Dự án mang tên "Nâng cao hiệu quả công tác can thiệp, trợ giúp cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP.HCM". Được Tổ chức Blue Dragon viện trợ, dự án thực hiện tại TP.HCM từ tháng 7-2024 đến 24-10-2028.
Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM Phạm Đình Nghinh cho biết dự án chăm sóc, bảo vệ trẻ em có nhiều hoạt động hướng đến tiếp nhận, hỗ trợ tâm lý, giúp trẻ trở lại trường học cũng như hỗ trợ trẻ chăm sóc sức khỏe, có môi trường sống an toàn, lành mạnh. Cùng với đó là tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho nhóm trẻ từ 15 tuổi; tập huấn kỹ năng cho cha mẹ và người chăm sóc để đồng hành cùng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Dự án cũng hỗ trợ kết nối, nâng cao năng lực cho mạng lưới trẻ em ở các cơ sở, tăng cường nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Ngoài ra còn hỗ trợ sinh viên các trường đại học, cao đẳng có cơ hội trải nghiệm, thực hành nghề công tác xã hội.
Ông Võ Sĩ, phó bí thư Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, nhận định dù có thành quả đáng khích lệ nâng cao chất lượng đời sống người dân, đặc biệt là trẻ em, song TP.HCM vẫn đối diện nhiều thách thức. TP vẫn còn trẻ phải sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần.
Theo ông, dự án này ra đời là một trong những nỗ lực của chính quyền TP phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức xã hội góp phần từng bước hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác can thiệp, trợ giúp đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, không để trẻ em nào bị bỏ lại. Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả thiết thực, giúp đỡ và thay đổi cuộc sống của trẻ em, thanh thiếu niên mà dự án hướng đến hỗ trợ.
Cảnh giác tội phạm mua bán trẻ em
Bên cạnh tình trạng trẻ bị bạo hành, đời sống thiếu thốn, TP.HCM rất quan tâm đến vấn nạn mua bán trẻ em. Phó đội trưởng Đội 5 - Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM) Phạm Thành Trung thông tin trong năm 2024, Công an TP.HCM đã triệt phá hai vụ án lớn về hành vi mua bán trẻ em ở 36 tỉnh, thành cả nước.
Tội phạm mua bán trẻ em thường lợi dụng kẽ hở để hoạt động trên không gian mạng với việc đóng giả người hiếm muộn cần nhận nuôi trẻ, hoặc giả làm người không có khả năng nuôi trẻ nên muốn cho nhưng thực chất là bán cho người có nhu cầu thật sự để hưởng lợi bất chính.
Ngoài ra, có đối tượng phạm tội còn lợi dụng việc nhận nuôi trẻ, làm giả giấy tờ để trốn tránh thi hành án về tội mua bán trái phép chất ma túy.
"Lực lượng Công an TP.HCM đã tập trung giải quyết các vụ mua bán trẻ em, đồng thời luôn phòng ngừa, đấu tranh trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em" - ông Trung phát biểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận