* Dư luận cho rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay mà Bộ xây dựng vẫn đề xuất Chính phủ bỏ ra hơn 11.000 tỷ để xây bảo tàng là không hợp lý?
- Trước hết phải hiểu rằng đấy không phải là đề xuất gì riêng của Bộ xây dựng.
Cái này cũng là chủ trương của chính phủ nhiệm kỳ trước, được sự thống nhất của nhiều đơn vị, bộ ngành liên quan chứ không phải là ý kiến riêng của một ai.
Bộ chỉ là một trong những đơn vị được giao công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng bảo tàng.
* Nhưng rõ ràng có việc Bộ gửi văn bản lên Thủ tướng "than" khó khăn về kinh phí?
- Bộ kêu không phải là kêu thiếu tiền để xây dựng bảo tàng mà là phản ảnh việc thiếu kinh phí để duy trì hoạt động các ban quản lý.
Hiện có hai ban quản lý là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) và Ban quản lý Nội dung trưng bày bảo tàng (thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch).
Việc thành lập các ban quản lý là điều phải làm để chuẩn bị các bước. Khi điều kiện cho phép, có kinh phí để xây dựng bảo tàng thì các công tác chuẩn bị đã sẵn sàng chứ không phải lúc đó mới bắt đầu lập các ban quản lý thì làm sao kịp được.
* Ông có thể nói rõ hơn về việc thiếu kinh phí nêu trên?
- Ví dụ như hiện nay riêng Ban quản lý nội dung trưng bày bảo tàng cán bộ nhân viên đang bị nợ tới 20 tháng lương và bảo hiểm chưa được chi trả.
Theo tôi được biết, hiện nay ban này phải chuyển nhân sự tạm về quản lý của Bảo tàng lịch sử quốc gia để duy trì hoạt động.
Còn bên ban quản lý dự án hiện tại không có kinh phí, đang phải nợ bộ máy nhân sự tới 4 tháng lương, bảo hiểm và các dịch vụ khác.
Bộ Xây dựng phải trưng dụng ban này để quản lý các chương trình, dự án nhỏ khác để lấy tiền nuôi nhau. Những việc như thế thì kinh phí thu được là rất thấp, không đủ để nuôi nhân viên.
Ban đã phải giảm biên chế, giảm chi tiêu chỉ còn khoảng 17 người. Tôi nói thật thiếu quá, nợ quá không chịu được nữa thì mới phải nói với Chính phủ chứ ai muốn.
Ngoài ra, có việc cần kíp hơn là khi các cán bộ thuộc ban quản lý về hưu, chuyển cơ quan thì không giải quyết được chế độ chi trả lương và thủ tục bảo hiểm.
Giờ đi khám chữa bệnh không được vì mã bảo hiểm bị cắt đi theo quy định bên ngành bảo hiểm.
* Hiện nay hoạt động của ban quản lý như thế nào?
- Anh em vẫn làm việc tại hiện trường. Ngày xưa chính dự án đã rậm rịch chuẩn bị khởi công rồi nhưng sau đó khó khăn về vốn nên tạm dừng lại.
Thậm chí đã xây dựng xong nhà điều hành tại công trường rồi. Hiện anh em vẫn ra vào làm việc tại khu nhà này.
Nhưng nói thật là trong tình cảnh không có tiền như thế này thì không làm được việc gì. Tôi nói là rất lãng phí, anh em đến đây rồi ngồi chơi.
* Quan điểm của ông thế nào về việc xây bảo tàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay?
Tôi nói ở trên rồi, cái này là chủ trương chung chứ không phải của riêng ai, việc xây bảo tàng là cần thiết. Khó khăn thì đúng là rất khó khăn, về tất cả mọi mặt.
Chính bản thân tôi cũng không đồng ý khởi công ngay thời điểm bây giờ. Nhưng câu chuyện chuẩn bị là tất yếu, bây giờ phải dành thời gian chuẩn bị cho nó.
Trước đó Bộ Xây dựng có văn bản gửi Thủ tướng "than" về tình trạng khó khăn, thiếu vốn để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng bảo tàng. Tại văn bản này Bộ xây dựng nêu rõ: "Mặc dù Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL nhiều lần có kiến nghị, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, kinh phí chuẩn bị đầu tư các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 vẫn không được bố trí". Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có tổng mức đầu tư gần 11.300 tỉ đồng, xây dựng tại ô đất số 7 khu đô thị mới tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng diện tích sử dụng gần 10ha, gồm bốn hạng mục xây dựng: tòa nhà chính, khu tưởng niệm danh nhân, khu trưng bày ngoài trời, hạng mục kỹ thuật phụ trợ - cây xanh - cảnh quan. Công trình được khởi động từ năm 2014 nhưng đến nay dẫm chân tại chỗ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận