Mô hình máy bay chở khách CR-929 - Ảnh chụp màn hình SCMP
"Một trong những lý do chính là Bắc Kinh hy vọng máy bay chở khách CR-929 sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng không của phương Tây", nguồn tin của báo South China Morning Post (SCMP) tiết lộ ngày 23-7.
Theo lý giải của vị này, để một chiếc máy bay phản lực thân rộng như CR-929 có thể bay đến Mỹ và châu Âu, cách tốt nhất là làm các cơ quan quản lý hàng không ở những nơi này cảm thấy yên tâm về mức độ an toàn của máy bay.
Để chiếm được niềm tin đó, Trung Quốc cho rằng chìa khóa nằm ở việc các thành phần quan trọng của máy bay CR-929 nên do công ty phương Tây cung cấp. Tuy nhiên người Nga lại cảm thấy khó chịu với lối suy nghĩ đó và kiên quyết phản đối, theo nguồn tin của SCMP.
Chẳng hạn Trung Quốc muốn sử dụng hệ thống đáp máy bay do Mỹ hoặc Đức sản xuất, nhưng Nga lại kiên quyết yêu cầu chiếc CR-929 phải sử dụng hệ thống của nước này.
Một ví dụ khác là động cơ CR-929. Hiện Trung Quốc đang xem xét đưa các công ty phương Tây như Rolls-Royce và General Electric vào cùng bất chấp mong muốn đóng góp của Nga.
“Phía Nga coi việc Trung Quốc sử dụng các thành phần của phương Tây chẳng khác nào việc giơ cờ trắng đầu hàng trong bối cảnh Nga đang đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây vì đưa quân vào Ukraine", nguồn tin của SCMP tiết lộ thêm.
Một nguồn tin khác thì cho biết bất đồng đến từ cách ăn chia lợi nhuận bán máy bay.
Trung Quốc muốn 100% lợi nhuận thu được tại nước này thuộc về mình, bù lại Nga sẽ được 70% lợi nhuận từ việc bán máy bay ở tất cả các nước còn lại.
Nhưng thị trường Trung Quốc lại có khả năng sinh lời cao hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác. Theo ước tính, thị trường này sẽ cần ít nhất 3.000 máy bay thân rộng trong các năm tới.
Ý tưởng thiết kế nội thất khoang thương gia trên CR-929 - Ảnh chụp màn hình Bloomberg
Điều đó có nghĩa là Nga có khả năng thu được ít lợi nhuận hơn, thậm chí có nguy cơ lỗ nếu CR-929 không xuất khẩu được cho nước nào khác ngoài Nga và Trung Quốc.
"Người Nga nhận ra một điều là bên ngoài Trung Quốc, CR-929 rất khó thu hút khách hàng tiềm năng khi bị đặt lên bàn cân với đối thủ cạnh tranh như Boeing và Airbus".
Ngoài SCMP, một số chỉ dấu trên truyền thông Nga cũng cho thấy Matxcơva sắp rút khỏi dự án CR-929.
Hồi tháng trước, Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov mô tả Trung Quốc đang ngày càng ít quan tâm đến các nguyện vọng và lợi ích của Nga trong dự án. "Sự tham gia của Nga trong dự án ngày càng giảm dần", ông Borisov nói nhưng từ chối khi được hỏi về tương lai của dự án.
Nếu Nga rút hoàn toàn, Trung Quốc sẽ bổ sung CR-929 vào danh sách các máy bay chở khách dân dụng chế tạo nội địa.
CR-929-600 là một máy bay phản lực chở khách tầm xa 280 chỗ. Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) và Tập đoàn United Aircraft của Nga bắt tay khởi động dự án vào năm 2017 với tham vọng thách thức Boeing và Airbus.
Trước CR-929-600, Trung Quốc đã khởi động dự án máy bay chở khách thân hẹp C919. Tuy nhiên dự án nhằm cạnh tranh với Boeing 737 MAX và Airbus 320neo này cũng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ việc Mỹ siết chặt kiểm soát xuất khẩu các thành phần sang Trung Quốc.
Trong thông báo ngày 23-7, COMAC khẳng định dự án đang tiến triển tốt và máy bay sắp nhận được các chứng chỉ an toàn cần thiết từ Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận