21/07/2020 09:41 GMT+7

Dự án lấn biển Cần Giờ: Giám sát nhà đầu tư thực hiện đúng quy định

TIẾN LONG - ÁI NHÂN
TIẾN LONG - ÁI NHÂN

TTO - Sau khi Chính phủ có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, nhiều chuyên gia, người dân có ý kiến xung quanh dự án này.

Dự án lấn biển Cần Giờ: Giám sát nhà đầu tư thực hiện đúng quy định - Ảnh 1.

Bờ kè sát biển của dự án và hàng rào của dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (ảnh chụp ngày 19-7) - Ảnh: T.T.D.

Sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng, dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chắc chắn sẽ làm. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện dự án tiếp theo như thế nào cần được công khai để người dân được rõ.

Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM, trao đổi tại buổi tiếp xúc với cử tri Cần Giờ ngày 22-6)

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, Thủ tướng giao UBND TP.HCM chỉ đạo nhà đầu tư Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ triển khai dự án phải bảo đảm các vấn đề liên quan quốc phòng, an ninh và quy hoạch giao thông. Thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án được phê duyệt.

UBND TP phải chỉ đạo nhà đầu tư đánh giá kỹ tác động của dòng chảy tự nhiên, sau khi dự án hoàn thành không tạo xói mòn cho khu vực khác, việc thoát nước của TP và việc khai thác, vận chuyển sử dụng vật liệu san lấp. 

Tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển, không làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Mặt khác, UBND TP chịu trách nhiệm toàn diện về việc quy hoạch mở rộng dự án, việc giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất đúng quy định, bảo đảm không thất thu ngân sách nhà nước, chuyển mục đích sử dụng đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở, các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị liên quan đến dự án.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án của Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, đồng thời bảo vệ môi trường, cảnh quan, sinh thái, đất đai, giữ gìn an ninh, trật tự. 

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ đạo và kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện các nội dung đánh giá tác động môi trường của dự án theo đúng quy định. Chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác giám sát, quản lý môi trường trong quá trình thực hiện dự án và đánh giá các tác động môi trường theo các giai đoạn đầu tư dự án bảo đảm phát triển bền vững thành phố...

* GS.TS VÕ TÒNG XUÂN:

Làm khôn khéo vẫn bảo vệ được môi trường

Có hai vấn đề lớn mà các nhà khoa học lo ngại đối với dự án này là án ngữ, ảnh hưởng khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và vấn đề lấy cát để thực hiện công trình.

Về lấy cát, trước đây tôi cũng có một số băn khoăn, lo ngại về dự án, khi sẽ phải cần tới 134 triệu m3 cát. Và việc khai thác số lượng cát lớn ở địa phương nào cũng cần cân nhắc. Tuy nhiên, sau đó tôi tiếp cận với tài liệu dự án thì biết chủ đầu tư thuê các nhà khoa học địa chất quốc tế nghiên cứu, phát hiện dưới lớp sình tại dự án là phù sa cổ, có cát.

Từ tính toán của chuyên gia, chủ đầu tư sẽ xây dựng một biển hồ lớn (nhân tạo) thuộc dự án. Và cát đào lên để làm biển hồ, sẽ đủ vật liệu để làm đô thị của dự án. Vì vậy, cát được lấy hoàn toàn trong biển hồ, vừa bảo đảm vật liệu tại chỗ vừa tạo cảnh quan đẹp cho dự án. Đồng thời người dân TP cũng có thể ra đó tắm biển, chứ biển Cần Giờ hiện nay sình, bẩn, gần như chỉ có người dân ra bắt nghêu.

Theo bản đồ thì dự án đẹp, cách vùng lõi khu sinh quyển khoảng 18km. Đây là khoảng cách không ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn. Đồng thời, đô thị lấn biển này có ranh nằm hoàn toàn trên thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa, mép ranh hoàn toàn không án ngữ hai con sông Lòng Tàu và Đồng Tranh chảy từ trong vùng lõi khu dự trữ sinh quyển.

Môi trường sống là vấn đề ai cũng quan tâm, nếu mình khôn khéo vẫn bảo vệ được. Quan điểm của tôi là phát triển bền vững, vừa đạt hiệu quả kinh tế - xã hội vừa bảo vệ được môi trường.

* Ông HỒNG VĂN THIỆN (người dân thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ):

Sớm hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề

Người dân chúng tôi mong các cơ quan chức năng, chủ đầu tư đẩy nhanh việc làm dự án.

Hiện có một số người dân sống chủ yếu bằng nghề nuôi, đánh bắt hải sản nên e ngại khi đô thị xây dựng họ sẽ mất việc làm. Do vậy, chúng tôi mong chủ đầu tư cần tính toán đến quyền lợi người dân, chú trọng đến việc đào tạo nghề để người dân Cần Giờ, nhất là thanh niên có cơ hội thay đổi việc làm, hưởng lợi ích từ dự án.

* KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:

Cần thông tin đầy đủ về tác động đến môi trường

Cá nhân tôi và một số người có những trao đổi, kiến nghị về dự án lấn biển Cần Giờ không phải để dừng dự án.

Từ những thông tin dự án được công bố có thể thấy rất rõ lợi ích. Tuy nhiên vấn đề tác động môi trường của dự án ra sao cần có đủ thông tin. Do vậy, chúng tôi muốn có nhiều thông tin cụ thể để có thể đưa ra những phản biện mang tính xây dựng cho việc thực hiện dự án tốt hơn.

Mọi chuyện phải dựa trên cơ sở khoa học, nếu thông tin đưa ra thuyết phục, cho thấy lợi ích chung được đảm bảo và không có nguy hại, khi đó đứng góc độ khoa học, tôi sẵn sàng xác nhận dự án này tốt. Một dự án có đánh giá tác động môi trường tốt sẽ có hiệu quả kinh tế - xã hội về lâu dài và ngược lại nếu không đánh giá đầy đủ sẽ có thể để lại hậu quả nặng nề, gây thiệt hại cho Nhà nước, người dân và cả chủ đầu tư.

Năm 2000

UBND TP.HCM giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), cụ thể là Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ, làm chủ đầu tư dự án hệ thống công trình lấn biển và khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với diện tích 600ha.

Cuối năm 2007

Dự án này được khởi động. Nhưng đến năm 2015 hầu như chưa thực hiện được hạng mục nào.

Tháng 10-2015

UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ nghiên cứu lập phương án đầu tư dự án lấn biển Cần Giờ với diện tích mở rộng thêm.

12-6-2020

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án này từ 600ha thành 2.780 ha, tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỉ đồng, gồm vốn chủ sở hữu 32.558 tỉ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại 184.496 tỉ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).

* Mục tiêu xây dựng khu đô thị lấn biển Cần Giờ trở thành khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn...

Lần đầu tiên Bộ TN-MT lên tiếng về quá trình thẩm định ĐTM dự án lấn biển Cần Giờ Lần đầu tiên Bộ TN-MT lên tiếng về quá trình thẩm định ĐTM dự án lấn biển Cần Giờ

TTO - Sáng 20-7, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên - môi trường, lần đầu tiên Vụ Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lên tiếng trả lời các câu hỏi về thẩm định ĐTM dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

TIẾN LONG - ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên