Phóng to |
Các hộ nông dân HTX rau an toàn Hòa Phong 2 vẫn trồng rau theo kiểu manh mún - Ảnh: Trường Trung |
Vựa rau trên cánh đồng Hồ Bún (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) là vùng được đầu tư của dự án QSEAP, nhưng tại đây việc trồng rất manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm. Cánh đồng rau này rộng hơn 14ha, là nơi canh tác của hơn 150 hộ nông dân, được trồng lộn xộn các loại rau củ quả. Thậm chí trên phần đất trồng rau còn trồng cả thuốc lá, sắn, cỏ nuôi bò...
Hộ bà Đặng Thị Nhị (thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong) có hai sào đất trồng rau nhưng lại trồng hơn chục loại rau quả cùng thời điểm. Bà Nhị nói: “Không có doanh nghiệp mua, rau đem đến chợ bán rẻ như bèo nên phải trồng nhiều loại, lỡ cái này mất giá còn có cái kia vớt lại”.
Dự án QSEAP được đầu tư với tổng vốn 77,69 tỉ đồng từ nguồn của Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn đối ứng của TP Đà Nẵng, triển khai từ năm 2010-2015 tại bốn quận huyện là Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Hòa Vang. |
Cạnh đó, cánh đồng rau rộng gần 10ha ở Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, Hòa Vang) cũng ở cảnh tương tự. Người dân Cẩm Nê trồng rau theo ý thích rồi mang ra chợ bán. Ông Nguyễn Thảo, chủ nhiệm HTX Hòa Tiến 1, cho biết HTX vẫn chưa nhận được hỗ trợ nào từ dự án. Trong khi đó tại Q.Cẩm Lệ, dự án chỉ mới dừng lại ở việc tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn và cung cấp giống, phân bón cho nông dân theo tiêu chuẩn rau an toàn (VietGap).
Theo ông Lê Công Hồ - phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, thành viên ban điều hành dự án, dù còn hơn hai năm nữa dự án trồng rau sạch kết thúc nhưng hiện chỉ mới ở mức sơ khai. Ngày 14-4, UBND TP Đà Nẵng mới có văn bản quy hoạch các vùng trồng rau sạch với diện tích lên đến 338ha, tập trung chủ yếu tại Hòa Vang, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, theo ông Hồ: “Nhiều vùng đất nông nghiệp bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa đã khiến các vùng rau truyền thống bị xóa sổ, trong khi các vùng rau mới thì nhỏ lẻ, manh mún nên việc quy hoạch những vùng chuyên canh rau không phải là chuyện dễ”.
Bà Đồng Thị Yến, phó trưởng ban điều hành dự án, cho biết đến thời điểm này dự án chỉ mới giải ngân được 2 tỉ đồng, số tiền này chủ yếu để tổ chức tập huấn kỹ thuật, canh tác rau sạch cho người dân trong vùng dự án.
Điều đáng nói là trong khi các sản phẩm rau quả mà nông dân trong vùng dự án được yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap với 70 tiêu chí khác nhau, nhưng thực tế vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra kiểm tra, đánh giá các tiêu chí trồng trọt của nông dân làm ra. Theo ông Hồ, cái lợi của dự án là giúp nông dân hiểu và ý thức được kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Nhưng theo nông dân Nguyễn Văn Chơn (xã Hòa Phong): “Bắt chúng tôi trồng theo các tiêu chuẩn hết sức khắt khe nhưng lại phải mang rau ra chợ bán với giá rẻ thì làm sao nông dân có lãi được?”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận