Drone Trung Quốc và cuộc chiến Nga - Ukraine

TRÚC ANH 10/05/2022 19:05 GMT+7

TTCT - Những thiết bị bay không người lái thương mại cỡ nhỏ đã trở thành một trong những thứ vũ khí đáng kể trong cuộc chiến tại Ukraine, và nhà sản xuất Trung Quốc của chúng hoàn toàn không vui vì điều đó.

Ngày 5-4, Back And Alive - tổ chức phi lợi nhuận chuyên kêu gọi quyên góp đạn dược, vũ khí và các trang thiết bị cần thiết khác cho quân đội Ukraine - thông báo trên Facebook 600 phương tiện, thiết bị vừa được bàn giao, trong đó có 24 chiếc quadcopter (thiết bị bay không người lái bốn cánh) dòng Mavic của DJI, nhà sản xuất drone thương mại lớn nhất thế giới (chiếm 70% thị phần).

 
 Lô drone DJI Mavic được Back and Live chuyển cho Ukraine ngày 5-4. -Ảnh: Facebook Back and Alive

Ngay từ những ngày đầu chiến cuộc, những chiếc drone dạng này đã hoạt động tích cực trên bầu trời Ukraine, được cả 2 phía sử dụng với vai trò trinh sát trên không, dẫn đường cho hỏa lực... 

Một quan chức quân sự Ukraine nói với trang CNET vào hạ tuần tháng 4 nước này đang dùng khoảng 1.000 drone trong cuộc chiến. “Nhiều cái trong đó chỉ là đồ chơi, nhưng chúng tôi phải dùng tất cả những gì mình có” - nguồn tin giấu tên cho biết.

Có được tầm nhìn từ trên cao luôn mang lại lợi thế cho các bên trong chiến cuộc. Giờ thì chỉ cần một chiếc DJI Mavic Mini 2 nhỏ gọn, nặng 250g và khi gấp lại dài chưa đến 1 gang tay, giá chưa đến 500 USD, là đã có được “thiên nhãn”. Theo AP, Ukraine đã dùng drone của DJI để phát hiện và theo dõi các đoàn xe của Nga, trong khi hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy lực lượng Nga cũng dùng thiết bị của DJI để trinh sát trên không và theo dõi từ trên cao trong các đợt tấn công. 

Trả lời phỏng vấn Euromaidan Press, phi công điều khiển drone quân sự Ukraine Oleh Sobchenko xác nhận những tình nguyện viên điều khiển drone đã thực hiện đa số các vụ tìm mục tiêu và chỉ đường cho pháo kích.

DJI, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), không muốn sản phẩm không dành cho mục đích quân sự của mình lại dính đến chiến tranh. Ngày 27-4, công ty thông báo tạm dừng kinh doanh ở cả Nga lẫn Ukraine. 

Người phát ngôn Adam Lisberg nói thêm với trang The Verge rằng động thái của công ty này là nhằm bảo đảm “không ai có thể dùng drone của chúng tôi trong chiến đấu”.

Drone và phản drone

DJI trước đó không tham gia làn sóng ngừng hoạt động ở Nga, cũng không đưa ra phát ngôn chính thức nào liên quan đến chiến cuộc. Thông báo ngày 27-4 của công ty cũng nhấn mạnh việc tạm dừng kinh doanh ở Nga và Ukraine “không phải để đưa ra tuyên bố về bất kỳ quốc gia nào, mà là tuyên bố về các nguyên tắc của [công ty]”.

Động thái này được đưa ra sau khi DJI bị Ukraine cáo buộc “nhất bên trọng, nhất bên khinh” đối với 2 quốc gia ở hai bên chiến tuyến. Thật ra cáo buộc này không liên quan đến drone của DJI mà là mạng lưới phát hiện drone của hãng, gọi là AeroScope. Hệ thống này được thiết kế nhằm nhận dạng và theo dõi drone của DJI cùng người điều khiển chúng.

Theo phía Ukraine, cả 2 bên đều dùng AeroScopes, nhưng các hệ thống của Ukraine thì hoạt động không ổn định, có cái bật không lên, trong khi Nga lại có thể dùng chính hệ thống AeroScope để tìm drone của Ukraine và tiêu diệt cả thiết bị lẫn người điều khiển trên mặt đất. Ukraine cho rằng lỗi kỹ thuật trong hệ thống AeroScope của nước này là hành vi cố ý từ nhà sản xuất. DJI phủ nhận các cáo buộc này.

Nói thêm về AeroScope. Mỗi hệ thống gồm 2 phần: (1) tín hiệu phát tự động từ mỗi chiếc DJI drone, cung cấp dữ liệu về vị trí, độ cao, tốc độ, hướng, số sêri và vị trí của người điều khiển và (2) các bộ thu (receiver) cố định hoặc xách tay, có thể nhận những tín hiệu đó từ khoảng cách tới 50km. 

 
 Hệ thống Aeroscope. Ảnh: DJI

AeroScope được thiết kế nhằm mục đích bảo đảm an ninh công cộng, chẳng hạn giúp nhà chức trách phát hiện kịp thời (và truy được vị trí người điều khiển) nếu một chiếc drone có ý đồ xấu đến gần sân bay, sân vận động đầy người hay một buổi mittinh chính trị.

Ngay cả trong tình huống bình thường, không phải giữa chiến tranh, cơ chế phát hiện drone này cũng có vẻ đầy rủi ro: kẻ xấu có thể bằng cách nào đó chiếm được quyền kiểm soát bộ thu chuyên dụng và làm hại người điều khiển. Chính vì thế DJI khẳng định chỉ bán hệ thống AeroScope cho các cơ quan công quyền hay đơn vị an ninh hợp lệ, theo The Verge.

Điều DJI không ngờ là khi xảy ra chiến cuộc, cơ chế này lại có thể bị lợi dụng. Chỉ cần giải mã được tín hiệu là có thông tin “chỉ điểm” ngay về người điều khiển drone. 

Và chuyện này hoàn toàn không khó: tín hiệu do drone phát đi không được mã hóa, vì thế có thể bị các bộ thu khác “bắt” được, không cứ phải do DJI cung cấp. The Verge cho biết DJI đã hai lần khẳng định tín hiệu có mã hóa, trước khi thừa nhận sự thật là không có mã hóa gì.

 
 Ảnh minh họa: Reuters

DJI có thể làm gì?

The Verge đã trao đổi với Adam Lisberg, chuyên gia drone David Kovar, Brandon Lugo, giám đốc vận hành Aerial Armor, một nhà phân phối Aeroscope lớn ở Mỹ, Taras Troiak, đại lý DJI ở Ukraine và tổng hợp thành một bài hỏi - đáp liên quan đến DJI và AeroScope tại Ukraine.

Troiak, người đồng thời là quản lý câu lạc bộ những người sở hữu thiết bị bay không người lái Ukraine với hơn 15.000 thành viên, nói rằng vài người điều khiển drone đã bị Nga phát hiện và tiêu diệt thông qua AeroScope. Thông tin tương tự cũng lan truyền trên mạng xã hội, song theo The Verge, chưa có báo cáo chính thức nào xác nhận đã có chuyện như thế xảy ra.

Về cáo buộc DJI vô hiệu hóa hay làm suy yếu bộ thu tín hiệu trong hệ thống AeroScope của Ukraine, The Verge cũng cho rằng không có bằng chứng nào chắc chắn. DJI thừa nhận một vài bộ thu bị tắt nguồn, nhưng phủ nhận mình có liên quan. Liberg nói có thể là do mạng sập hay cúp điện. Cả Troiak và Lisberg đều khẳng định DJI đã giúp khởi động lại các bộ thu gặp trục trặc kỹ thuật cho Ukraine.

Vì cả hai phía đều sử dụng AeroScope, điều mà Ukraine muốn lúc này không phải là DJI vô hiệu hóa toàn bộ các đầu thu AeroScope, mà là cung cấp thông tin (nơi mua, vị trí…) về tất cả các drone của hãng ở Ukraine, từ đó chặn hoạt động của các drone đến từ Nga, Syria và Lebanon. Vấn đề là nhà sản xuất Trung Quốc này “không có cách nào để theo dõi vị trí của AeroScope”, theo lời Lisberg.

The Verge đặt vấn đề DJI có thể thiết lập vùng cấm bay với drone của hãng trên không phận Ukraine để phần nào “vô can” trong chiến cuộc. Lisberg cho rằng điều này là khả thi nhưng không có hiệu quả thực tế. 

Theo đó, DJI có thể dựng một hàng rào ảo geofence (kết hợp dữ liệu từ GPS, WiFi, công nghệ nhận dạng qua tần số vô tuyến và phần mềm của drone để ngăn thiết bị hoạt động ở một số khu vực nhất định) trên vùng trời Ukraine, nhưng người điều khiển drone từ cả hai phía đều có thể dễ dàng lách rào cản này bằng cách không cài đặt phần cập nhật phần mềm mới nhất cho thiết bị, hoặc can thiệp vào phần mềm điều khiển.

Chuyên gia drone Kovar cho rằng AeroScope không hề được thiết kế để phục vụ chiến tranh. Trong bối cảnh bình thường, việc cơ quan thực thi pháp luật có công cụ để bảo vệ hạ tầng trọng yếu khỏi bị drone tấn công là một ý tưởng xuất sắc; nó chỉ tệ trong bối cảnh chiến tranh. 

Theo Kovar, đây chỉ là một trường hợp công nghệ bị sử dụng theo cách hoàn toàn bất ngờ và để lại hậu quả khôn lường cho chủ sở hữu, như cách Toyota bỗng dưng gắn liền với hình ảnh của quân nổi dậy, vốn ưa thích lắp súng máy trên thùng xe bán tải của hãng, hay xe ủi của hãng Caterpillar được dùng để phá hủy các khu định cư ở Bờ Tây.

Lisberg cũng muốn nhấn mạnh rằng một công nghệ như AeroScope trước sau gì cũng phải xuất hiện. Nếu hãng không tự làm thì cũng sẽ có một chính phủ nào đó đặt hàng, bởi nhu cầu phát hiện drone là có thật.

Chẳng nói đâu xa, Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) đã ra quy định về nhận dạng từ xa (Remote ID), yêu cầu tất cả người điều khiển drone phải trang bị tính năng để thiết bị của họ cung cấp thông tin nhận dạng và vị trí có thể được bên thứ ba nhận được khi đang bay, bắt đầu từ giữa tháng 9-2023. 

Lúc đấy chắc chắn sẽ lại có tranh luận về việc ai và cái gì có thể phát hiện drone và người điều khiển chúng, ngay trong bối cảnh phi chiến tranh.■

Không chỉ có drone của DJI ở Ukraine. “Chao lượn trên bầu trời Ukraine là hàng trăm thiết bị bay không người lái nhỏ từ các công ty khởi nghiệp của Hoa Kỳ để tìm kiếm người sống sót trong các thành phố bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và nơi ẩn náu của Nga giữa cảnh hoang tàn” - tờ Wall Street Journal ngày 22-4 viết.

 
 Máy bay không người lái Baykar Tech Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc tập trận của quân đội Ukraine năm 2021. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra còn có các drone quân sự chính hiệu như Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, được Ukraine dùng để tiêu diệt các phương tiện tiếp tế, xe tăng và bệ phóng tên lửa đất đối không của Nga. Mỹ cũng đang gửi hàng trăm drone “cảm tử” Switchblade, mang đầu đạn phá hủy xe tăng, đến để hỗ trợ Ukraine. Trong khi đó, Nga được cho là đã triển khai KUB-BLA, dòng drone sát thủ được trang bị trí tuệ nhân tạo để phát hiện và nhận dạng mục tiêu, tại chiến trường.

Theo CNET, các nhà sản xuất drone khác của Mỹ cũng đang cung cấp thiết bị cho Ukraine nhằm mục đích nhân đạo: Draganfly bán 10 chiếc và tặng thêm 3 chiếc drone chuyên vận chuyển máu, vắc xin, thuốc men; Aquiline Drones tặng 40 chiếc drone tìm kiếm và cứu hộ Spartacus Hurricane; và Skydio tài trợ hàng chục drone để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ và nhân đạo ở Ukraine.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận