04/05/2021 09:24 GMT+7

'Đột ngột' dừng hoàn thuế, doanh nghiệp đầu tư ngành điện kêu cứu

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Các dự án điện, năng lượng được đầu tư có quy mô lên tới cả tỉ USD, nhưng những bất cập trong chính sách liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong đầu tư, huy động vốn triển khai dự án.

Đột ngột dừng hoàn thuế, doanh nghiệp đầu tư ngành điện kêu cứu - Ảnh 1.

Vướng mắc trong chính sách khiến doanh nghiệp đầu tư ngành điện gặp nhiều khó khăn trong hoàn thuế - Ảnh phối cảnh dự án Vân Phong 2

Nhiều doanh nghiệp điện như Công ty Nghi Sơn 2, Công ty điện Nậm Ban 3, Công ty Lam Sơn, Công ty cổ phần Phát triển thủy điện, Công ty Thủy điện Nậm Lúc, Công ty thủy điện Sông Tranh 4, Công ty Trung Nam, BOT Vân Phong 2, Hiệp hội Năng lượng đã có văn bản gửi Thủ tướng, Quốc hội, các bộ Công thương, Tài chính đề xuất việc tháo gỡ chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư vào ngành điện...

Trong đó, văn bản của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nêu rõ theo công văn của Tổng cục Thuế ban hành, nhiều địa phương có dự án đầu tư ngành điện đang thực hiện truy thu tiền thuế giá trị gia tăng đã được hoàn của các doanh nghiệp nộp hồ sơ trước thời điểm có giấy phép hoạt động điện lực.

Nhiều doanh nghiệp trực tiếp kiến nghị đến các bộ ngành liên quan cho rằng thực tế này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, Công ty Trung Nam cho hay thực hiện nhiều dự án đầu tư điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận, Đắk Lắk, Trà Vinh với tổng giá trị đầu tư gần 2 tỉ USD, nộp ngân sách 1.400 tỉ đồng.

Để thực hiện dự án, công ty triển khai các hợp đồng mua sắm thiết bị với giá trị hàng nghìn tỉ đồng, theo quy định sẽ được hoàn thuế là 2.100 tỉ đồng. Tuy vậy, qua trao đổi với các đơn vị thuế, công ty đã nhận được phản hồi là "dự án không nằm trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì chưa được hoàn thuế".

Trong khi đó, theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Luật thuế giá trị gia tăng quy định dự án đầu tư ngành điện là dự án đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được hoàn thuế giá trị gia tăng khi được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, theo thông tư 21 của Bộ Công thương thì giấy phép này chỉ được cấp khi dự án đầu tư đã hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu.

Hiệp hội này cho rằng những bất cập của chính sách trên khiến dự án đầu tư ngành điện không áp dụng được các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng, trong khi dự án đầu tư ngành điện thường có vốn đầu tư rất lớn, triển khai đầu tư trong thời gian dài, rất cần được áp dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng trong giai đoạn đầu để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án.

Trong khi đó, tại văn bản gửi Bộ Tài chính cũng liên quan đến kiến nghị này của hai chủ đầu tư dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2, Bộ Công thương nêu quan điểm: Luật điện lực hiện hành cũng như lĩnh vực điện lực không có quy định về giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, Luật điện lực chỉ quy định về giấy phép hoạt động điện lực là loại giấy phép cần thiết cho dự án trong giai đoạn vận hành, chứ không cần thiết trong giai đoạn xây dựng. "Giấy phép hoạt động điện lực không phải là giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện" - Bộ Công thương nhấn mạnh.

Trên thực tế, Bộ Công thương cho hay dự án BOT Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2 đã tuân thủ quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng trong thời gian xây dựng và đã được cơ quan thuế hoàn thuế nhiều lần. Hợp đồng BOT của các dự án này được Chính phủ cam kết và bảo lãnh, nên việc dừng hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền, tiến độ vận hành thương mại và sự thành công của dự án.

Đặc biệt, Bộ Công thương cho rằng việc áp dụng như vậy có thể dẫn tới thủ tục pháp lý, trách nhiệm của Chính phủ trong đảm bảo dự án. Vì vậy, bộ này đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện hoàn thuế cho các dự án này.

Bộ Công thương: Cắt giảm điện tái tạo là Bộ Công thương: Cắt giảm điện tái tạo là 'bắt buộc', không phân biệt nhà đầu tư

TTO - Trước kiến nghị của Tập đoàn Trung Nam với Quốc hội và Chính phủ về việc bị giảm phát điện, Bộ Công thương cho rằng việc cắt giảm là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên