Chủ đầu tư cho rằng việc thu hút vốn vào dự án còn phụ thuộc vào thị trường - Ảnh: TL
Đấy chính là thực trạng của Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), một trong 12 đại dự án thua lỗ ngàn tỉ của ngành công thương.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của VNSTELL cho biết việc đàm phán với Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) là không đơn giản và đơn vị đại diện vốn là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được giao tiếp thảo luận vấn đề này.
"Vướng mắc với nhà thầu còn rất nhiều, từng điều khoản trong hợp đồng, vấn đề tiếp tục như thế nào với những việc đã làm, trách nhiệm hai bên làm những gì, rồi muốn làm tiếp thì cần bao nhiêu tiền, làm những gì? Chưa đến mức tranh chấp mà vẫn đang đàm phán, trao đổi", vị lãnh đạo này cho hay.
Theo VNSTEEL, yêu cầu đặt ra cho nhà thầu Trung Quốc cần phải thực hiện nghĩa vụ về thiết bị, tức phải đưa sang đủ để hoàn thiện công trình.
Còn phía doanh nghiệp Việt Nam thì thực hiện nghĩa vụ xây dựng móng, chuẩn bị các máy móc để nhà thầu làm hoàn thiện.
Việc thực hiện phải kèm theo điều kiện tài chính, thanh toán và trách nhiệm từng bên. Chính vì thế quá trình đàm phán vẫn diễn ra và chưa kết thúc, các bên đều chủ động trong ưu tiên phương án tiếp tục triển khai và hoàn thiện dự án.
Mặc dù nhà thầu MCC của Trung Quốc muốn tiếp tục hoàn thành dự án, nhưng để ứng phó với các trường hợp có thể xảy ra, phía Việt Nam đã xây dựng các phương án để trình các cơ quan cấp trên.
Theo đó, đã có ba phương án được xây dựng gồm một là tiếp tục hợp đồng với MCC, hai là thanh lý hợp đồng với MCC và ba là khởi kiện trên cơ sở tham vấn các ý kiến của Bộ Tư pháp và tư vấn luật để đảm bảo điều kiện pháp lý.
Từ chối bình luận về khả năng khởi kiện nhà thầu và cho đây là vấn đề "nhạy cảm", vị lãnh đạo của VNSTEEL nói việc lựa chọn phương án nào là tùy vào tình hình cụ thể.
Dù đã nhiều năm "đắp chiếu" nhưng đến nay việc hoàn thiện lắp đặt, xây dựng dự án vẫn chưa được triển khai, khiến nhiều thiết bị xuống cấp trầm trọng.
Đầu tháng 2 các nhà thầu đã làm việc với Ban quản lý dự án để thống nhất phương án phối hợp, tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản vật tư, thiết bị nên hiện chỉ có bảo vệ trông coi các thiết bị, chứ nhà thầu chưa vào làm việc.
Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được phê duyệt năm 2005 và hai năm sau mới khởi công, có tổng mức đầu tư là 3.843 tỉ đồng, sau đó đã điều chỉnh lên tới hơn 8.100 tỷ đồng.
Để hoàn thiện các công việc còn lại của dự án theo hình thức EPC, nhà thầu tính toán cần phải đầu tư thêm 105,4 triệu USD (tương đương 2.424 tỉ đồng).
Theo chỉ đạo của Chính phủ, VNSTEEL phải thực hiện thoái vốn Nhà nước tại dự án này và vấn đề là vẫn phải bảo đảm toàn vốn nhà nước và sau đó sẽ tiến hành huy động vốn từ thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận