07/06/2020 09:09 GMT+7

Dự án chống ngập đều ở thì tương lai

LÊ PHAN - THU DUNG -  ĐỨC PHÚ
LÊ PHAN - THU DUNG - ĐỨC PHÚ

TTO - Hiện TP.HCM còn nhiều điểm cứ mưa xuống là ngập, trong khi đó những dự án chống ngập khu vực này vẫn đang chờ được thi công, hoàn thành.

Điển hình như các đường quanh chợ Thủ Đức hay đường Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức), sau cơn mưa dòng nước thường chảy, cuốn như thác. Nhiều tuyến đường khác như Nguyễn Văn Quá (Q.12), Hiệp Bình (Q.Thủ Đức)... cũng lênh láng nước.

Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị (Sở Xây dựng), hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức như đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân... đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi. 

Dự kiến các dự án này sẽ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 31-10 và sẽ khởi công trong năm 2021.

Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Bàu Cát (Q.Tân Bình) dự kiến quý 4-2020 sẽ khởi công. 

Còn với đường Lê Đức Thọ và Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), Sở Giao thông vận tải đã chấp thuận vị trí xây dựng hướng tuyến và đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự kiến cả hai tuyến đường này sẽ khởi công cải tạo hệ thống thoát nước vào năm 2021.

Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng, một số công trình cải tạo kênh rạch nhằm tăng khả năng thoát nước cũng đang rơi vào tình trạng chậm triển khai vì chờ vốn. 

Đó là dự án xây dựng chỉnh trang rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật. Rạch Xuyên Tâm là hệ thống các con rạch liên thông nhau gồm: rạch Cầu Bông, rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân Tự, rạch Lăng.

Ban đầu dự án trên có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng bao gồm cả bồi thường giải phóng mặt bằng và xây lắp. 

Từ năm 2016, một đơn vị đề xuất triển khai dự án này theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), nguồn quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư là dọc hai bên kênh sau khi đền bù giải tỏa. Tháng 10-2017, UBND TP.HCM có chủ trương dừng các dự án BT chờ quy trình mới, nên dự án tiếp tục "treo".

Cho đến nay dự án trên đã được lập báo cáo tiền khả thi với tổng mức đầu tư lên khoảng 8.825 tỉ đồng. Dự kiến dự án sẽ được trình HĐND TP xem xét thông qua chủ trương đầu tư công sắp tới.

Ngoài ra, việc cải tạo kênh Hi Vọng (Q.Tân Bình) nhằm giải quyết ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã nhiều lần được đề cập nhưng nay mới được Sở Xây dựng chuẩn bị thủ tục trình xin chủ trương đầu tư công.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, PGS.TS Hồ Long Phi - nguyên giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TP.HCM - cho rằng để công tác chống ngập hiệu quả, TP.HCM phải xác định trách nhiệm chống ngập thuộc về ai và tiền ở đâu chống ngập. 

Ông Phi cho rằng hiện nay, nhóm giải pháp kỹ thuật chống ngập phải bao gồm việc xây dựng hệ thống cống, ngăn triều, trữ nước, bơm nước... 

Do đó TP.HCM phải xây dựng được bộ máy chống ngập có nhiều đơn vị cùng tham gia mới triển khai đồng bộ được các phương pháp chống ngập trên.

PGS.TS Hồ Long Phi:

Phải xóa bỏ bao cấp chống ngập

Từ hàng chục năm qua, việc đô thị hóa luôn đi trước, còn hệ thống thoát nước lại bao cấp và phải chạy theo để đối phó. Bây giờ đô thị hóa tới đâu, hệ thống thoát nước phải đi tới đó, có gắn trách nhiệm của nhà đầu tư hoặc tính chi phí chống ngập thành tiền để họ chi trả.

Tôi cho rằng phải xóa bỏ bao cấp trong việc chống ngập thì mới giải quyết được vấn đề căn cơ. Khi có cơ chế tính đúng, tính đủ, tư nhân cũng sẽ tự động tham gia và xã hội hóa được việc này.

Triển khai nhiều dự án chống ngập trên quốc lộ ở miền Tây Triển khai nhiều dự án chống ngập trên quốc lộ ở miền Tây

TTO - Tình trạng ngập nước trong mùa mưa và do triều cường đã gây gián đoạn giao thông trên nhiều tuyến quốc lộ ở các tỉnh miền Tây. Trên các tuyến quốc lộ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đến 33 điểm bị ngập.

LÊ PHAN - THU DUNG - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên