Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hợp đồng BT, ký kết với UBND TP.HCM. Dự án được khởi công ngày 26-6-2016 và theo kế hoạch phải đưa vào hoạt động từ năm 2018 nhưng phải dừng nhiều lần.
Làm rõ trách nhiệm, ngăn thiệt hại lớn
Nhiều bạn đọc đã phản hồi trên Tuổi Trẻ Online bức xúc với việc lãng phí lãi vay và đội vốn. Đa phần đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của cá cá nhân, tổ chức liên quan.
Bạn đọc Mỹ Lệ cho rằng: "Cộng số tiền phải trả lãi cho các công trình chậm thì thành số tiền khổng lồ mà TP.HCM đang thiếu ngân sách. Do làm việc thiếu trách nhiệm nên mới dẫn đến TP thiếu tiền". Còn anh Lê Thanh phản hồi về lãi vay 1.500 tỉ "gây ra lãng phí nguồn nhân vật lực và làm thất thoát tiền của Nhà nước và nhân dân. Cần tập trung nghiên cứu quy định luật để hạn chế tình trạng trên".
Hay anh Nông Văn Tuấn góp ý "cần rút kinh nghiệm từ các dự án nhiều khuyết điểm trong thời gian qua, các dự án sắp tới phải giao trách nhiệm cụ thể. Nếu chậm tiến độ phải có đầu mối chịu trách nhiệm. Nghị quyết 98 là một cơ hội tốt cho TP phát triển nhưng yếu tố con người là cốt lõi, trao quyền gắn liền với trách nhiệm".
Bàn về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc kéo dài dự án, phát sinh lãi vay, ông Nguyễn Hải Long (trưởng phòng tư vấn pháp lý Công ty TNHH Luật AGL) cho rằng cần căn cứ vào nội dung hợp đồng BT đã ký kết giữa UBND TP.HCM với nhà đầu tư.
Nếu phần lỗi do nhà đầu tư thì nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nếu lỗi do phía cơ quan nhà nước (lỗi chủ quan) thì cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm bằng ngân sách và xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan.
"Thực tiễn đã có nhiều dự án đội vốn khủng do chậm hoàn thành, Nhà nước cần có giải pháp khắc phục. Trong đó cần vạch rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, các khâu, các cấp trong việc triển khai dự án. Không thể để lãng phí ngân sách khi phải tăng bù tổng mức đầu tư", ông Long nói.
Bao giờ hết khổ vì triều cường?
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ gồm sáu cống ngăn triều và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn nhằm ngăn triều cường cho khu vực có diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân.
Dự án bị chậm thì hàng nghìn hộ dân TP tiếp tục phải khổ sở với triều cường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Hoàng Thị Thùy Linh (ngụ đường Trần Xuân Soạn, quận 7) cho biết đã sống ở đây gần 50 năm. Cứ mỗi mùa triều cường hay mưa lớn là cuộc sống sinh hoạt của gia đình bà đảo lộn.
"Ngập không buôn bán được. Rồi xe container chạy ngang là nước tạt vô nhà hư hỏng đồ đạc. Ngoài ra do thường bị ngập nên mặt đường bị bong tróc, ổ gà ổ voi, người chạy xe qua té như cơm bữa. Hồi nghe cống ngăn triều là hết ngập ai cũng mừng mà mấy năm nay có thấy đâu", bà Linh cảm thán.
Bà Linh chỉ là một trong rất nhiều người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ triều cường tại các tuyến đường Trần Xuân Soạn, Calmette, Nguyễn Công Trứ...
Sở Kế hoạch - Đầu tư có vai trò xuyên suốt với dự án
Năm 2018, dự án đã tạm dừng một thời gian do vướng mặt bằng, đến năm 2019 thì đã hết hạn hợp đồng BT. Công ty Trung Nam BT 1547 và UBND TP ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành đến 26-6-2020. Tuy nhiên dự án vẫn chưa hoàn thành và tạm dừng (từ tháng 11-2020 đến nay) vì không được tái cấp vốn.
Tháng 1-2021, Thủ tướng đã ban hành nghị quyết 40 cho phép tiếp tục triển khai dự án và cho gia hạn hoàn thành dự án đến năm 2023. Còn về phía TP, mãi đến tháng 1-2023, phụ lục hợp đồng của dự án mới được ký kết.
Đến nay, sau khi phụ lục đã ký kết thì dự án lại tiếp tục vướng về thủ tục giải ngân theo yêu cầu từ ngân hàng.
Mới nhất, Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp các đơn vị xem xét kiến nghị tháo gỡ vướng mắc của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 và báo cáo TP trước ngày 14-7. Như vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư có vai trò khá xuyên suốt đối với tiến độ của dự án này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận