Đoạn này chỉ dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa được khởi công từ năm 2017, dừng thi công từ tháng 6-2020. Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư) cho biết để làm trở lại cần hoàn thành điều chỉnh dự án, giải phóng xong mặt bằng.
Ngoài ra còn có ba đoạn khác cũng chưa khép kín trong tổng dự án vành đai 2 ở TP.HCM đã được quy hoạch cách đây hơn 15 năm.
Thiệt hại ai chịu?
Suy cho cùng là ngân sách, người dân hằng ngày còn phải chịu đựng cảnh kẹt xe, hàng hóa chậm luân chuyển, mất đi cơ hội phát triển, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Chỉ còn khoảng 10km ở bốn đoạn dừng thi công kéo dài khiến vành đai 2 chưa được khép kín nên không phát huy tác dụng vì ôtô, xe tải, container vẫn phải vào khu vực nội thành.
Hàng chục năm trở thành khoảng thời gian mòn mỏi chờ đợi một con đường góp phần giải quyết kẹt xe, kết nối thông thương, phát triển cơ sở hạ tầng cho TP.HCM. Chưa ai dám chắc những chậm trễ chỉ dừng lại ở đó. Một đồng cho tăng trưởng đang phải trả bằng nhiều đồng vốn hạ tầng.
Nhà đầu tư nào làm dự án cũng là hình thức kinh doanh, luôn mong sớm hoàn thành để thu hồi vốn và có lợi nhuận, tái đầu tư. Trong triển khai có rất nhiều phát sinh, công việc vượt ngoài thẩm quyền nhà đầu tư và cần các cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc giải quyết.
Nếu cấp thẩm quyền không quyết định, chưa cho phép hẳn không nhà đầu tư nào dám làm. Có những trở ngại ban đầu không lớn, nếu kéo dài sẽ trở thành phức tạp.
Vướng giải phóng mặt bằng thường được cho là khách quan nhưng cần nhìn nhận, đánh giá thực tế. Cùng áp dụng hành lang pháp lý, thậm chí trong một dự án đi qua nhiều địa bàn với thẩm quyền tương ứng sao có nơi làm tốt và có nơi thì bế tắc?
Cần "tối hậu thư" để đẩy tiến độ
Hiện nay vẫn khó xác định trách nhiệm cá nhân, xử lý các trường hợp trực tiếp hay gián tiếp đủng đỉnh trong công việc. Nếu có cơ chế giám sát, kịp thời chấn chỉnh và quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu mỗi nơi khi xảy ra chậm trễ sẽ thôi thúc tính tự giác xử lý công việc, báo cáo trở ngại và đề xuất hướng giải quyết đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.
Phải thừa nhận vẫn còn nhiều thủ tục thực hiện dự án khá rối rắm, lấy ý kiến nhiều nơi, kiểm soát quá chặt đầu vào có những khâu không cần thiết. TP.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù nghị quyết 98, mong hãy tận dụng xử lý dứt điểm các trở ngại để tái khởi động bốn đoạn còn lại nhằm khép kín dự án vành đai 2.
Có thể bố trí ngân sách chủ động thực hiện các hạng mục, công việc mà nhà đầu tư từ chối bởi trước sau gì cũng phải làm, xong càng sớm càng lợi, nếu kéo dài thêm thì càng lãng phí. Cấp thẩm quyền cần có "tối hậu thư" hoàn tất công tác điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng.
Sắp tới sẽ triển khai nhiều dự án lớn, trong đó có xã hội hóa thu hút đầu tư. Cần cơ quan chuyên trách với đội ngũ nhân sự giỏi, am hiểu không chỉ kỹ thuật mà còn cả kinh tế để tổ chức thực hiện một cách chuyên nghiệp và quản lý hiệu quả các dự án BT trả chậm bằng tiền, BOT trên đường hiện hữu.
Nên ban hành quy trình thực hiện phù hợp tính chất đặc thù xã hội hóa và thu hút đầu tư, khai thác, hoàn vốn và kể cả khâu huy động tài chính cho dự án bằng cẩm nang chuyên ngành hướng dẫn một cách công khai, rõ ràng và chi tiết. Quy định điều kiện hiệu quả kinh tế, chất lượng công trình, giảm gánh nặng ngân sách.
Đồng thời, quy trình thủ tục cần thiết kế lại, phối hợp theo hướng chú trọng hiệu quả, loại bỏ những công việc và thủ tục lắm khi không cần thiết, không tạo ra giá trị thực tế để cơ chế thực hiện trở nên gọn gàng, bớt rối rắm, căng thẳng và không còn lý do đùn đẩy trách nhiệm.
Cần xây dựng văn hóa trách nhiệm
Nghĩa là những việc đã đưa vào kế hoạch thực hiện trong ngày, tuần, tháng phải được quan tâm đúng mức để đảm bảo chất lượng, đạt mục tiêu.
Mỗi dự án phải có bản kế hoạch thực hiện chi tiết, rõ ràng và đảm bảo khả thi trong thực tế được các bên liên quan xác nhận. Chậm ở khâu nào, liền có người chịu trách nhiệm thì sẽ không còn phải kêu gọi hay ép buộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận