21/09/2024 16:24 GMT+7

Dự án khẩn cấp chống sạt lở làm trong 108 ngày, sau 60 ngày mới hơn 23% khối lượng

Dự án chống sạt lở núi Van Cà Vãi (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) được đầu tư khẩn cấp, thi công trong 108 ngày, nhưng sau 60 ngày chỉ mới làm hơn 23% khối lượng.

Dự án khẩn cấp chống sạt lở làm trong 108 ngày, sau 60 ngày mới hơn 23% khối lượng - Ảnh 1.

Núi Van Cà Vãi là điểm sạt lở nguy cơ cao và kéo dài nhiều năm. Việc đầu tư khẩn cấp là cần thiết, nhưng mùa mưa sắp đến, tiến độ lại quá ì ạch - Ảnh: TRẦN MAI

Ngày 21-9, ông Nguyễn Xuân Hoàng - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi - cho biết đang đốc thúc nhà thầu tập trung nhân lực thi công dự án đầu tư khẩn cấp khắc phục sạt lở ở núi Van Cà Vãi.

Công trình chống sạt lở khẩn cấp, lại ì ạch

Theo đó, nhiều mùa mưa liên tiếp, người dân sống dưới chân núi Van Cà Vãi (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) luôn trong tình trạng thấp thỏm vì núi lở.

Năm 2021, núi sạt nặng. Tình huống cấp bách, huyện Sơn Hà bố trí kinh phí san ủi, hạ cao độ và khắc phục tạm thời một số vị trí có khả năng sạt trượt từ đỉnh núi.

Nhưng đây chỉ là phương án tạm thời, những mùa mưa sau đó sạt lở tiếp tục xảy ra, người dân lại nơm nớp. Mùa mưa năm 2023, 5 hộ dân sống dưới chân núi phải "tháo chạy" trong đêm khi núi sạt.

Năm 2024, dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi được triển khai, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư 14 tỉ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án được đầu tư khẩn cấp, liên danh nhà thầu là Công ty TNHH thương mại xây dựng Minh Quân - Công ty TNHH Thành Nghĩa được "chọn mặt gửi vàng" chỉ định thi công công trình. 

Ngày 15-7, dự án được khởi công, thời gian thi công 108 ngày và hoàn thành trước 31-10.

Mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho 5 hộ dân/24 nhân khẩu dưới chân núi; tuyến đường DH77. Đồng thời, việc khắc phục sạt lở cũng đảm bảo an toàn cho trụ điện 110kV trên đỉnh núi Van Cà Vãi.

Thế nhưng sau 60 ngày triển khai, nhà thầu mới thi công hơn 23% giá trị hợp đồng. Đến thời điểm hiện tại, việc thi công chỉ mới bạt núi làm các mái ta luy, hơn 14 rãnh đỉnh thoát nước.

Những đầu công việc như rãnh hình thang thu nước, rọ đá gia cố... chưa thực hiện.

Dự án khẩn cấp chống sạt lở làm trong 108 ngày, sau 60 ngày mới hơn 23% khối lượng - Ảnh 2.

Khối lượng công việc của dự án khắc phục sạt lở ở núi Van Cà Vãi còn rất lớn - Ảnh: TRẦN MAI

Còn hơn 40 ngày với hơn 75% khối lượng, dự án có về đích?

Lý giải cho việc thi công ì ạch, chủ đầu tư nói nguyên nhân chính là thời gian qua chiều nào cũng có mưa, dẫn đến việc thi công gặp khó.

Phóng viên đặt câu hỏi liệu công trình khẩn cấp có về đích đúng tiến độ, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão? Ông Hoàng nói đang đốc thúc nhà thầu tập trung thi công, hy vọng sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

"Phần trăm khối lượng công việc còn lại lớn, nhưng phần việc rọ đá gia cố mái ta luy có thể triển khai được khi mưa, nên tiến độ sẽ đẩy nhanh", ông Hoàng nói thêm.

Vấn đề sạt lở luôn gây thiệt hại lớn, đặc biệt thời gian qua những vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở miền Bắc khiến chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phải ra chỉ thị yêu cầu các huyện khẩn trương theo dõi, xử lý và lên phương án chủ động ứng phó.

Dự án khẩn cấp chống sạt lở làm trong 108 ngày, sau 60 ngày mới hơn 23% khối lượng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hoàng Giang (bìa phải), chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra và chỉ đạo xử lý các vấn đề trong thi công ở núi Van Cà Vãi - Ảnh: TRẦN MAI

Ngày 17-9 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Giang, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đi kiểm tra dự án khắc phục sạt lở ở núi Van Cà Vãi. Ông Giang tỏ ra lo ngại về mặt cảm quan, liên tục hỏi về thông số thiết kế, giải pháp cứng hóa bề mặt, giải pháp thoát nước, phương án gia cố móng trụ điện trên đỉnh núi...

Ngoài ra, còn một khối lượng đất đá lớn nằm dưới chân núi, sát mép nhà dân có nguy cơ mất an toàn khi mưa lớn, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương chỉ đạo nhà thầu xử lý hết khối lượng đất đá này.

Ông Giang nói: "Các anh phải giải phóng hết khối lượng đất đá này. Làm xong nhớ chụp ảnh gửi cho tôi. Cảnh báo sạt lở của địa phương đã ở mức vàng, nguy cơ bất cứ lúc nào".

Dẫu vậy, người đứng đầu UBND tỉnh cũng chưa an tâm, nên chỉ đạo, giao phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà trực tiếp theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư.

Ngoài giải quyết nguy hiểm đang có tại công trường, ông Giang yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bám sát yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng công trình để "nhanh chóng đưa công trình về đích".

Dự án khẩn cấp chống sạt lở làm trong 108 ngày, sau 60 ngày mới hơn 23% khối lượng - Ảnh 4.

Lượng đất đá dưới chân núi, sát nhà dân có nguy cơ sạt vào nhà dân, ông Giang yêu cầu khẩn trương xử lý - Ảnh: TRẦN MAI

Dự án khẩn cấp chống sạt lở làm trong 108 ngày, sau 60 ngày mới hơn 23% khối lượng - Ảnh 5.Người dân sống dưới chân núi Sọ ở Đà Nẵng thấp thỏm, lo sợ sạt lở

Bước vào mùa mưa bão, nhiều hộ dân sống dưới chân núi Sọ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại nơm nớp lo sợ núi sạt lở vùi lấp nhà cửa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên