Ông Trần Vĩnh Tuyến trả lời đại biểu tại phiên chất vấn chiều 6-12 - Ảnh: TỰ TRUNG
Đề cập đến vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua ở dự án chống ngập, phó chủ tịch UBND TP nói: "Chúng tôi hết sức chia sẻ với Công ty Trung Nam là ở đây không có sự gian dối. Nhưng ai đảm bảo là dùng thép Trung Quốc thì chất lượng công trình sẽ đảm bảo an toàn?".
Về dự án này, ông Tuyến cho biết đây là dự án triển khai theo hình thức BT. Hiện TP thấy một số hạng mục đúng theo quy định nhà nước thì xác định để giải ngân. Còn một số hạng mục chưa đúng với phê duyệt thiết kế thì chưa xác nhận được.
Ông Tuyến nhấn mạnh chống ngập là cần thiết và cấp bách nhưng trong quá trình thực hiện phải đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
"Đối với vấn đề thép Trung Quốc, TP sẽ thuê tư vấn độc lập dưới sự giám sát của Bộ NN&PTNT để đánh giá chất lượng. Nếu đảm bảo an toàn thì TP ghi nhận và tính toán giá trị nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn"- ông Tuyến nói.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung cũng hỏi các dự án chậm triển khai sẽ xử lý như thế nào? Nhiều đại biểu khác cũng đặt câu hỏi về hướng xử lý với quy hoạch treo, dự án treo. Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhận xét về quy hoạch, qua 43 năm phát triển TP.HCM, trong quản lý điều hành chung thì vấn đề quy hoạch vẫn còn yếu kém.
Ông Tuyến thông tin: Với đất công có quy hoạch cho mục đích công ích nhưng không triển khai dẫn đến tình trạng bị lấn chiếm thì phải rà lại. Ngoài ra đến nay có khoảng 188 dự án có quy hoạch nhưng treo không làm. TP sẽ thu hồi để triển khai các mục tiêu trọng điểm khác, trong đó có mục đích công ích.
Còn đối với những dự án kéo dài nhưng không thể chấm dứt vì tính chất cần thiết, TP sẽ tính toán các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ. Nhóm này có các dự án như Dự án Thanh Đa - Bình Quới, dự án công viên Safari, dự án đường vành đai 3…
Những dự án quy hoạch hẻm, trường học, công viên không phù hợp thì đang trình để điều chỉnh. Những dự án không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiêm môi trường, TP đã báo cáo danh mục các dự án này, các quận huyện phải bàn với Sở Tài nguyên và môi trường vận động các doanh nghiệp chuyển đổi, nếu không thì TP sẽ thu hồi.
Thủ tướng yêu cầu TP.HCM báo cáo kết quả giải quyết vướng mắc dự án chống ngập trong tháng 12-2018 - Ảnh: Tư liệu
Thanh niên xung phong đã sẵn sàng thu phí đỗ xe dưới lòng đường
Trả lời một số đại biểu về việc thất thoát thu phí đỗ xe dưới lòng đường, ông Trần Vĩnh Tuyến nói sau một thời gian thực các tuyến đường đã thông thoáng hơn, hạn chế tình trạng bảo kê, xã hội đen và những người lợi dụng đứng ra thu phí giữ xe.
Ông Tuyến cũng thừa nhận ban đầu có tình trạng nhân viên thu tiền để vào túi riêng, sau này kiểm soát chặt hơn thì có tình trạng bỏ không thu phí. UBND TP sẽ báo cáo với HĐND TP để chuyển giao việc thu phí cho Công ty Dịch vụ công ích TNXP thu sẽ thuận lợi hơn. "Hoan nghênh Thanh niên xung phong đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ này" - ông Tuyến nói.
Trước đó, ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở GTVT - cho biết tại các tuyến đường có thu phí ở quận 1 trung bình một nhân viên thu được 1.900.000/tháng, quận 5 thu 14.150.000 đồng/tháng/nhân viên, quận 10 là 2.960.000 đồng/tháng/nhân viên.
Tại 23 tuyến đường thí điểm đã lắp được 261 camrera giám sát. Tuy nhiên số tiền thu thực tế so với số lượng giám sát qua camera mới chỉ đạt 16%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận