Các bác sĩ Nhật Bản chẩn đoán Ngọc Dũng bị rung tâm thất dẫn đến rối loạn nhịp. Theo đó, tim của anh không thể bơm máu dẫn đến ngưng tim đột ngột và tụ máu. Trong khi đó, cựu cầu thủ SLNA Lê Thành Lâm cho biết từ trước đến nay trong lúc tập luyện và thi đấu, Ngọc Dũng không có dấu hiệu hay biểu hiện của bệnh tim.
Ít CLB chú trọng kiểm tra sức khỏe
Điều 39 quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2023) về trình tự, thủ tục đăng ký tham dự giải quy định: "Giấy khám sức khỏe của từng cầu thủ (bao gồm cả chụp chiếu lồng ngực) do bệnh viện đa khoa từ cấp quận, huyện hoặc tương đương trở lên xác nhận đủ sức khỏe để tập luyện, thi đấu bóng đá".
Không chỉ dành cho các CLB chuyên nghiệp, quy định này cũng được áp dụng ở cả các giải đấu trẻ quốc gia. Tuy nhiên, thực hiện nghiêm túc việc khám sức khỏe tổng quát hay khám chuyên sâu cho các cầu thủ lại tùy thuộc vào mức độ tự giác của các CLB. Bởi có giấy xác nhận đủ sức khỏe thi đấu là chuyện khá đơn giản, cho dù cầu thủ đó đang bị chấn thương.
HLV Nguyễn Quốc Trung (Trung tâm thể thao PVF) cho biết: "6 tháng 1 lần, chúng tôi đều có đợt kiểm tra sức khỏe tổng quát cho các cầu thủ chứ không đợi đến khi tham dự giải đấu nào thì mới cho cầu thủ đi khám". Ông Đinh Hồng Vinh - giám đốc Học viện bóng đá Bình Minh Group (Học viện Juventus) - chia sẻ: "Hằng năm, cầu thủ của chúng tôi được kiểm tra sức khỏe 6 tháng và 1 năm/lần. Học viện thường xuyên phối hợp cùng bệnh viện ở TP.HCM khám cho học viên trước từng giải đấu, nhất là tim mạch, huyết áp và cấp giấy chứng nhận để đủ điều kiện tham gia các giải đấu do VFF điều hành".
Các CLB chuyên nghiệp khác đa số chỉ khám sức khỏe cầu thủ định kỳ 1 lần/năm. Các đội trẻ cử đi dự giải trẻ quốc gia cũng chỉ khám để hoàn tất hồ sơ đăng ký.
Không thể lơ là
Trước V-League 2023, tiền vệ trẻ Nguyễn Thanh Khôi khám sức khỏe tổng quát đạt, đủ điều kiện thi đấu khi cùng các cầu thủ TP.HCM đi khám ở Bệnh viện Vạn Hạnh. Tuy nhiên, sau khi test gắng sức, Thanh Khôi lại có vấn đề. Do đó, CLB TP.HCM đã đưa anh đi khám chuyên sâu về tim mạch để kiểm tra. May mà không có vấn đề gì.
Nhưng không phải CLB chuyên nghiệp nào ở Việt Nam hay các đội trẻ ở các địa phương cũng kỹ như thế. Thông thường, các cầu thủ chỉ khám sức khỏe tổng quát, đạt tiêu chuẩn là ổn chứ không cần phải làm thêm bài test gắng sức (thường cho bệnh nhân đi bộ trên thảm lăn hoặc máy đạp xe tại chỗ có gắn thêm thiết bị đo nhịp tim, huyết áp và nhịp thở) để có thể phát hiện những bệnh lý rối loạn tim.
Điều này cũng từng được các bác sĩ thể thao Việt Nam lên tiếng nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. "Với thể thao Việt Nam, trước mỗi giải đấu, ban tổ chức kiểm soát tình trạng sức khỏe của VĐV bằng tấm giấy khám sức khỏe của các bệnh viện. Nhiều môn nhiều đội (nhất là các địa phương) mới chỉ đang áp dụng chế độ khám sức khỏe thông thường. Đó chính là sơ hở lớn nhất trong lĩnh vực y học thể thao, làm giảm đáng kể khả năng quản lý, kiểm soát và đề phòng nguy cơ chấn thương, thậm chí là đột quỵ với các VĐV", một bác sĩ ở Bệnh viện Thể thao Việt Nam chia sẻ.
Câu chuyện của cựu đội trưởng U21 SLNA Trần Ngọc Dũng là ví dụ cho điều đó. Anh khám sức khỏe tổng quát cho kết quả bình thường, cũng không có biểu hiện gì về bệnh tim. Thế nhưng chuyện đau lòng lại xảy ra khi anh thi đấu 1 trận bóng đá phong trào ở Nhật Bản.
Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ SLNA Nguyễn Đình Nghĩa chia sẻ: "CLB thường xuyên tổ chức khám sức khỏe cho các cầu thủ trước mỗi giải đấu. Trường hợp của hậu vệ Trần Ngọc Dũng ở Nhật Bản là rất đáng tiếc khi em gặp nạn trong lúc thi đấu. Trước đây ở đội bóng, Ngọc Dũng không có vấn đề về sức khỏe. Cậu ấy bị đứt dây chằng và từng mổ ở Bệnh viện 108".
Bác sĩ Trương Công Dũng - từng làm việc ở đội tuyển U20 Việt Nam dự World Cup U20 2017 tại Hàn Quốc - cho biết để có thể kiểm tra tim có vấn đề hay không cần phải làm xét nghiệm chuyên sâu, khám sức khỏe đơn thuần rất khó để cho kết quả chính xác.
Bác sĩ Dũng nói: "FIFA thậm chí bắt siêu âm tim qua 12 chuyển đạo, tức là 12 loại tín hiệu của tim. Chúng tôi cũng phát hiện nhiều cầu thủ có bất thường ở tim.
Theo các chuyên gia tim mạch, các bất thường này thường gặp ở cầu thủ vì họ hoạt động ở cường độ cao. Cầu thủ chuyên nghiệp nhịp tim chậm hơn người bình thường, trên dưới 50 nhịp. Có nhiều lý do ảnh hưởng đến nhịp tim như mất nước, nhiệt độ thay đổi, hoạt động cường độ cao...".
Trần Ngọc Dũng sinh năm 2003, cùng lứa với Hồ Văn Cường, Đinh Xuân Tiến. Hậu vệ trái cao 1,84m này từng được đánh giá là cầu thủ tiềm năng của lò đào tạo SLNA, nhưng phải giải nghệ sớm sau khi bị đứt dây chằng ở Giải U19 quốc gia.
Ngọc Dũng sang Nhật Bản tham dự giải bóng đá FAJIVA do Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản tổ chức ở thành phố Saitama, tháng 12-2023. Vừa thi đấu được ít phút, Ngọc Dũng cảm thấy khó thở. Sau đó trên đường đi ra sân, anh đổ gục và bất tỉnh. Anh may mắn được cấp cứu kịp thời ở bệnh viện thành phố Saitama nên qua cơn nguy kịch. Ngọc Dũng điều trị ở Nhật Bản trong gần 2 tháng qua với tiền viện phí lên đến 3 tỉ đồng và chưa thể về Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận