Trên những cánh đồng lúa ở Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang... không khó để bắt gặp cảnh người dân điều khiển drone rải phân, phun xịt thuốc trên đồng.
Đâu phải muốn bay là bay!
Ông Lê Thanh Tòng - nông dân ở xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) - cho biết hai năm trở lại đây, người dân địa phương sử dụng drone để rải phân, phun thuốc trên đồng nhiều.
"Cách làm này cùng với việc áp dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp được tôi và bà con ở đây áp dụng nhiều. Điều đó mang lại nhiều lợi ích như giảm được thời gian, nhân công, chi phí sản xuất, giảm ảnh hưởng sức khỏe và góp phần nâng cao lợi nhuận kinh tế", ông Tòng nói.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Quí - chủ cơ sở vật tư nông nghiệp Phước Thành (ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp) - cho rằng việc sử dụng drone để rải phân, phun xịt thuốc hiện nay rất tiện lợi và được người dân địa phương ưa chuộng.
Nhiều người đã đến cửa hàng của ông Quí mua drone về phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi đó ông Quí cung cấp thông tin đầy đủ như khi mua drone phải có giấy phép bay, thành thạo kỹ thuật bay và điều khiển máy bay không người lái.
"Chúng tôi có một tổ kỹ thuật chuyên hỗ trợ cách thức bay để người mua máy bay biết cách sử dụng, bay thành thạo phục vụ sản xuất nông nghiệp", ông Quí nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Trường Minh - người sở hữu drone để làm nông ở Hậu Giang - chia sẻ thêm kinh nghiệm: "Tôi cũng biết khi bay cần có giấy phép bay.
Do địa hình, địa thế ở ruộng nhiều chỗ khác nhau nên tổ bay của tôi lúc nào cũng có 2-3 người. Một người điều khiển máy bay, người quan sát. Khi cất cánh hay đáp xuống, tôi đều ra hiệu để người dân không lại gần (khoảng cách ít nhất 5m) để đảm bảo an toàn".
Cần quản lý chặt hơn
Ông Trương Gia Đông - người dân xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) - cho hay cách đây ba năm khi chuyện drone còn mới, chưa được ứng dụng nhiều thì ông đã mua về dùng và làm thuê kiếm thêm tiền.
"Hiện tôi có hai drone chuyên dịch vụ rải phân, xịt thuốc, sạ lúa cho nông dân trong và ngoài huyện. Tôi có máy đầu tiên ở khu vực này, lúc đó hầu như chưa ai biết tới drone.
Mua máy xong, bên công ty có nhân viên hướng dẫn kỹ thuật, rồi tôi về tự thực hành bay thử trên đồng ruộng. Muốn vận hành được drone phải đăng ký với huyện Tri Tôn và bên quân đội cấp sóng mới bay được", ông Đông nói.
Một lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết thêm tính đến tháng 6-2024 toàn tỉnh có khoảng 240 drone dùng trong nông nghiệp.
Về quản lý nhà nước, các chủ drone trước khi hoạt động phải đăng ký với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.
"Trước đây Trung tâm Khuyến nông quốc gia có tập huấn cho các trung tâm khuyến nông cấp tỉnh về vận hành drone. Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định người dùng drone phun xịt thuốc trên đồng phải có chứng nhận đã học qua lớp tập huấn drone mới được bay", một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp nói thêm.
Còn một lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho rằng qua vụ tai nạn vừa rồi đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý drone.
Ngoài việc khuyến cáo người điều khiển thiết bị drone phục vụ sản xuất nông nghiệp cần có đầy đủ giấy tờ, đăng ký giấy phép bay, kỹ thuật bay an toàn, quan sát kỹ, chúng tôi cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền cần có giải pháp quản lý phù hợp để tránh trường hợp rủi ro xảy ra.
Phải đăng ký khi sử dụng drone
Sáng 27-11 với 449/449 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (bằng 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết), Quốc hội đã thông qua Luật Phòng không nhân dân.
Đáng chú ý luật mới đã quy định rõ việc quản lý drone, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không.
Theo đó drone, phương tiện bay khác phải được đăng ký trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. Việc cấp phép bay phải phù hợp với thông số kỹ thuật, mục đích sử dụng của drone, phương tiện bay khác, khả năng quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay và bảo đảm về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn hàng không và lợi ích công cộng.
Thẩm quyền cấp phép bay được quy định cụ thể Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay. Bộ Công an cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với drone, phương tiện bay khác của Bộ Công an và thông báo đến Bộ Quốc phòng để phối hợp quản lý.
Luật mới cũng quy định rõ việc chế áp, tạm giữ drone, phương tiện bay khác. Các trường hợp cụ thể là bay khi chưa được cấp phép bay; bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay khi chưa được phép; không tuân thủ yêu cầu đình chỉ bay quy định tại luật này.
Xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay dân dụng, máy bay quân sự.
Sử dụng drone, phương tiện bay khác tuyên truyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Sử dụng drone, phương tiện bay khác mang theo thiết bị, vũ khí, vật liệu nổ, các chất cấm, vận chuyển hàng hóa trái pháp luật.
Hai tai nạn từ drone
Trước đó báo Tuổi Trẻ đưa tin khoảng 17h ngày 13-10, một drone được cho là dùng để phun thuốc trừ sâu đã va vào dây dẫn trụ của đường dây 110kV Cai Lậy - Tân Thạnh (Long An).
Sự cố này làm mất điện đường dây 110kV Cai Lậy - Tân Thạnh và hai trạm biến áp 110kV ở huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng (Long An) khiến 76.000 hộ dân, đơn vị tại các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường bị mất điện.
Nghiêm trọng hơn, khoảng 7h ngày 20-11 một drone đang phun xịt thuốc ở ấp Hiệp Trung (xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) đụng trúng ông B.V.T. đang trên đường lái xe về nhà. Sự việc khiến ông T. bị cánh quạt máy bay chém gây thương tích nặng, dẫn đến tử vong ngày 21-11.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận