15/09/2016 09:05 GMT+7

Dự án lỗ ngàn tỉ 
kêu cứu Thủ tướng

C.V.KÌNH - NGỌC AN
C.V.KÌNH - NGỌC AN

TTO - Được dành cho nhiều ưu đãi, Nhà máy đạm Ninh Bình vừa tiếp tục được UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị “cứu” sau nhiều năm thua lỗ... Các chuyên gia đề nghị không nên cứu, chẳng khác gì “ném tiền qua cửa sổ”.

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin “cứu” Nhà máy đạm Ninh Bình.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình cho biết trong 7 tháng đầu năm 2016, Nhà máy đạm Ninh Bình mới chạy máy được 76 ngày, chiếm 36% tổng quỹ thời gian nhưng tồn kho cao, sản phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn.

Ưu đãi rồi xin ưu đãi thêm

Trong văn bản của UBND tỉnh Ninh Bình gửi Thủ tướng, tỉnh này đã đề xuất hàng loạt giải pháp hỗ trợ dự án Nhà máy đạm Ninh Bình của Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình (thuộc Tập đoàn Hóa chất VN), trong đó nổi bật là: cho phép công ty được dãn thời gian trả nợ tối thiểu là 5 năm cho Eximbank Trung Quốc đối với các khoản vay dài hạn đầu tư cho dự án để công ty ổn định lại sản xuất, giảm lỗ; cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Nhà máy đạm Ninh Bình của Ngân hàng Phát triển VN (VDB) thành vốn góp nhà nước tại Tập đoàn Hóa chất VN để giảm số nợ gốc và lãi vay.

Đặc biệt, Ninh Bình kiến nghị áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm urê nhập khẩu (tương tự như phôi thép) để hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ...

Theo văn bản do ông Chu Văn Tuấn, trưởng ban quản lý dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, ký thì nhà máy này đã được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất và các loại thuế khác theo quy định của Nhà nước và các chính sách ưu đãi của UBND tỉnh Ninh Bình.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, do dự án mang đầy tham vọng như góp phần giảm nhập khẩu phân bón, đảm bảo an ninh lương thực... nên trước đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ dự án tới 4,4 triệu USD.

Sai lầm ngay từ đầu?

Dù được Tập đoàn Hóa chất VN đầu tư tới 667 triệu USD (thời giá lúc xây dựng là 10.673 tỉ đồng) và được nhiều ưu đãi, nhưng Tập đoàn Hóa chất đã quyết định vay vốn từ Trung Quốc 250 triệu USD để làm nhà máy.

Và không bất ngờ, Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer của Trung Quốc đã làm tổng thầu thực hiện dự án.

Trong một trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Nhẫn - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình (hiện đang quản lý Nhà máy đạm Ninh Bình) - công nhận đa số các nhà máy sản xuất urê trên thế giới sản xuất đạm từ khí đồng hành khi khai thác dầu.

Trong khi đó, giá dầu xuống thấp, giá khí cũng xuống theo đã khiến giá thành của họ giảm. Thế nhưng Đạm Ninh Bình lại sản xuất từ than. Do nhà máy mới đi vào sản xuất nên khấu hao và chi phí tài chính cao khiến nhà máy bị lỗ.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ chức năng của Bộ Công thương cho rằng có nhiều lý do khác, đặc biệt là công nghệ và chi phí đầu tư cao, giá urê thế giới giảm đã khiến nhà máy này lỗ, chứ than thời gian qua cũng giảm giá.

Thực tế, sản phẩm của Đạm Ninh Bình đã không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trong nước, đặc biệt là phân bón Trung Quốc, nên khó bán hàng.

Theo báo cáo mới nhất, Đạm Ninh Bình vẫn thua lỗ liên tiếp, riêng lỗ trong 6 tháng đầu năm nay gần 457 tỉ đồng. Chỉ cộng số lỗ trong 2 năm 2013 và 2014, lỗ của Đạm Ninh Bình đã lên tới 2.693 tỉ đồng, vượt vốn điều lệ của công ty là 2.500 tỉ đồng.

Không nên hỗ trợ nữa

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu hỗ trợ tiếp Nhà máy đạm Ninh Bình chẳng khác gì “ném tiền qua cửa sổ”, bởi nhà máy còn quá nhiều tồn tại, nhất là sản phẩm làm ra không bán được.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chủ trương và tính toán đầu tư Nhà máy đạm Ninh Bình “có quá nhiều vấn đề”.

Bà Lan đánh giá với tình trạng hiện nay, sản phẩm đã không cạnh tranh được thì có ưu đãi và hỗ trợ cũng khó cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Đã có nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, nhưng nếu cứ cứu bằng thuế của người dân, trong khi ngân sách đang hạn hẹp, là không hợp lý vì có nhiều nơi khác xứng đáng đầu tư hơn. “Nên để Đạm Ninh Bình sẵn sàng phương án phá sản” - bà Lan nói.

Ông Ngô Minh Hải - phó chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Doanh nghiệp nhà nước, thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng Nhà máy đạm Ninh Bình là trường hợp điển hình của đầu tư tràn lan, kém hiệu quả.

Mặc dù có lỗ như vậy nhưng các sếp quản lý tại Tập đoàn Hóa chất VN vẫn có được mức lương rất cao như báo cáo tài chính mới đây.

Do đó, biện pháp tốt nhất là nên để các doanh nghiệp hoạt động theo đúng cơ chế thị trường, đã thua lỗ triền miên thì không nên cứu bởi có cứu cũng khó hiệu quả, thậm chí có nguy cơ mất thêm vốn.

Bài học của Đạm Ninh Bình cũng là hệ quả điển hình của cơ chế chính sách quá ưu đãi với doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Hải, trước doanh nghiệp thua lỗ, vấn đề đặt ra là phải thanh lọc đội ngũ lãnh đạo, tốt nhất là bán hết vốn nhà nước và cần đẩy mạnh cổ phần hóa để doanh nghiệp sống theo cơ chế thị trường.

Khó tiêu thụ Đạm Ninh Bình

Dự án nhà máy sản xuất phân đạm urê từ than cám công suất 560.000 tấn/năm được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư từ ngày 16-5-2005 tại Khu công nghiệp Khánh Phú, Ninh Bình.

Tháng 11-2007, hợp đồng tổng thầu được Tập đoàn Hóa chất VN ký với nhà thầu Trung Quốc.

Tháng 5-2008, nhà máy được khởi công và bắt đầu vận hành thương mại năm 2012. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Nhà máy đạm Ninh Bình sau xây lắp hay bị trục trặc, suốt từ năm 2012 đến nay nhà máy cơ bản chỉ lỗ, đạm làm ra lại không được thị trường đánh giá cao về chất lượng, tồn kho lớn...

Cùng với Đạm Ninh Bình, còn nhiều dự án thua lỗ khác cũng xin cơ chế ưu đãi, như Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng), dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên...

C.V.KÌNH - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên