15/07/2023 08:53 GMT+7

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ chậm, phải trả thêm 1.500 tỉ đồng lãi vay, ai chịu trách nhiệm?

ÁI NHÂN
và 1 tác giả khác

Theo kế hoạch, dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng phải đưa vào hoạt động từ năm 2018. Tuy nhiên, dự án đã chậm tiến độ khiến vốn đầu tư tăng thêm hơn 3.000 tỉ đồng, trong đó lãi vay phát sinh hơn 1.500 tỉ và mỗi ngày phải trả thêm tiền lãi 1,46 tỉ đồng.

Cống ngăn triều Tân Thuận (quận 4 và quận 7) nằm trên kênh Tẻ, được kỳ vọng là giải pháp ngăn triều từ sông Sài Gòn vào kênh Tẻ, kênh Đôi, Tàu Hủ và Bến Nghé, giúp người dân các quận 4, 7, 8 thoát cảnh ngập nước - Ảnh: T.T.D.

Cống ngăn triều Tân Thuận (quận 4 và quận 7) nằm trên kênh Tẻ, được kỳ vọng là giải pháp ngăn triều từ sông Sài Gòn vào kênh Tẻ, kênh Đôi, Tàu Hủ và Bến Nghé, giúp người dân các quận 4, 7, 8 thoát cảnh ngập nước - Ảnh: T.T.D.

Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư (tổ trưởng tổ công tác) khẩn trương phối hợp các đơn vị thành viên tổ công tác xem xét kiến nghị tháo gỡ vướng mắc của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547.

Vướng mắc cụ thể là về dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng (gọi tắt là dự án ngăn triều 10.000 tỉ). Từ đó, có báo cáo tham mưu cho UBND TP trước ngày 14-7.

Loay hoay gỡ vướng cho dự án ngăn triều 10.000 tỉ

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ gồm sáu cống ngăn triều và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn nhằm ngăn triều cường cho khu vực có diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Dự án đã thi công khoảng 90% khối lượng công trình. Nhà đầu tư đã dừng thi công từ ngày 15-11-2020 do không còn vốn.

Theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) ký kết giữa nhà đầu tư và UBND TP, thời gian thực hiện dự án là 36 tháng kể từ ngày khởi công (ngày 26-6-2016). Nhà đầu tư vay vốn từ BIDV và UBND TP bảo lãnh phần vốn vay này, còn Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn vay cho BIDV.

Đến cuối 2019, dự án vẫn chưa hoàn thành, tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng, thời gian hoàn thành dự án cũng như thời hạn phải thanh toán nợ vay được gia hạn thêm.

Nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều khó khăn khi từ tháng 12-2020 Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu thu hồi nợ tái cấp vốn đối với BIDV theo định kỳ (tháng 11-2021 là kỳ thanh toán tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thu của BIDV 570 tỉ đồng) dù BIDV chưa có nguồn thu nào từ dự án.

Về phía UBND TP cũng đã tính toán sử dụng một số khu đất để bù hoàn chi phí đầu tư cho nhà đầu tư, tuy nhiên việc này chưa ngã ngũ. Đồng thời, do dự án chưa được UBND TP nghiệm thu, chưa nhận bàn giao và cũng chưa hoàn thành, đang tạm dừng, nên TP chưa thanh toán cho nhà đầu tư. Vì vậy, nhiều năm qua nhà đầu tư chưa có nguồn vốn để trả nợ vay và tiếp tục thi công.

Sau thời gian tháo gỡ về nguồn vốn vay, mới đây BIDV đưa ra điều kiện nếu muốn tiếp tục giải ngân thì đề nghị UBND TP thanh toán cho Công ty Trung Nam để công ty trả toàn bộ nợ gốc và lãi quá hạn gồm 558 tỉ đồng nợ lãi, 5.438 tỉ đồng nợ gốc.

Đồng thời, UBND TP và Công ty Trung Nam phải làm rõ các hạng mục như điều chỉnh tổng mức đầu tư, tiến độ hoàn thành, xác định lịch thanh toán...

Trong kiến nghị tháo gỡ gửi đến Thành ủy TP.HCM mới đây, ông Vũ Đình Tân, giám đốc Công ty Trung Nam BT 1547, cho rằng điều kiện của ngân hàng đưa ra để đáp ứng phải mất tối thiểu sáu tháng.

Việc này dẫn đến phải kéo dài thời hạn thực hiện và không thể hoàn thành dự án đưa vào vận hành cuối năm 2023. Vì vậy, nhà đầu tư đề nghị TP có chỉ đạo chủ trương huy động nguồn vốn vay từ Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP (HFIC) và nguồn khác.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Lãi vay phát sinh hơn 1.500 tỉ, ai chịu?

Trong khi "loay hoay" tìm cách tháo gỡ, theo tính toán của nhà đầu tư, đến cuối tháng 5-2023 tổng lãi vay phát sinh là hơn 1.519 tỉ đồng. Cứ mỗi ngày thủ tục kéo dài sẽ phát sinh thêm khoảng 1,46 tỉ đồng tiền lãi và "gây thiệt hại cho TP và nhà đầu tư".

Theo tiến sĩ Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, dự án ngăn triều 10.000 tỉ này là sự kỳ vọng rất lớn của người dân trong việc chống ngập và ngăn triều.

Tuy nhiên tính từ thời điểm khởi công đến nay, đã bảy năm trôi qua nhưng dự án vẫn không thể hoàn thành và đưa vào sử dụng. Việc này gây lãng phí và thiệt hại cho người dân cũng như ngân sách TP.

"Trách nhiệm này thuộc về ai? Tôi cho rằng TP.HCM cần phải quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm trễ công trình. Hiện tại với tiến độ này dự án khó thể hoàn thành trong tháng 11-2023 theo như đã cam kết của TP.

Để tháo gỡ và khắc phục cần có một báo cáo đánh giá cụ thể về nguồn lực, tài lực, đặc biệt là kỹ thuật tổng thể, từ đó mới khắc phục được. Thậm chí là quy trách nhiệm cho từng khâu có liên quan khi cần xử lý", ông Thuận nói.

Bàn về trách nhiệm các bên đối với sự lãng phí lãi vay, trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng nhà đầu tư chịu trách nhiệm chính, đầu tiên về việc quản lý và triển khai dự án.

Trường hợp dự án bị tạm dừng hoặc chậm hoàn thành, nhà đầu tư có thể chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành cam kết và không tuân thủ các điều khoản hợp đồng. Nhà đầu tư có thể chịu các hậu quả pháp lý về tài chính liên quan đến việc chậm hoàn thành dự án bao gồm việc trả lãi phát sinh.

Còn trách nhiệm của UBND TP trong trường hợp này là đảm bảo giám sát và quản lý dự án một cách hiệu quả. TP cần đảm bảo rằng các quy định và hợp đồng được thực hiện đúng hạn và giám sát tiến độ dự án để tránh việc chậm hoàn thành.

Nếu TP không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, tùy thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng có thể có trách nhiệm về mặt pháp lý về tài chính đối với sự chậm trễ và sự lãng phí lãi vay.

Trách nhiệm đối với phần lãi vay đội lên cũng như đền bù các thiệt hại pháp lý khác (nếu có) sẽ căn cứ vào điều khoản hợp đồng các bên đã ký kết. Khi xét đến trách nhiệm cần phải đánh giá tổng thể quá trình thực hiện dự án, các điều kiện dẫn đến sự chậm trễ ở các yếu tố khách quan, chủ quan và các sự kiện khác. Và điều quan trọng cần có kết luận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền về việc chậm trễ hoàn thành dự án để xem xét trách nhiệm.

"Dẫu trách nhiệm chính thuộc về bên nào trong việc lãi vay đội lên thì đó cũng là sự lãng phí chung về của cải của xã hội...", ông Trạch nói.

Tuyến đường Trần Xuân Soạn (quận 7) thường xuyên bị ngập do triều cường. Theo Sở Xây dựng, tuyến đường này chỉ giải quyết được việc ngập căn cơ khi dự án chống ngập ngàn tỉ ở TP.HCM hoàn thành - Ảnh: CHÂU TUẤN

Tuyến đường Trần Xuân Soạn (quận 7) thường xuyên bị ngập do triều cường. Theo Sở Xây dựng, tuyến đường này chỉ giải quyết được việc ngập căn cơ khi dự án chống ngập ngàn tỉ ở TP.HCM hoàn thành - Ảnh: CHÂU TUẤN

Dự án ngăn triều "đứng hình", dân lãnh đủ

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, do dừng dự án quá lâu khiến mục tiêu ngăn triều chống ngập của dự án này không thể thực hiện.

Cụ thể, vào những tháng cao điểm triều cường tại TP.HCM xung quanh công trình đồ sộ nằm phơi nắng phơi mưa là các tuyến đường nước ngập tràn lan như Trần Xuân Soạn. Hay như tại quận 1, cống ngăn triều Bến Nghé dở dang khiến nước gây ngập tuyến đường khu vực trung tâm TP như Calmette, Nguyễn Công Trứ...

Nhiều dự án BT phát sinh lãi vay, đội vốn

Điển hình là dự án đoạn 3 đường vành đai 2 TP.HCM từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức). Hiện nay cứ mỗi tháng chậm trễ, dự án sẽ phát sinh 14,2 tỉ đồng tiền lãi. Từ năm 2020 đến nay, công trình ngưng trệ vì nhà đầu tư đợi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét duyệt thủ tục điều chỉnh, trình UBND TP.HCM xem xét. Theo tính toán của nhà đầu tư, lãi vay đến thời điểm này là 725,2 tỉ đồng.

Hay dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và được triển khai từ tháng 3-2010. Dự án này có mức đầu tư được công bố là 988 tỉ đồng.

Đến 2013, công trình đội giá lên 1.352,7 tỉ đồng. Mãi đến năm 2016, vốn đầu tư khả thi của dự án lên tới hơn 1.953 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với ban đầu. Năm 2017, công trình được khởi công rồi "đắp chiếu".

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ sẽ về đích nhờ cơ chế mới?Dự án ngăn triều 10.000 tỉ sẽ về đích nhờ cơ chế mới?

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng (gọi tắt là dự án ngăn triều 10.000 tỉ).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên