31/07/2012 15:00 GMT+7

Đột quỵ não và những điều cần biết

Nguồn: Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng - Bệnh viện nhân dân 115
Nguồn: Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng - Bệnh viện nhân dân 115

Tin dịch vụ - Người nhà không được tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tử vong do đột quỵ đứng hàng thứ hai chỉ sau bệnh tim. Bệnh nhân đột quỵ cho dù thoát khỏi tử vong thì vẫn bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động…

Đa số bệnh nhân và gia đình không nhận biết được cơn đột quỵ đang xảy ra

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi một phần của não bộ bị tổn thương vì mất đi nguồn nuôi dưỡng. Nguyên nhân là do dòng máu đang chuyên chở oxy và các chất dinh dưỡng khác cho não bị tắc nghẽn (gây thiếu máu não) hoặc do mạch máu bị vỡ đột ngột (gây xuất huyết hay chảy máu trong não).

Khi dòng máu không thể đi đến não, các tế bào não sẽ ở trong tình trạng thiếu máu, không thể hoạt động, sau đó bị hoại tử và chết đi nếu như sự cung cấp máu cho não không được phục hồi. Đột quỵ bao gồm hai thể chính: Thiếu máu não và xuất huyết não, tùy thuộc vào việc mạch máu bị tắc nghẽn hay bị vỡ gây chảy máu.

Tuổi càng lớn nguy cơ đột quỵ càng cao nhưng những năm gần đây, độ tuổi bị đột quỵ đang trẻ hóa dần, từ 40 - 45 tuổi so với ngoài 60 tuổi như trước đây. Những người có khả năng bị đột quỵ cao: Tiền sử trong gia đình có người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc bị cơn máu não thoáng qua; giới tính (nam giới bị nhiều hơn nữ giới); tăng huyết áp (là yếu tố có vai trò quan trọng nhất); tăng cholesterol trong máu; béo phì; nghiện rượu; hút thuốc lá; đái tháo đường; rung nhĩ; sử dụng thuốc ngừa thai… Bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều các yếu tố nguy cơ trên và càng nhiều các yếu tố nguy cơ, khả năng mắc phải đột quỵ càng cao.

Những dấu hiệu của người bị đột quỵ:

- Đột quỵ sẽ làm cho chúng ta có cảm giác tê tay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (thường xảy ra ở một bên của cơ thể).- Đột ngột không nói được, giọng nói hay bị thay đổi (nói ngọng, khó nghe) hoặc bệnh nhân nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.- Đột ngột nhức đầu dữ dội.- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn, có thể đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào ở trên.

Đa số bệnh nhân và gia đình không nhận biết được cơn đột quỵ đang xảy ra, hoặc không biết là cần cấp cứu ngay khi bệnh khởi phát dẫn đến mất nhiều thời gian cho việc cứu chữa. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ chúng ta cần bình tĩnh liên hệ với trung tâm cấp cứu hoặc bệnh viện gần nhất, nơi có trang bị phương tiện điều trị bệnh tai biến mạch máu não.

Không tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Trong khi chờ xe cấp cứu, người nhà cần để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn ói cần để đầu nghiêng sang một bên, lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân co giật, cũng cần để bệnh nhân nằm nghiêng, đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi bằng cách dùng khăn vải quấn quanh một chiếc đũa hay cán thìa đặt giữa hai hàm răng của bệnh nhân. Không tự ý sử dụng các thuốc hạ áp nhỏ dưới lưỡi vì có thể gây tụt huyết áp và làm giảm lưu lượng máu lên não, đặc biệt không sử dụng những loại thuốc không rõ tác dụng và nguồn gốc.

Giảm nguy cơ bị đột quỵ

Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng – Khoa đột quỵ (Bệnh viện nhân dân 115), cho biết có nhiều cách để có thể làm giảm nguy cơ bị đột quỵ. Trong đó quan trong nhất là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và thay đổi chế độ sống phù hợp:

- Phát hiện bệnh cao áp huyết sớm và kiểm soát cao áp huyết tốt, nhất là ở những người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình cao áp huyết và bệnh tim mạch. - Giảm cholesterol trong máu bằng chế độ ăn ít chất béo, giảm muối, ăn nhiều rau và các loại trái cây. - Phát hiện và điều trị tiểu đường sớm, cần duy trì hàm lượng đường trong máu ở giới hạn bình thường. - Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, không dùng các chất kích thích hoặc ma túy. - Thường xuyên vận động và tập luyện thể thao, kiểm tra sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần), biết cách giải tỏa các áp lực trong công việc, tạo một cuộc sống lành mạnh bên người thân và gia đình. - Tránh trạng thái căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh, mất ngủ, táo bón (đặc biệt với người già). - Tránh vận động thể lực quá mức như mang vác nặng, chơi thể thao quá sức.

0gXNK0O7.jpg

Người bệnh đang trong quá trình điều trị cần phải có chế độ chăm sóc, sinh hoạt và luyện tập riêng: Trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân chưa tự vận động được, người nhà phải giúp bệnh nhân vận động sớm, thay đổi tư thế thường xuyên để tránh bị lở loét da. Việc sử dụng các loại nệm hơi chống loét cũng rất hữu ích trong việc phòng ngừa tình trạng loét do tì đè đối với các bệnh nhân bị liệt nặng.

Cần giữ vệ sinh thật tốt, đặc biệt là các vùng da ở mông, lưng, hông, khuỷu tay và gối. Khi cho ăn uống, nên cho bệnh nhân giữ nằm đầu cao để tránh bị sặc thức ăn vào đường thở. Đối với trường hợp nhẹ hơn, tùy mức độ di chứng liệt, cần đề ra một kế hoạch cụ thể cho bệnh nhân tập luyện hàng ngày. Cố gắng để bệnh nhân tự làm ở mức tối đa, người nhà chỉ hỗ trợ hoặc giúp đỡ khi bệnh nhân không thể tự làm được. Quá trình tập luyện đòi hỏi sự kiên trì của cả bệnh nhân và người hướng dẫn, nên duy trì việc này cả khi các di chứng đã được phục hồi. Bên cạnh đó, cần đảm bảo chế độ ăn đủ chất và cân đối.

Nguồn: Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng - Bệnh viện nhân dân 115
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên