Nói về dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng, nằm ở ngay trung tâm TP.HCM nhưng nhiều năm qua quây tôn bỏ đất hoang, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - từng chia sẻ "người dân mỗi lần đi qua đều nhức mắt, còn tôi rất khó chịu việc này".
Nay người dân sắp có cơ hội hết "nhức mắt" khi chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu: tiếp tục đầu tư theo phương thức PPP hoặc dừng dự án BT chuyển sang đầu tư công.
Nói là có cơ hội là bởi vì dự án này đã dở dang gần tám năm rồi và đã nhiều lần được quan tâm, thúc đẩy để triển khai nhưng đến nay vẫn "cố thủ" quây tôn. Ai cũng tiếc một nhà thi đấu sừng sững dù xuống cấp, hư hỏng nhưng vẫn còn có chỗ ra vào, nhìn vẫn đỡ chướng hơn là đập bỏ rồi quây tôn để đó.
Chỉ đạo của TP là mới và rất quyết liệt khi đề cập đến cả khả năng dừng phương án BT, tính toán hệ quả pháp lý phát sinh và giải pháp xử lý với phương thức đầu tư đề xuất đã chọn.
Dễ hiểu hơn là rồi đây các bên liên quan sẽ phải ngồi lại với nhau, tính toán để đảm bảo tôn trọng các cam kết và quyền lợi của mỗi bên, tuân thủ pháp luật và lợi ích của cộng đồng. Nhưng một khi đã phải "tính toán hệ quả pháp lý phát sinh", tính đến nghĩa vụ và trách nhiệm các bên, quyết thế nào, đó là quyết định khó vì liên quan đến tài chính, thậm chí có thể có bên phải "bồi thường" nếu vi phạm cam kết. Nhưng thà thế còn hơn là để khu đất cứ mãi quây tôn, làm "nhức mắt" mọi người.
Nhìn lại quá trình triển khai dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng kéo dài dẫn đến ngày càng vênh lớn so với quy định pháp luật. Dự án mang tính cấp bách, phải chỉ định nhà đầu tư, nhưng khi được phê duyệt thì lý do cấp bách đã không còn nữa và hình thức đầu tư BT đã bị "khai tử".
Rồi theo thời gian, những trường hợp như dự án này phải tuân thủ Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư (theo phương thức đối tác công - tư...). Cứ thế, theo thời gian, dự án bị đội vốn từ 988 tỉ đồng có lúc đã lên gấp đôi.
Chậm giải quyết dứt điểm "dự án quây tôn", không "tính toán hệ quả pháp lý", từ chỗ phải "nhức mắt", sẽ có lúc người dân còn phải "xót của" vì đất bỏ hoang kéo dài và những hệ lụy pháp lý kéo theo nghĩa vụ tài chính sẽ còn phát sinh lớn hơn rất nhiều.
Không chỉ dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng, còn nhiều dự án khác cũng đang dở dang, theo kiểu gỡ hoài không ra, đi không được mà ở cũng không xong. Đã đến lúc phải xử một lần cho xong, chấp nhận "hệ quả pháp lý", thậm chí đền bù nếu có vi phạm.
Sòng phẳng ra, khi các dự án BT cứ loay hoay, đắp chiếu, điều đó không tốt cho môi trường đầu tư khi TP.HCM đang thu hút nhà đầu tư vào các dự án theo tinh thần nghị quyết 98 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Thôi thì thà một lần đau còn hơn là để "nhức mắt" kéo dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận