Đây là dự án cải tạo nâng cấp hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn tiết kiệm điện trong các trường học của Hải Phòng.
Chi phí dự án gấp đôi giá thị trường
Theo quyết định của Sở GD-ĐT Hải Phòng, những trường tham gia dự án trên phải đóng góp 30% chi phí (ngân sách chi 70%). Số tiền trên 6,3 tỉ đồng được chia về các trường, với các mức thu khác nhau tùy theo số lượng học sinh. Theo ông Đỗ Văn Lợi - chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hải Phòng, phó trưởng ban quản lý dự án trên, tính trung bình mức thu từ phụ huynh cho dự án khoảng 50.000-70.000 đồng/học sinh, nhưng nhiều phụ huynh phản ảnh có những trường thu 100.000-200.000 đồng/học sinh.
Hiện nay đã có 150 trường tham gia dự án và số phòng học được lắp đặt hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn tiết kiệm điện là 1.100 phòng/2.150 phòng sẽ lắp đặt.
Theo tính toán của lãnh đạo một số trường và phụ huynh học sinh, giá lắp đặt của dự án quá đắt. Theo báo giá của Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (đơn vị thi công dự án) trên website www.rangdongvn.com, giá một bộ đèn theo tiêu chuẩn chiếu sáng lớp học CM1 (đúng theo quy định của ban chỉ đạo chương trình quốc gia tiết kiệm điện năng, hiệu quả) là 243.000 đồng.
Trung bình mỗi phòng học nằm trong dự án của Hải Phòng lắp đặt 11 bộ đèn CM1 trên. Chi phí mua đèn khoảng 2,6 triệu đồng/phòng, tính cả các phụ kiện, công lắp đặt, giá lắp đặt hệ thống chiếu sáng/phòng học khoảng 4 triệu đồng. Nhưng với 17,5 tỉ đồng chi cho 2.150 phòng học, mức lắp đặt của dự án trên khoảng 8 triệu đồng/phòng, gấp đôi chi phí theo báo giá của đơn vị thi công.
Theo ông Đỗ Văn Lợi, chi phí đội lên do dự án phải dành 4,6 tỉ đồng để chi cho các công việc khảo sát, truyền thông, dự phòng... theo đúng quy trình triển khai dự án. Tuy nhiên, ông Lợi cũng thừa nhận nếu tách bạch các chi phí khác, chỉ tính riêng công lắp đặt, mua thiết bị thì mỗi phòng học tốn từ 5,5-6,3 triệu đồng, cao hơn nhiều so với mức báo giá của công ty thi công.
Khó hiểu
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hải Phòng, đến nay đã có trên 30 trường hoàn thành việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng thuộc dự án. Tìm hiểu, chúng tôi được biết có những trường đã tự huy động tiền của phụ huynh học sinh để lắp đặt hệ thống chiếu sáng cuối năm 2007 đầu năm 2008 nhưng vẫn được đưa vào danh sách các trường thực hiện dự án nói trên.
Theo ông Đào Hồng Tuyến - hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, nhà trường đã thuê doanh nghiệp bên ngoài lắp đặt hệ thống đèn tiết kiệm từ hè năm 2007, đến đầu năm 2008 thì xong. Trong khi đó cuối năm 2009, dự án trên mới hoàn tất việc đấu thầu và triển khai, nhưng trường vẫn có trong danh sách đã lắp đặt của dự án với số tiền được chi là 121.481.000 đồng.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thọ, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, cho biết trường đã tự lắp đặt hệ thống chiếu sáng từ năm 2008, nhưng cũng được đưa vào danh sách do dự án lắp đặt với số tiền 162.711.000 đồng. Một số trường khác như tiểu học An Đồng, THCS An Đồng... đã chủ động lắp đặt hệ thống chiếu sáng từ năm 2008 nhưng cũng có tên trong danh sách do dự án lắp đặt.
Đặc biệt, bà Phạm Thị Bích Ngân, hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, cho biết đến nay trường vẫn chưa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng nhưng lại có tên trong danh sách các trường đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng của dự án với chi phí gần 81 triệu đồng.
Ông Đỗ Văn Lợi cho biết trước khi triển khai đại trà, ban quản lý dự án đã triển khai thí điểm ở 10 trường (mỗi trường lắp đặt đèn chiếu sáng ở một phòng học do ngân sách cấp 100%). Nhưng trước thông tin do chúng tôi điều tra về những trường tự vận động phụ huynh đóng góp lắp đặt đèn chiếu sáng mà vẫn có tên trong danh sách đã lắp đặt hệ thống chiếu sáng thuộc dự án, ông Lợi nói những trường triển khai từ năm 2007-2008 nói trên cũng nằm trong diện “thí điểm của dự án”... Tuy nhiên, ông Lợi không lý giải được vì sao tới tháng 8-2009 dự án mới được phê duyệt, năm 2009 dự án mới xong đấu thầu và triển khai thực hiện nhưng từ năm 2007 đã có thể thí điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận