giá, rút kinh nghiệm xem công tác dự báo cơn có đúng là chưa chính xác như thông tin nêu hay không.

Qua rà soát cho thấy việc dự báo cơn bão số 1 được thực hiện rất đầy đủ. Thời lượng phát tin dự báo được cập nhật liên tục khoảng 15 phút/bản tin.

Ngoài cung cấp thông tin dự báo cho các cơ quan chức năng, địa phương, các cơ quan báo đài, Đài truyền hình Việt Nam, Trung tâm Khí tượng thủy văn cũng đã phối hợp với nhà mạng cung cấp bản tin dự báo.

Tuy nhiên, việc triển khai phát các bản tin dự báo, cập nhật các bản tin dự báo ở địa phương cũng chưa kịp thời, vì vậy có những thông tin dự báo sau chưa hẳn đến được với người dân.

Trong công tác dự báo hiện nay, ngoài các thiết bị đã được đầu tư rất tiên tiến còn có sự tham khảo dự báo của các đài quốc tế. Vì thế thông tin dự báo đưa ra không sai so với diễn tiến của bão.

Tuy nhiên, mức đo cấp gió giật trong dự báo mới chỉ tương đối, không thể chính xác hoàn toàn, nhưng với thông tin dự báo gió giật tới cấp 12 và thực tế diễn biến của bão số 1 giật cấp 13 cũng là sai số không nhiều.

Trong cơn bão số 1 có những diễn biến rất khác thường như tốc độ di chuyển của bão chậm, nên thời gian gió mạnh duy trì tại một khu vực lâu.

Thủ tướng phê bình và yêu cầu rút kinh nghiệm về công tác dự báo, tới đây Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng cần rút kinh nghiệm và thực hiện đổi mới ngay công tác trao đổi thông tin.

Việc trao đổi thông tin, cung cấp thông tin dự báo phải làm sao cho kịp thời, chính xác, mục tiêu phải đạt được là thông tin dự báo phải đến được với người dân.

Vì vậy, hiện nay các đơn vị đang nghiên cứu ngoài các kênh thông tin phát qua các bản tin dự báo công bố trên truyền hình, còn phải có các kênh truyền thông tin dự báo khác nữa để có nhiều thông tin đến được với người dân.

Nếu bản tin dự báo chỉ gửi tới các cơ quan quản lý, các địa phương thì vẫn chưa đủ. Đây là vấn đề chúng tôi cần phải rút kinh nghiệm, đổi mới về hình thức, cách thức phát tin, có nhiều kênh phát tin để thông tin kịp thời đến người dân.

Vì trong ứng phó với bão là tại chỗ và sự chủ động của người dân là rất quan trọng.

GS.TS Phan Văn Tân - Chủ nhiệm bộ môn khí tượng, khoa khí tượng thủy văn và hải dương học Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội:

Cần có mô hình dự báo bão chuyên dụng

Dự báo bão vẫn là bài toán muôn thuở, làm năm này không hết, năm sau cũng không hết nên cuối cùng vẫn cứ gọi là dự báo. Các nhà khoa học nhìn nhận sai số trong dự báo bão là chuyện bình thường.

Vấn đề là làm thế nào để giảm sai số càng nhiều càng tốt. Đó là mục tiêu cuối cùng mà nước nào cũng hướng tới.

Mục tiêu này thực hiện bằng tăng cường nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay bão cứ chạy “lổn nhổn” mà chưa biết có theo quy luật nào hay không.

Ngày trước gọi miền Trung là rốn bão, nhưng mấy năm nay miền Trung ít bão. Miền Bắc cũng tương đối nhiều bão, nhưng đâu phải tập trung nhiều vào Quảng Ninh. Trong khi bây giờ tần suất bão vào phía nam Trung Quốc và Quảng Ninh ngày càng nhiều.

Nói thế là cảm tính, nhưng phải chấp nhận một điều là có sự biến đổi rất mạnh trong việc hình thành, tồn tại, phát triển, di chuyển của bão ngày càng khó nắm bắt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Nhiều nước có mô hình dự báo chuyên dụng. Mô hình dự báo thời tiết bình thường có thể đưa ra dự báo bão nhưng như dùng dao rựa thái thịt. Nó vẫn có thể thái được thịt, nhưng muốn thái miếng thịt cho ngon thì phải có một con dao rất sắc, phù hợp.

Dự báo bão cũng vậy, muốn tăng độ chính xác phải có một hệ thống dành riêng cho nó mà hiện nay chúng ta chưa có. Nên chăng phải xây dựng hệ thống này?

Sẽ làm cẩn thận hơn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Hải, phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết thực tế cơ quan này đã rút kinh nghiệm về dự báo bão số 1 cũng như sau mỗi cơn bão.

Theo đó, với bão chưa vào bờ phải đưa ra nhiều phương án chi tiết hơn, theo dõi chặt chẽ và chú trọng khả năng tiếp cận thông tin từ cơ quan dự báo cho các đơn vị liên quan.

Vì lý do nào đó mà có người sử dụng bản tin cũ, không phải bản tin cập nhật thì chúng tôi không quyết định được. Nhưng trong các cơn bão tiếp theo sẽ làm cẩn thận hơn, đưa ra nhiều phương án hơn.

XUÂN LONG - TUẤN PHÙNG GHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên