Ngày 10-7, một lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đã yêu cầu UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và ngành liên quan báo cụ thể việc hàng chục hộ dân suốt 20 năm "sống tạm" trong nhà mình do dự án khu đô thị của Trung Nguyên chậm triển khai giai đoạn 2.
"Sống tạm" vì dự án "dây dưa" của Trung Nguyên
Hơn 30 hộ dân thuộc tổ dân phố 1 (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) ở sát hàng rào khu Bảo tàng Cà phê Trung Nguyên cho biết họ phải chịu cảnh "ba không": không đường, không điện, không nước sạch trong nhiều năm ròng rã.
Nhà cửa xuống cấp, đường sá bết đất bùn, uống nước giếng ô nhiễm nhưng không thể bắc nước sạch cũng như không thể sửa chữa, sang nhượng, vay vốn bằng tài sản của mình.
Người dân nhiều lần làm đơn kiến nghị, phản ánh trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng vẫn không được giải quyết. Suốt 20 năm qua, họ lâm cảnh "sống tạm" trong chính nhà mình.
Bà Nguyễn Thị Nội Hà (62 tuổi) cho biết gia đình bà và các hộ dân ở đây nguyên là công nhân (hoặc mua lại suất đất của công nhân) của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Buôn Ma Thuột. Công ty chia cho các hộ dân rìa đất dốc ven hồ Suối Xanh để làm nhà, trồng rau, cây ăn trái.
Năm 2003, Nhà nước quy hoạch khu vực này để xây dựng khu đô thị sinh thái - văn hóa Suối Xanh hơn 2.000 tỉ đồng của Công ty CP Cà phê Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên).
"Chúng tôi được thông báo nằm trong vùng quy hoạch nên đất không được cấp sổ đỏ, không được cầm cố, sang nhượng.
Đã vậy, vì 'sống tạm' nên đến hiện tại khu vực này chưa có nước sạch. Dân phải dùng nước giếng mà phía trên là bệnh viện, khu xả thải của Trung Nguyên, trại heo xung quanh gây ô nhiễm" - bà Hà kể.
Người dân nơi đây kiến nghị nếu Trung Nguyên cứ "ngâm" dự án, dân sống tạm mãi thì Nhà nước phải "cởi trói".
"Hàng chục năm nay dân chúng tôi ở ngay trung tâm thành phố mà sống tối thui. Cách đây 3 năm trước kéo được đường dây điện, xóm mới có chút ánh sáng về đêm" - ông Trương Nguyên, 52 tuổi, chỉ ra hoàn cảnh.
Bao giờ hết cảnh "sống tạm"?
Theo hồ sơ, tháng 9-2009, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương đầu tư dự án khu đô thị sinh thái - văn hóa Suối Xanh có quy mô 45,45ha với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 2.128 tỉ đồng. Dự án thuộc danh mục Nhà nước thu hồi đất, đã được HĐND tỉnh thông qua ngày 13-12-2014.
Tháng 8-2015, trong báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk cho biết đã lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng dự án này từ tháng 3-2011.
Văn bản mới đây của Sở Xây dựng Đắk Lắk cho hay tổng mức đầu tư toàn dự án là 2.792 tỉ đồng.
Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.247 tỉ đồng đã xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình gồm: hạ tầng kỹ thuật, khu bảo tàng, công viên cây xanh, nhà ở thương mại (đã thi công 285/611 căn, trong đó hoàn thiện 200 căn).
Giai đoạn 2 của dự án có mức đầu tư 1.545 tỉ đồng, thời gian triển khai từ quý 1-2018 đến ngày 31-12-2023. Hiện nay do chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao đất nên nhà đầu tư chưa thể triển khai dự án.
Ông Lê Đại Thắng - phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột - cho biết dự án kéo dài quá lâu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các hộ dân trong vùng dự án. TP đã có báo cáo để tỉnh sớm có hướng xử lý dứt điểm.
Theo ông Thắng, kế hoạch là đến hết năm nay, giai đoạn 2 của dự án phải hoàn thành. Tuy nhiên Tập đoàn Trung Nguyên chưa bố trí vốn cho Trung tâm Phát triển quỹ đất nên hiện vẫn chưa thể triển khai bất kỳ công việc nào của giai đoạn 2.
Về nguyên nhân dự án dây dưa, ông Thắng cho biết có trách nhiệm của địa phương trong việc đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ.
Ngoài ra, Trung Nguyên liên tục thắc mắc về tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp này phải nộp cho Nhà nước có giá cao.
"Ngay cả diện tích đất ở giai đoạn 1 (11-13 triệu đồng/m2) đã nộp tiền sử dụng đất, Trung Nguyên vẫn thắc mắc dù tiền sử dụng đất (do UBND TP Buôn Ma Thuột khảo sát - PV) mà tập đoàn này phải nộp so với các lô gần đó (29 triệu đồng/m2) đã thấp hơn khá nhiều" - ông Thắng nói.
Chưa nhận được thông tin từ đại diện chủ đầu tư
Ngày 9-7, phóng viên liên lạc với đại diện truyền thông của Tập đoàn Trung Nguyên để hỏi một số thông tin liên quan đến việc chậm triển khai giai đoạn 2 của dự án đã nêu và hướng triển khai sắp tới của dự án thế nào.
Vị này đề nghị phóng viên gửi câu hỏi, kèm bản chụp công văn của báo qua email cho bà hoặc gửi văn bản đề nghị trả lời qua đường bưu điện. Tuy nhiên, đến ngày 10-7, dù phóng viên tiếp tục liên hệ nhưng vị này vẫn chưa cho biết email để phóng viên gửi câu hỏi phỏng vấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận