Đề nghị công an chụp ảnh người dân trên căn cước công dân phải "đúng, đẹp"
Nêu ý kiến thảo luận liên quan dự án Luật Căn cước, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) bày tỏ tán thành với việc dự thảo quy định có 24 nhóm thông tin của công dân được tích hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, ngoài 24 nhóm dự thảo nêu còn thu thập, tích hợp cả các thông tin khác của công dân được chia sẻ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Từ đó, bà đề nghị cân nhắc thêm quy định này, bởi các cơ sở dữ liệu chuyên ngành rất nhiều như về y tế, lao động, thuế, chứng khoán... Đồng thời, trong dự thảo luật quy định những thông tin khác của công dân cũng chưa rõ là gì.
Các thông tin này liên quan trực tiếp đến đời sống riêng tư nên đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quy định cụ thể ngay trong luật, không nên thể hiện như trong dự thảo hiện nay.
Góp ý về các thông tin trên căn cước, bà Thủy nói dự thảo đã điều chỉnh một số thông tin trên căn cước so với luật hiện hành, trong đó có việc bỏ mục quê quán.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu, cân nhắc việc bỏ nơi sinh ở căn cước, bởi định nghĩa tại dự thảo về căn cước giúp nhận diện con người.
"Theo quy định hiện hành, chỉ cơ quan tổ chức được khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng thiết bị chuyên dụng được Bộ Công an cấp phép mới được khai thác thông tin tích hợp trong thẻ.
Còn trong giao dịch hằng ngày với các chủ thể khác có nhu cầu sử dụng thẻ căn cước này cần thông tin giúp nhận diện lai lịch của con người. Nên đề nghị không bỏ mục quê quán trên căn cước", bà Thủy nêu.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho hay với nội dung thể hiện trên căn cước, quan trọng là dãy số.
"Tôi nghĩ không cần quá nhiều mục, nhất là các mục hay thay đổi như nơi cư trú", ông Trí nói và cho hay nơi cấp thẻ không nên ghi do Bộ Công an cấp, mà cần cụ thể công an tỉnh, thành nào cấp.
Ông cũng đề nghị công an khi chụp ảnh khuôn mặt công dân in trên thẻ căn cước công dân phải làm thế nào để "đúng, đẹp".
Về quê quán, ông Trí đặt vấn đề ghi quê quán theo quê bố, trong khi bố đã xa quê gốc, thậm chí ra nước ngoài thì phải ghi như thế nào và cho biết nhiều người lúng túng khi khai báo về mục này.
Vì vậy đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu hướng dẫn cách khai quê quán cho hợp lý, đúng, khoa học, thống nhất.
Cân nhắc đổi tên thành Luật Căn cước
Nêu ý kiến tranh luận, đại biểu Trần Công Phàn (tỉnh Bình Dương) nói hiện vẫn đang bàn sửa đổi dự thảo Luật Căn cước công dân, chưa có chữ nào là Luật Căn cước cả.
"Nay mai Quốc hội thông qua luật thì mới là thẻ căn cước", ông Phàn cho biết và nhấn mạnh không thể thay đổi tên gọi Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước để mở rộng phạm vi điều chỉnh.
Cũng theo ông, cơ quan soạn thảo nêu có con số 31.000 người gốc Việt Nam đang sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định quốc tịch.
"Hiến pháp quy định công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam, chúng ta cấp thẻ căn cước công dân để thể hiện đây là công dân Việt Nam. 31.000 người này chúng ta phải quản lý nhưng phải có loại thẻ khác dành cho họ để phân biệt, bởi họ chưa phải là công dân Việt Nam.
Chúng ta quản lý, tạo điều kiện cho họ nhưng họ không được cấp thẻ căn cước công dân như công dân Việt Nam. Vì 31.000 người ấy mà để hơn 81 triệu người chung một thẻ, đánh đồng nhau là không được", ông Phàn nói.
Cũng tranh luận, đại biểu Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) bày tỏ đồng ý với lập luận của đại biểu Phàn.
Ông nói từ công dân đã chỉ đích danh con người, còn dùng từ căn cước không chỉ đích danh con người được. Bởi hiện cả cây trồng, vật nuôi cũng dẫn tới truy xuất nguồn gốc, định danh cho từng loại cây, con vật.
"Nếu ai đã tham gia, quan sát các nhóm, hội nuôi chó mèo đều có định danh và có căn cước cho vật nuôi. Do đó, cần cân nhắc thêm", ông Anh nêu.
Về lý do cấp căn cước cho người gốc Việt sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định quốc tịch, ông đề nghị cần nghiên cứu kỹ...
Thay mặt cơ quan soạn thảo trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, đại tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - nhắc lại các nội dung chính được đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận.
Theo ông Lâm, về tên gọi của dự luật, đa số ý kiến nhất trí với tên gọi là Luật Căn cước nhằm đảm bảo tính bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật. Nhưng một số đại biểu có ý kiến đề nghị cân nhắc việc sửa đổi tên luật do việc sử dụng cụm từ căn cước công dân đã phổ biến.
Ông cho hay các ý kiến của đại biểu đều đã được Chính phủ báo cáo rõ và hướng tiếp thu, giải trình tại báo cáo tiếp thu ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ. Tuy nhiên, Bộ sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật cho phù hợp.
Từ đó đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11-2023).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận