Các bồn chưng cất khổng lồ tại tổ hợp bôxit - nhôm Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Đồng) phục vụ ươm mầm hydrat điều chế alumin từ quặng bôxit - Ảnh: Mai Vinh |
Buổi tọa đàm do Trung tâm Thiên nhiên và con người (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN) tổ chức dựa trên các thông tin mới về triển vọng các dự án bôxit vừa được TKV đưa ra.
Càng sản xuất càng lỗ!
Qua đánh giá từ những số liệu do chính TKV cung cấp, TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng, khẳng định TKV đã “sập bẫy giá rẻ”, dù vẫn cần cập nhật thêm tình hình và có đánh giá thực tế.
Cụ thể, theo phụ lục trong hợp đồng EPC số 1/TKV-CHALIECO ký giữa TKV và nhà thầu Chalieco ngày 14-7-2008 của dự án Tân Rai, nhà thầu chỉ cam kết về công suất là 630.000 tấn/năm, giảm 20.000 tấn/năm so với công bố của TKV. Mà giá trị 20.000 tấn/năm nhân với suất đầu tư bình quân khoảng 1.000 USD/tấn công suất, mức thiệt hại của VN lên tới 20 triệu USD. Doanh thu giảm hằng năm sẽ khoảng 5 triệu USD.
Bỏ thầu thấp, giá hợp đồng tăng Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban alumin Tổng công ty Khoáng sản VN, cho rằng Trung Quốc bỏ thầu với giá rất thấp. Nhưng sau khi bỏ thầu xong, được VN chọn để ký EPC, giá hợp đồng lại tăng lên. Đặc biệt, theo ông Ban, công nghệ Trung Quốc tiêu hao nước, than, kiềm đều cao hơn mức các nước có công nghệ tiên tiến. Với thực thu alumin theo công nghệ Trung Quốc thiết kế chỉ đạt 85% trên quặng tinh, trong khi công nghệ tiên tiến 87%, theo ông Ban, với công suất 630.000 tấn/năm, tổn thất lên tới 40 triệu USD/năm. “Đó mới là chỉ tiêu ký kết, còn thực tế có đạt được mức nào cũng là vấn đề” - ông Ban nói. Đơn cử, nhà máy sau hai năm vận hành mới chỉ đạt công suất 75-80% công suất thiết kế nên theo ông Ban, chắc chắn lỗ vốn vì mọi chi phí trên 1 tấn sản phẩm tăng. |
Mức tiêu hao quặng để sản xuất alumin bình quân trên thế giới là dưới 2 tấn/tấn (dưới 2 tấn quặng được 1 tấn alumin), trong khi mức cam kết của nhà thầu Trung Quốc là 2,737 tấn/tấn, tương đương 25 USD/tấn.
Với công suất hiện tại 630.000 tấn/năm, theo ông Sơn, mức chênh lệch này có thể lên tới 11,607 triệu USD/năm.
Chưa hết, theo ông Sơn, với số giờ hoạt động thực tế ít hơn so với cam kết, mức thiệt hại mỗi năm lên đến hàng trăm ngàn USD. Lấy bốn sai lệch chính, ông Sơn cho biết dự án Tân Rai thiệt hại khoảng 343 triệu USD.
Số tiền này, theo ông Sơn, đáng ra phải cộng vào giá nhà thầu Chalieco đưa ra để so sánh với nhà thầu khác. “Có thể nói giá VN trả cho nhà thầu Trung Quốc cao hơn giá trị thật khoảng 343 triệu USD” - ông Sơn khẳng định.
Dù TKV “tự hào” tuyên bố dự án bôxit Tây nguyên sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, nhưng các chuyên gia cho rằng con số lỗ hằng năm của dự án này đã không được đưa ra. Theo số liệu được TKV công bố, năm 2015 cả Tân Rai và Nhân Cơ sẽ sản xuất được 660.000 tấn, tổng doanh thu trên 4.900 tỉ đồng.
Phân tích số liệu này, ông Sơn cho rằng giá bán sẽ khoảng 7,4 triệu đồng/tấn, tức 346 USD/tấn. Cứ cho chi phí từ năm 2013 không tăng, chỉ cộng thêm chi phí vận tải, khấu hao, giá thành phải là 8,6 triệu đồng/tấn, tức khoảng 403 USD/tấn, lỗ khoảng 56,7 USD/tấn.
Như vậy, nếu sản xuất đủ sản lượng 660.000 tấn trong năm 2015, mức lỗ sẽ khoảng 37,4 triệu USD!
Thấy lỗ từ bù giá điện
Chưa hết, dự án chế biến alumin thành nhôm cũng đã được xúc tiến, dự kiến sẽ đặt nhà máy gần Nhà máy alumin Nhân Cơ.
Theo phân tích của ông Nguyễn Thành Sơn, để triển khai dự án “nhôm kim loại Nhân Cơ”, nhà đầu tư đã yêu cầu Chính phủ cam kết cho mua điện với giá 5 cent/kWh trong vòng 10 năm. Với mức tiêu hao điện thấp nhất thế giới cho công nghệ chế biến alumin thành nhôm (12.900 kWh/tấn), theo ông Sơn, dự án nhôm kim loại Nhân Cơ công suất 450.000 tấn nhôm/năm sẽ phải mua 5,8 tỉ kWh/năm.
Và để có thêm 5,8 tỉ kWh/năm, EVN phải đầu tư thêm một dự án thủy điện công suất 1.933 MW với chi phí phải bỏ ra khoảng 3,8 tỉ USD (lớn hơn thủy điện Hòa Bình), hoặc một dự án nhiệt điện chạy than với chi phí đầu tư khoảng 830 triệu USD (lớn hơn nhiệt điện Phả Lại 2).
Đặc biệt, theo ông Sơn, với giá bán điện bình quân hiện nay của EVN là 1.622 đồng/kWh, tương đương khoảng 7,5 cent/kWh mà doanh nghiệp chế biến nhôm được hưởng giá 5 cent/kWh, tất cả người dùng điện sẽ phải bù lỗ cho dự án nhôm kim loại đủ 5,8 tỉ kWh/năm, tính ra là khoảng 145 triệu USD/năm (khoảng 3.000 tỉ đồng).
Công suất nhôm kim loại càng cao, bù lỗ càng lớn, dự án nhôm kim loại càng triển khai nhanh, càng sớm phải bù lỗ. “Có lẽ chưa có dự án nào đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hay với mục đích xóa đói giảm nghèo của Nhà nước được bù lỗ “khủng” như vậy”- ông Sơn nói.
Dù dự án nhôm kim loại sẽ làm giảm lỗ cho các dự án alumin tối đa là 17,55 triệu USD/năm, nhưng theo ông Sơn, những người dùng điện VN phải bù lỗ cho dự án nhôm kim loại 145 triệu USD/năm, tức gấp hơn 8 lần!
Trong khi đó, chuyên gia Tô Văn Trường, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch nông nghiệp VN, cho rằng Bộ Công thương và TKV đã không phân biệt hiệu quả kinh tế tài chính của doanh nghiệp với hiệu quả kinh tế xã hội của đất nước.
Theo ông Trường, người dân đang trồng cà phê phải nhường đất cho dự án alumin nên muốn tính hiệu quả alumin, phải lấy lãi từ chế biến bôxit thành alumin trừ đi lãi trồng cà phê, đó mới là lãi thực việc khai thác bôxit đem lại cho xã hội.
Khấu hao ít để giảm...lỗ! Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Chỉnh (từng được TKV giao làm người phát ngôn về vấn đề bôxit) cho rằng “không nên hiểu thế” bởi công suất 650.000 tấn/năm nhưng khi đi vào thực tế, công suất có thể chỉ 630.000 tấn là hiệu quả, nhà sản xuất có thể quyết mức này chứ không hẳn cứ 650.000 tấn/năm là tốt. Trả lời về mức tiêu hao, ông Chỉnh cho biết thực tế khi đi vào sản xuất, chất lượng quặng của Nhà máy Tân Rai đã tốt hơn dự tính ban đầu nên tiêu hao các nguyên vật liệu đã giảm. Ngoài ra, giá bán alumin cũng đã tăng dần. Vì vậy, có thể nhận định xu thế thị trường sẽ thuận lợi hơn cho sản xuất alumin ở VN. Tuy nhiên, ông Chỉnh thừa nhận câu chuyện lỗ và cho biết việc này đã được tính toán ngay từ đầu, trong đó dự kiến nhà máy alumin sẽ lỗ một số năm đầu. Nhưng với xu hướng đang tốt lên, thời gian lỗ có thể giảm xuống. Với ý kiến cho rằng thời gian qua alumin “lãi giả” vì khấu hao rất ít, ông Chỉnh cho biết thời kỳ đầu có thể khấu hao ít hơn để giảm lỗ, đó chỉ là điều tiết, nguyên tắc sẽ phải tính đủ. |
Đụng vào đâu cũng thấy lỗ Mới đây, các cơ quan chức năng đã vẽ lên bức tranh tươi sáng hiệu quả của hai dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ, kèm theo việc Công ty Trần Hồng Quân tham gia xây dựng nhà máy luyện nhôm. Trong khi đó, các thông tin số liệu, nhất là quyết toán năm 2014 của Nhà máy Tân Rai vẫn được bảo mật! Tuy nhiên, chỉ cần phân tích các thông tin số liệu đã có, đối chiếu với thực tế thấy rõ dự án bôxit Tây nguyên, mọi con đường đều dẫn đến thua lỗ, chưa kể việc ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và môi trường xã hội của dự án. Do sai lầm từ việc chọn nhà thầu Trung Quốc lúc đầu bỏ thầu giá rẻ (nhưng khi ký hợp đồng EPC lại giá khác), thiết kế nhà máy các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật lạc hậu tiêu hao lớn về quặng và năng lượng... Theo tính toán của chuyên gia Nguyễn Thành Sơn về giá thành, tính đủ khấu hao và chi phí vận chuyển của alumin Tân Rai, năm 2013 lỗ 94 USD/tấn (tổng số 16 triệu USD), năm 2014 lỗ 87 USD/tấn (tổng số 43 triệu USD), năm 2015 lỗ 57 USD/tấn (tổng số 37 triệu USD). Thế nhưng, giải pháp cho Công ty Trần Hồng Quân được hưởng nhiều ưu đãi để thực hiện dự án điện phân nhôm là thêm nhiều rủi ro khác. Theo đó, Nhà nước phải bỏ vốn ngân sách khoảng 1.200 tỉ đồng để chuẩn bị mặt bằng cho nhà máy. Khi nhà máy điện phân nhôm hoạt động sẽ thải ra một lượng lớn chất thải fluoride: perfluorocarbon và hydrogen fluoride dưới dạng khí thải; sodium, fluoride nhôm và cryolite dư thừa dưới dạng phân tử. Nếu không được kiểm soát tốt thì hydrogen fluoride là chất rất độc hại cho thực vật quanh nhà máy. Khí perfluorocarbon là khí nhà kính có thời gian tồn tại lâu dài trong không khí. Sản xuất nhôm tiêu hao rất nhiều điện năng. Giá nhôm hiện nay trên thế giới khoảng 1.850 - 2.150 USD/tấn. Điện năng cho sản xuất 1 tấn nhôm khoảng 12.900 kWh. Nếu lấy giá bình quân EVN bán điện 7,5 cent/kWh, nhưng nếu phải bán cho dự án của Trần Hồng Quân chỉ có 5 cent, ai phải bù lỗ? Chỉ tính riêng tiền điện phải bù lỗ 1 năm cho dự án điện phân nhôm ít nhất là 145 triệu USD/năm, nếu đúng cam kết 10 năm thì phải bù lỗ khoảng 1,2 tỉ USD (tính giá quy về hiện tại). Còn nếu tính đúng giá bán điện cho doanh nghiệp 12 cent/kWh, mỗi năm phải bù lỗ cho Công ty Trần Hồng Quân gần 400 triệu USD. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận