Đó là kết luận thanh tra của Bộ Kế hoạch - đầu tư về công tác quản lý nhà nước và việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT tại TP.HCM.
Phóng to |
Cầu Bình Triệu 2 do Công ty CII thực hiện - Ảnh: Minh Đức |
Thu phí chậm 7 năm, đội chi phí gấp đôi
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội có tổng mức đầu tư ban đầu gần 2.287 tỉ đồng (tính tròn), chưa có chi phí duy tu sửa chữa trong thời gian khai thác, chưa tính thuế VAT, lãi vay và chi phí bảo toàn vốn trong thời gian thi công, thời gian chờ thu phí và thời gian khai thác. Dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), thi công trong 36 tháng (dự kiến hoàn thành cuối năm 2012) và được thu phí hoàn vốn trong 36 năm 3 tháng kể từ ngày 1-1-2019.
Tức là dự án phải chờ bảy năm mới được thu phí do chưa hết thời gian bán quyền thu phí của dự án xa lộ Hà Nội cũ và dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc theo hình thức hợp đồng BOT. Kết luận thanh tra cho thấy tổng chi phí đầu tư tại thời điểm hoàn thành công trình là 2.793 tỉ đồng, nhưng do thời gian chờ để được thu phí kéo dài bảy năm nên tổng chi phí (bao gồm lãi vay và chi phí bảo toàn vốn tại thời điểm bắt đầu được thu phí 1-1-2019) lên tới 5.438 tỉ đồng.
Kết luận thanh tra cho rằng việc xác định tính toán thời gian thu phí hoàn vốn của dự án xa lộ Hà Nội là chưa hợp lý. Kết luận này được lý giải: cả ba dự án được thu phí (dự án xa lộ Hà Nội cũ, dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội) đều do một nhà đầu tư thực hiện là Công ty CII trên cùng một trạm thu phí. Đó là chưa kể sau khi dự án mở rộng xa lộ Hà Nội hoàn thành, lưu lượng xe và giá phí có thể sẽ thay đổi so với phương án tính toán ban đầu.
Hay nói cách khác, do việc xác định thời gian thu phí hoàn vốn riêng lẻ của từng dự án trên cùng một trạm thu phí dẫn tới làm tăng chi phí đầu tư của dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Bộ Kế hoạch - đầu tư đề nghị cần thực hiện quyết toán đầu tư của cả ba dự án thu phí tại thời điểm hoàn thành dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (cuối năm 2012) để xác định lại thời gian thu phí của cả ba dự án cho hợp lý.
Kết luận thanh tra còn cho biết “có vấn đề” trong việc tính toán trượt giá phần chi phí duy tu của dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Theo đó, quy định của hợp đồng, chi phí duy tu thường xuyên mỗi năm một lần là gần 17 tỉ đồng, chi phí trung tu năm năm một lần gần 38 tỉ đồng, chi phí đại tu 15 năm một lần gần 312 tỉ đồng.
Đơn giá này được tính toán tại thời điểm năm 2009, mỗi năm trượt giá 6%. Và qua tính toán của thanh tra, đến năm 2010 mới được tăng thêm 6% trong khi phương án tài chính lại tính năm 2009 là năm đầu tiên được tính tăng 6%, việc tính toán này là chưa chính xác.
Phóng to |
Trạm thu phí tại xa lộ Hà Nội của nhà đầu tư là Công ty CII - Ảnh: Minh Đức |
“Quên” tiền phí đã thu
Dự án cầu đường Bình Triệu 2 được báo cáo có tổng mức đầu tư 230 tỉ đồng (tính tròn) với bốn tiểu dự án, trong đó có tiểu dự án 2 là 126 tỉ đồng - số tiền nhà đầu tư chưa được hoàn trả khi thực hiện hợp đồng ứng vốn cho ngân sách TP để nhận quyền thu phí cầu Bình Triệu 2.
Số liệu của tiểu dự án 2 được tính toán tại thời điểm 30-6-2008, hợp đồng dự án xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 ký ngày 31-3-2009 và có hiệu lực từ ngày 1-6-2009. Tuy nhiên, qua thanh tra đã phát hiện tổ công tác liên ngành xem xét dự án này “quên” số liệu thu phí từ tháng 6-2008 đến ngày 31-5-2009 (chi phí hoàn trả cho nhà đầu tư khi thực hiện hợp đồng ứng vốn), nên tính chi phí phải hoàn trả cho tiểu dự án 2 đội lên từ 80,532 tỉ đồng thành 126 tỉ đồng.
Sự sai lệch này làm đội tổng mức đầu tư của dự án từ 182,52 tỉ đồng thành 230 tỉ đồng. Hậu quả của việc “quên” số tiền thu phí đã thu sẽ làm tăng thêm thời gian thu phí của dự án là 1 năm 3 tháng.
Bộ Kế hoạch - đầu tư kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, đề ra biện pháp xử lý, khắc phục các sai sót. Kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với nhà đầu tư tổ chức kiểm tra, tính toán lại các chi phí, lãi suất vay tại dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và dự án cầu đường Bình Triệu 2 để xác định thời gian thu phí chính xác, hợp lý và điều chỉnh lại hợp đồng.
Hầu hết các dự án BOT, BTO, BT đều chỉ định nhà đầu tư Theo kết luận thanh tra, việc chậm trễ xây dựng và công bố danh mục dự án đầu tư dẫn tới chưa tạo sự công khai trong thu hút đầu tư, đồng thời làm giảm tính khách quan và cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Đây là nguyên nhân cơ bản để hầu hết các dự án đều được chỉ định trực tiếp nhà đầu tư. Qua thanh tra 26 dự án đang triển khai ở TP.HCM, có 16 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư và 10 dự án đang xin Thủ tướng cho phép chỉ định nhà đầu tư. Ngoại trừ dự án cầu Phú Mỹ tổ chức đấu thầu, 25 dự án còn lại đều được UBND TP đề nghị Thủ tướng cho phép hình thức chỉ định trực tiếp nhà đầu tư (trong số này có 15 dự án đã được Thủ tướng đồng ý). Theo kết luận thanh tra, nguyên nhân của tình trạng này là do các dự án đều do nhà đầu tư chủ động đề xuất xin nghiên cứu thực hiện dự án, đồng thời cũng do UBND TP chưa phê duyệt danh mục để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác quan tâm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận