10/09/2018 10:55 GMT+7

Dự án chống ngập ở TP.HCM đình trệ vì dùng thép Trung Quốc?

NGỌC ẨN - THU DUNG
NGỌC ẨN - THU DUNG

TTO - Từ tháng 4-2018 đến nay, dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1" (gọi tắt là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) đình trệ thi công.

Dự án chống ngập ở TP.HCM đình trệ vì dùng thép Trung Quốc? - Ảnh 1.

Công trình chống ngập tại cống Tân Thuận đang bị ngừng thi công - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nguyên nhân vì chưa được trả tiền về khối lượng thi công các cửa van cống ngăn triều do thay đổi vật liệu thép từ G7 sang thép Trung Quốc.

Thay thép G7 bằng thép Trung Quốc

Ngay từ tháng 5-2018, trong hai văn bản gửi Thường trực UBND TP.HCM và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (đơn vị được giao nhiệm vụ theo dõi dự án), liên danh tư vấn giám sát hợp đồng (LDTVGSHĐ) cho rằng trong hồ sơ thiết kế thi công đã được thẩm định và chủ đầu tư dự án phê duyệt quy định rất rõ: yêu cầu vật liệu cấu tạo thép đối với vật tư chính chế tạo cửa van phải là thép S355 có nguồn gốc xuất xứ từ các nước tiên tiến thuộc nhóm G7 sản xuất. 

Riêng cống ngăn triều Bến Nghé phải được làm bằng thép không gỉ SUS 304 và 323L tiêu chuẩn Nhật Bản.

Thế nhưng, cũng tại văn bản trên, ông L. Fernando Requena, P.E - giám đốc điều hành LDTVGSHĐ (gồm Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt (VN), Công ty CP tư vấn xây dựng công trình Hàng Hải (CMB), Công ty CP tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ Thăng Long 12) - cho biết thực tế kiểm tra, giám sát thì phần lớn thép sử dụng trong dự án lắp đặt cửa van lại có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và theo tiêu chuẩn Trung Quốc.

Như vậy, nhà đầu tư đã không tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa vật tư chính chế tạo cửa van đã được quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật của dự án. 

"Do đó, LDTVGSHĐ nhận thấy chưa đủ cơ sở để xác nhận giải ngân cho các gói thầu cơ khí cửa van cống kiểm soát triều Phú Xuân và cống kiểm soát triều Cây Khô..." - ông L. Fernando Requena, P.E nhấn mạnh.

Theo một cán bộ của LDTVGSHĐ, số lượng thép lắp ở các cửa van của dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng là hơn 2.000 tấn. "Nếu sử dụng thép Trung Quốc sẽ dẫn đến chi phí duy tu bảo dưỡng sau này cao hơn so với loại thép của các nước G7. 

Điều đáng nói là thép Trung Quốc đã được nhập về thực hiện dự án ngay từ năm 2017, do đó Sở NN&PTNT TP.HCM điều chỉnh sử dụng vật liệu thép cho dự án sau này như là cách hợp thức hóa việc đã rồi" - vị này nói thêm.

Bỏ rẻ để mua đắt?

Lý giải về dự án tạm ngừng thi công do chậm giải ngân vì một số lý do, trong đó có nguyên nhân "thay đổi vật liệu thép cho hạng mục cơ khí cửa van (cống ngăn triều)" như nêu trên, ngày 5-9 Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (gọi tắt là Trung Nam Group, công ty mẹ của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 - chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) đã có công văn gửi các cơ quan chức năng và cho rằng: Ngày 7-2-2018, Bộ Xây dựng đã khẳng định căn cứ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng được Sở NN&PTNT TP.HCM (đơn vị được ủy quyền thẩm định dự án) điều chỉnh thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo tại cửa van theo đúng quy định, từ đó đơn vị này đã triển khai thi công.

Ngoài ra, Trung Nam Group cũng dựa vào văn bản ngày 11-7-2018, do chính Sở NN&PTNT TP.HCM ký, cho rằng thống nhất với đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư được thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo sử dụng tại cửa van các cống giữa giai đoạn thiết kế cơ sở và giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công là phù hợp. 

Còn Sở NN&PTNT TP.HCM cho rằng thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép là nhằm tối ưu hóa sản phẩm thiết kế phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành...

Ngoài ra, LDTVGSHĐ cũng chỉ ra vấn đề mua thép giá quá cao trong khi chỉ cần mua loại thép đúng quy chuẩn thiết kế ban đầu thì có giá rẻ hơn rất nhiều. 

Cụ thể, ngày 4-9-2018, trong văn bản gửi Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, liên danh này cho rằng trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, cống kiểm soát triều Bến Nghé phải lắp đặt thép không gỉ SUS 304 hoặc thép SUS 323L theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.

Giá thép không gỉ SUS 304 hiện nay khoảng 70.000 đồng/kg, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà sau đó Sở NN&PTNT đã thẩm định và Công ty TNHH Trung Nam phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công lại sử dụng thép không gỉ SUS 323L, với giá 140.000 đồng/kg.

"Nếu TP chấp nhận sử dụng thép SUS 323L sẽ làm tăng chi phí từ 247 tỉ lên 514 tỉ đồng, nghĩa là làm tăng tổng mức đầu tư dự án", LDTVGSHĐ cảnh báo.

Trả lời về việc sử dụng thép Trung Quốc thay vì dùng thép có nguồn gốc từ các nước G7, ông Nguyễn Tâm Tiến, tổng giám đốc Trung Nam Group, giải thích: hồ sơ thiết kế bao gồm tập bản vẽ, báo cáo thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật, và công ty đã thi công đúng theo bản vẽ này, "việc quan trọng là đáp ứng các chỉ tiêu trên". 

Do đó theo ông Tiến, LDTVGSHĐ thông tin "không thống nhất từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công" là hoàn toàn sai. 

"Ở đây chỉ có sự thay đổi giữa thiết kế bản vẽ thi công và thiết kế cơ sở, còn thực tế thi công hoàn toàn tuân thủ theo thiết kế bản vẽ thi công" - ông Tiến nói.

Riêng việc sử dụng thép SUS 323L thay vì SUS 304 (rẻ hơn) cho cống Bến Nghé, ông Tiến cho rằng do cửa van chìm hoàn toàn trong nước nên thép SUS 304 có cơ tính thấp... vì thế để đảm bảo thì kết cấu cửa, bêtông, thiết bị phải tăng lên rất nhiều nên đã sử dụng vật liệu SUS 323L nhằm tối ưu hóa trong bước thiết kế bản vẽ thi công.

Vậy giải pháp tháo gỡ cho dự án chống ngập 10.000 tỉ này là gì? Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, do gặp phải một số vấn đề về nguồn vốn và các yếu tố kỹ thuật nên dự án đã phải tạm ngưng xây dựng. 

UBND TP đã tổ chức kiểm tra, đánh giá và đưa ra hướng khắc phục để sớm tái khởi động.

* Ông NGUYỄN TÂM TIẾN (tổng giám đốc Trung Nam Group):

Dự án đã thi công đạt hơn 72% khối lượng, trong đó giải ngân đạt 4.840 tỉ trên tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 4-2018 đến nay dự án bị đình trệ.

Nguyên nhân chính là do BIDV chi nhánh Nam Sài Gòn dừng giải ngân vì UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.

Riêng đối với công tác tư vấn giám sát hợp đồng: đơn vị tư vấn không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, thông báo 125 của chủ tịch UBND TP cũng như hợp đồng BT, gây khó khăn, làm chậm tiến độ.

6,5 triệu người được hưởng lợi từ dự án

Khởi công từ tháng 6-2016, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng giai đoạn 1 được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), nhằm mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km² với khoảng 6,5 triệu dân cho nhiều quận huyện ở TP.HCM.

Dự án sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định có bề rộng 40-160m, xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12m³/s, 1 trạm bơm 24m³/s tại cống Tân Thuận, 1 trạm bơm 18m³/s tại cống Phú Định...

TP.HCM kêu gọi đầu tư chống ngập

TTO - TP.HCM mong muốn thực hiện nhiều dự án chống ngập, xử lý nước thải, nhưng nguồn lực có hạn nên kêu gọi đầu tư nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia vào lĩnh vực này.

NGỌC ẨN - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên