Được nhắc, công trình Đồng Văn Cống vẫn im ắng
Sáng 2-3, tại khu vực đường Đồng Văn Cống từ đoạn cầu Giồng Ông Tố 2 đến vòng xoay Mỹ Thủy vẫn còn im ắng chưa có máy móc thi công. Đây là dự án mà Sở Giao thông vận tải có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM đề nghị thanh tra trước đó.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng cùng ngày, phía chủ đầu tư dự án - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP (Ban giao thông) - cho biết đang khẩn trương, tập trung xử lý theo chỉ đạo của UBND TP. Ban giao thông sẽ có báo cáo cụ thể trong tuần tới.
Mục tiêu của Ban giao thông là sẽ xử phạt nhà thầu theo điều kiện hợp đồng và tiếp tục triển khai thi công trong tháng 3 để hoàn thành công trình trong năm 2023 như chỉ đạo của UBND TP.
Trong khi đó, đề cập thời gian khởi động lại dự án, ông Nguyễn Văn Dũng - giám đốc Công ty cổ phần Lạc An (nhà thầu) - cho biết hiện đơn vị đã đề xuất và đang chờ chủ đầu tư xem xét. Trong mấy ngày tới, công ty sẽ khởi động dự án trở lại.
Phải có "liều thuốc nặng" cho dự án chậm
Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống là một trong nhiều dự án giao thông, hạ tầng đô thị TP hiện đang tạm ngưng, chậm tiến độ.
Ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP - nói rằng các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành sớm ngày nào sẽ phát huy hiệu quả xã hội ngày đó. Ngược lại, nếu dự án chậm trễ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, thiệt hại rất lớn.
Để "bốc thuốc" trị căn bệnh chậm tiến độ, ông Trường cho rằng TP, chủ đầu tư và các sở ngành TP liên quan cần phải căn cứ vào hợp đồng và phải cương quyết xử lý nghiêm, thậm chí chấm dứt hợp đồng đối với các nhà thầu thi công ì ạch.
Mặt khác, trong thời gian tới, cần sớm đưa cơ chế thưởng - phạt vào thi công, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm những người đứng đầu đơn vị, sở ngành không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Còn theo tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP, một công trình chậm tiến độ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, môi trường, xã hội, chất lượng công trình, tính hấp dẫn đầu tư và kìm hãm sự phát triển. Nhiều năm qua, hàng loạt dự án thi công ì ạch, làm mãi không xong, gây thiệt hại rất lớn. Tuy nhiên, trách nhiệm và việc xử lý vẫn cứ chung chung, chưa rõ ràng, hầu như nguyên nhân toàn đổ cho khách quan.
Để chữa được bệnh dự án "rùa bò" ngay từ bây giờ, tiến sĩ Cương đề nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước cần phải thực hiện nghiêm bằng kỷ luật hành chính, trong đó cần phải quy trách nhiệm rõ cho người đứng đầu các đơn vị liên quan. Dự án nào chậm, chậm ở khâu nào phải phân định rõ để xử lý.
"Đối với nhà thầu, cần phải căn cứ vào hợp đồng thi công giữa hai bên. Nếu đơn vị thi công không hoàn thành đúng theo hợp đồng (trừ một số trường hợp bất khả kháng) cần phải chế tài, xử lý nghiêm, không được du di. Nếu chúng ta xử lý đâu ra đấy, các nhà thầu không thể chây ì được", tiến sĩ Cương nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận