Bà Phạm Thị Rành cùng cháu trai sống nhờ trong căn nhà đã bán chưa biết tương lai đi đâu về đâu - Ảnh: A LỘC
PV Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Chánh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - về việc này.
Chúng tôi chỉ mong muốn Nhà nước quan tâm đến người bị thu hồi đất, có mức bồi thường thỏa đáng, tổ chức tái định cư tốt để người dân an tâm. Làm sao mà cả thế hệ con cháu của chúng tôi có thể sống tốt sau khi di dời về chỗ ở mới.
Ông Doãn Văn Dung (54 tuổi, ngụ ấp Suối Trầu 3, xã Bình Sơn)
Ông Chánh nói: "Hiện trung ương đã bố trí 11.000 tỉ đồng để tỉnh giải phóng mặt bằng 5.000ha và tổ chức tái định cư cho người dân... Hiện nay chúng tôi đã tăng cường hơn 50 cán bộ xuống địa bàn huyện Long Thành tập trung lo việc kiểm đếm, đo đạc đất đai để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân".
Ông Võ Văn Chánh nói về việc đền bù và tái định cư - VIDEO: HÀ MI
* Xin ông cho biết cụ thể việc tính mức bồi thường ra sao?
- Giá đất bồi thường được áp dụng theo khung chính sách và theo quy định của Luật đất đai. Giá đất sẽ xác định tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất và sẽ định giá cụ thể theo giá đất thực tế. Tức giá thực tế như thế nào Nhà nước sẽ định giá đó và sẽ bồi thường cho dân đúng theo giá như vậy.
Đặc biệt, tài sản nhà trên đất Nhà nước cũng sẽ bồi thường hết theo giá nhà đã xây dựng mà không tính khấu hao. Đây cũng là ưu ái so với một số dự án khác.
Cho nên, bà con trong vùng dự án phải di dời an tâm việc này, tích cực phối hợp với lực lượng đo đạc, kiểm đếm để làm sao cho ra một kết quả hài hòa, đảm bảo quyền lợi của người dân. Quan điểm của tỉnh là bồi thường không để xảy ra khiếu nại.
Phải nói rằng trong 5.000ha dự án , Nhà nước đã quy hoạch hơn 10 năm và người dân đã chịu đựng ngần ấy thời gian rồi. Cho nên chính quyền rất chia sẻ những trăn trở, tâm tư của bà con có đất trong vùng quy hoạch dự án.
Vì vậy, trong tất cả các chính sách, chúng tôi bàn bạc tính toán làm sao phục vụ quyền lợi của người dân được cao nhất, kể cả giá đền bù đất, giá nhà, diện tích tái định cư, việc làm... đều có ưu đãi hơn so với các dự án khác.
Chúng tôi rất mong người dân hợp tác chặt chẽ với chính quyền, lực lượng thực hiện nhiệm vụ để sao cho quyền lợi của dân được tốt nhất.
* Việc xây dựng thu hồi đất làm khu tái định cư cho dân đã chuẩn bị ra sao, thưa ông?
- Đây là công việc mà tỉnh quan tâm đầu tiên. Bởi khi tái định cư được thì mới giải tỏa mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư làm sân bay.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh làm khu tái định cư, giải phóng mặt bằng, chúng tôi đang tập trung kiểm đếm, bồi thường phần đất của tập đoàn cao su để giải phóng mặt bằng làm hai khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và khu tái định cư Bình Sơn với tổng diện tích hơn 364ha.
Khu vực này xây dựng để tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân và xây dựng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng... Việc thiết kế, làm thủ tục pháp lý để xây dựng 2 khu tái định cư cơ bản đã chuẩn bị xong.
Tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện thủ tục, giới thiệu cho các tổ chức di dời về đây như xây dựng chùa, nhà thờ... Khi giải phóng mặt bằng xong thì họ xây dựng ngay các cơ sở tôn giáo cho kịp thời gian.
Dự kiến cuối tháng 7-2019, tập đoàn cao su thanh lý xong cao su, giao mặt bằng chúng tôi thực hiện ngay các khu tái định cư.
Ngoài việc lo cho đời sống người dân, chúng tôi còn lo "tái định cư cho người chết" - di dời mồ mả ông bà. Đến nay chúng tôi đã làm xong khu hoa viên Bình An với diện tích 20ha để người dân di dời mồ mả của gia đình, dòng tộc... về. Hiện việc chôn cất người mới qua đời cũng được đưa ra đây.
Ông Võ Văn Chánh (phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai)
* Ông có thể nói rõ hơn, theo đề xuất của tỉnh Đồng Nai, người dân được nhận suất tái định cư ra sao?
- Tỉnh đưa hết các chính sách có liên quan đến người dân vào trong các khung chính sách và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ví dụ, đối với đất ở thì người có đất ở trong khu vực làm sân bay đều được bố trí tái định cư.
Điều này khác với các dự án khác ở chỗ khi nào không còn đất ở thì Nhà nước mới bố trí tái định cư, còn ở đây miễn người có đất rơi vào vị trí giải tỏa thực hiện dự án thì Nhà nước vẫn bố trí suất tái định cư.
Mặt khác, chúng tôi đưa ra diện tích để xây dựng các lô tái định cư cũng ưu đãi hơn so với dự án khác. Lô 80m2 là diện tích tối thiểu nhưng cũng có lô hơn 100m2, 250m2 tùy theo điều kiện thực tế người dân có thể lựa chọn.
Vì sao có lô 80m2 tối thiểu? Với mức tối thiểu này chúng tôi tái định cư cho những hộ dân bị giải tỏa từ 20-30m2, không đủ điều kiện để có diện tích ở lớn hơn thì tối thiểu ra tái định cư cũng được 80m2. Đây cũng là điều kiện đáp ứng quan điểm "bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".
* Còn việc tạo công ăn việc làm cho người dân có đất bị giải tỏa, tỉnh đã có phương án?
- Đối với việc làm của người dân, chúng tôi cũng đưa vào khung chính sách và đang thực hiện. Cụ thể, đối với người trong độ tuổi lao động sẽ được đào tạo nghề để chuyển đổi sang làm việc ở các cụm, khu công nghiệp lân cận.
Đối với người nông dân làm nông nghiệp, chúng tôi tính toán thành lập hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, nhằm bố trí họ tiếp tục sản xuất trên phần diện tích đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa xây dựng.
Đối với học sinh chưa đủ tuổi lao động, chúng tôi sẽ bàn với Bộ GTVT và các cơ sở đào tạo ngành nghề cho phù hợp với nhu cầu việc làm tại khu vực sân bay khi sân bay ra đời, để ưu tiên, bố trí cho con cái của người dân đã nhường đất làm dự án.
Lộ trình thu hồi đất để làm dự án sân bay Long Thành - Nguồn: UBND tỉnh Đồng Nai - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận