Một ôtô được lực lượng cứu hộ đưa đi sau khi bị cây ngã đè trong bão tại Hà Nội - Ảnh: Q.THẾ |
Theo ông Tuấn, cơ quan khí tượng dự báo sai về cấp độ và hướng đi của bão, tốc độ di chuyển của tâm bão không như dự báo là 10-15km/h.
Trước ý kiến trên, cơ quan khí tượng thủy văn cho rằng bão vào đúng một trong hai phương án mà họ đưa ra từ ngày 26-7.
Ảnh hưởng của bão nặng nề
Ngày 28-7, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tuynh - giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình - cho biết trên thực tế, bão ở Thái Bình rất lớn và thời gian kéo dài chứ không chỉ cấp 6, cấp 7 như thông tin trước đó.
Ông Tuynh nhận định thực chất bão giật phải cấp... 14-15, bởi ngay cả cây cổ thụ, mái nhà chắc chắn của Đại học Y Thái Bình cũng bị bay xuống đường, đè làm gãy cột điện. Hậu quả của bão lớn, ông Tuynh cho biết ở Thái Bình qua thống kê ban đầu có tới hơn 600 cột điện bị đổ, một trạm biến áp bị cháy...
Với băn khoăn về chất lượng cột điện, ngành điện dùng nhiều cột điện bêtông ly tâm, chủ yếu chịu lực thẳng không chịu lực kéo ngang khiến dễ gãy, ông Tuynh cho rằng vấn đề không phải do cột điện mà do bão lớn.
Hiện nay, theo ông Tuynh, trên thế giới cũng như ở VN đều dùng cột điện bêtông ly tâm dự ứng lực, nó đã được nghiên cứu, thiết kế và được kiểm định đáp ứng quy chuẩn trước khi sử dụng.
Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), nhiều tỉnh bị mất điện hoàn toàn trong bão số 1 như Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định. Mất điện một phần khu vực Thanh Hóa, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh và một số tỉnh khác.
Có hàng chục lộ đường dây lưới điện truyền tải đang bị sự cố. Ảnh hưởng của bão là nặng nề. Đã xảy ra sự cố đường dây 500kV Thường Tín - Nho Quan khi bão đổ bộ, tuy nhiên đã xử lý xong và đóng điện lại lúc 4g17 cùng ngày.
Đường dây 220kV cũng có tuyến Ninh Bình - Bỉm Sơn bị sự cố và đã được xử lý. Song với lưới điện 110kV đã có tới 21 lộ bị sự cố. Riêng khu vực Hà Nội, EVN xác nhận cũng có 99 lộ đường dây trung áp bị sự cố.
“Dự báo sớm và chính xác”
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hải - phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 1 di chuyển theo phương án 2 mà cơ quan khí tượng đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai với 12 địa phương phía Bắc cùng các bộ ngành liên quan.
Tại cuộc họp này, ông Hoàng Đức Cường - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - đã đưa ra hai phương án về khu vực bão sẽ đổ bộ.
Phương án 1 có xác suất 70% là trọng tâm bão đi vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, phương án 2 có xác suất 30% là trọng tâm bão đi vào khu vực phía nam đồng bằng Bắc bộ. Thời gian bão đổ bộ theo hai phương án đều là tối và đêm 27-7.
Đánh giá về thực tế khi bão đổ bộ, ông Lê Thanh Hải cho biết có một số thời điểm gió mạnh hơn 1 cấp so với dự báo như: dự báo gió mạnh cấp 8-9 thì hầu hết thực tế cấp 8-9 nhưng một số nơi ven biển gió mạnh đạt cấp 10 như Văn Lý (Nam Định), Ba Lạt (Thái Bình); dự báo gió giật cấp 10-12 thì thực tế là cấp 10-13 như ở Văn Lý, Ba Lạt.
“Bão di chuyển với tốc độ 15-20km/h, nhưng trong thực tế có những thời điểm bão gần như đứng yên một chỗ khi vào sát bờ biển. Chính vì bão đứng yên một chỗ trên biển nên được bổ sung năng lượng để duy trì được cường độ lâu dài, gây gió mạnh cho khu vực ven biển trong thời gian dài.
Bão đi càng chậm thì duy trì thời gian gió mạnh tại một vị trí càng lâu, cây cối đổ càng nhiều khi bị gió lay trong thời gian dài với nhiều hướng khác nhau” - ông Hải lý giải về lý do bão đi chậm hơn dự báo.
Thông thường, với những cơn bão có gió mạnh từ cấp 10 trở xuống khi vào bờ sẽ suy yếu nhanh. Nhưng với bão số 1 thời gian duy trì gió mạnh rất lâu, khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đến Hà Nội vẫn gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Với điểm khác biệt này, ông Hải cho biết là cơ quan dự báo theo dõi tâm bão từ 8g tối 27-7 đến 5g sáng 28-7 cũng thấy căng thẳng vì không hiểu sao bão duy trì cường độ lâu như vậy. Bão vào ven bờ không suy giảm cấp độ mà thậm chí nhích lên một tí khi đang ở trên biển.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai chiều 28-7, tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng các bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương đưa ra khá sát và sớm.
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa - cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn - cũng nhận định việc dự báo bão số 1 sớm và chính xác, cập nhật theo từng giờ đã giúp cho ban chỉ đạo cũng như địa phương ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại.
1 người chết, 1 người mất tích Theo thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai từ các địa phương, đến cuối chiều 28-7 bão số 1 đã làm thiệt mạng 1 người ở Hưng Yên, 1 ngư dân mất tích ở Thanh Hóa, 5 người bị thương ở Nam Định và Thái Bình. Có 12 tàu chìm ở Nam Định, Hải Phòng và Thanh Hóa, 1 nhà bị sập hoàn toàn ở Hà Nam, 1.425 nhà bị tốc mái, hư hỏng (Hà Nam có 967 nhà, Hà Nội 458 nhà), 27 phòng học ở Thái Bình bị hư hại. Khoảng 5.000 cây xanh bị gãy. Ngày 28-7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao, kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận