Sự kiện biểu diễn nghệ thuật ánh sáng bằng máy bay không người lái (drone) thu hút hàng ngàn người dân địa phương và du khách chăm chú theo dõi.
Lần đầu Cần Giờ trình diễn nghệ thuật ánh sáng
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - nói với Tuổi Trẻ Online màn biểu diễn nghệ thuật ánh sáng bằng drone là điểm mới của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm nay sau khi cắt giảm nhiều hoạt động nghệ thuật theo chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc giảm quy mô, tần suất, tạm hoãn tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Bắc.
Trình diễn máy bay không người lái (drone) là hoạt động mới mẻ đối với người dân Cần Giờ.
Do thời tiết không thuận lợi, màn biểu diễn nghệ thuật ánh sáng này diễn ra trễ hơn so với thời gian dự kiến ban đầu.
Theo đó, 250 máy bay không người lái được điều khiển tạo hình, tái hiện những hình ảnh đặc trưng của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, Lăng Ông Thủy Tướng, hình ảnh về sự phát triển của Cần Giờ.
Người xem thích thú, trầm trồ khen với màn tạo hình, tạo chữ Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, cá Ông, phà Bình Khánh, đi cà kheo đá bóng, cầu Cần Giờ trong tương lai…
"Tôi mong muốn thông qua hoạt động này tạo nên hình ảnh nổi bật, điểm nhấn của Lễ hội Nghinh Ông.
Lễ hội Nghinh Ông là nét văn hóa đặc trưng của Cần Giờ, được người dân gọi thân thương là Tết biển.
Ở Cần Giờ có câu 'ăn chơi quanh năm không bằng rằm tháng tám', để nói về Tết biển.
Đến ngày này, người dân quây quần bên nhau, gặp gỡ, vui chơi" - ông Nguyễn Ngọc Xuân chia sẻ.
Thả đèn hoa đăng trên biển
Thả đèn hoa đăng trên biển là điểm nhấn của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, cũng là điểm riêng của Cần Giờ những nơi khác không có.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân, thả đèn hoa đăng trên biển được thực hiện cách đây hơn 20 năm và duy trì đến nay. Đây được xem là một trong những hoạt động truyền thống không thể thiếu trong Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ.
Ông Phan Văn Chấn - vạn phó Hội Vạn lạch thị trấn Cần Thạnh - nói với Tuổi Trẻ Online rằng thả đèn trên biển không phải đơn giản bởi sóng, gió biển.
Đèn hoa đăng thả trên biển được thiết kế đặc biệt hơn sau nhiều lần thất bại. Đó là thiết kế để đảm bảo đèn hoa đăng không bị lật, đèn không bị tắt, dầu giúp đèn cháy trong thời gian dài.
"Đặc biệt hơn, ban tổ chức canh thủy triều lên, sự giao nhau các dòng nước tạo nên vệt nước ven bãi biển.
Khi thả hoa đăng đúng vào vệt nước đó sẽ tạo thành một đường dài trên biển rất đẹp. Khi thủy triều càng lớn, dòng đèn đó cuốn vào phía trước Lăng Ông Thủy Tướng tạo nên cảnh lung linh, huyền diệu" - ông Nguyễn Ngọc Xuân cho biết.
Theo ban tổ chức, mỗi năm thả 1.000 đèn hoa đăng vào đêm 15 tháng tám âm lịch, cầu cho mưa thuận gió hòa, tưởng nhớ những người đã mất trên biển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận