TTCT - Từ vụ tai nạn liên hoàn trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mới đây do khói đốt đồng che khuất tầm nhìn, tranh luận chuyện ai có lỗi đã ít nhiều làm lạc hướng khỏi điều quan trọng hơn hết: một ý thức sâu sắc về an toàn là trên hết. Người dân đốt cỏ cạnh đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua tỉnh Tiền Giang, ngày 5-4-2018. Ảnh: Mậu Trường Chưa biết đốt rác là sai Trên tuyến quốc lộ 1, đoạn thuộc H.Châu Thành, Tiền Giang, anh Nguyễn Văn B. (36 tuổi) gom lá cây, các vỏ xe hư, bịch bóng... chất thành đống trên bãi đất trống kế bên tiệm sửa xe của mình rồi châm lửa đốt. Đây là cách anh B. tiêu hủy rác trong nhiều năm qua. Dọc quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang, không khó để thấy những bãi rác ven đường, trong đó có nhiều bãi đã đốt, có những bãi chưa kịp đốt hay đang cháy dở như bãi rác nằm trước cổng Trường ĐH Tiền Giang (xã Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành). Tại đây, một đống rác lớn nằm sát đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã cháy hơn phân nửa, khói bốc nghi ngút ra giữa đường. Nhiều người chạy xe máy ngang qua phải dùng một tay để che miệng, mắt nheo lại vì cay khói. Tương tự, quốc lộ 1 hướng về miền Tây, đoạn qua các huyện như Cai Lậy, Cái Bè tình trạng đốt rác hai bên đường diễn ra khá phổ biến. Khác với môi trường đô thị là rác thải bỏ ra sẽ được nhân viên đô thị đi gom xử lý, ở nông thôn, việc đốt rác vẫn là cách giải quyết “tiện lợi” nhất của người dân, vốn đã là thói quen từ lâu đời. Theo ông Nguyễn Văn Kiệt - trưởng Phòng tài nguyên và môi trường H.Châu Thành, huyện đã giao cho các xã phổ biến tới người dân rằng tiêu hủy rác bằng cách đốt là sai, vi phạm sẽ bị xử phạt. Nhưng trong nhiều năm qua chưa có người dân nào của huyện này bị xử phạt hành chính về hành vi đốt rác, chỉ vài trường hợp bị xử phạt vì bỏ rác sai chỗ quy định. Còn người dân nói gì? “Trước giờ tui vẫn chất rác đốt như thế này, giờ mới nghe nói đốt vầy là bị phạt” - anh Nguyễn Ngọc Phát (Tiền Giang) nói. Đốt đồng theo thói quen Tình trạng “un khói” đã diễn ra thường xuyên trên suốt gần 40km tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Rác sinh hoạt chất đống hai bên đường song hành: đốt! Gốc rơm rạ, cây bắp: đốt! Dọn vườn tạp bằng cách nhanh nhất: châm lửa đốt!... Vì cao tốc là tuyến đường chủ yếu đi qua vùng nông thôn nên tình trạng bị “un khói” cũng diễn ra nhiều và thường xuyên hơn so với các tuyến quốc lộ khác. Nguy hiểm hơn, một số người dân còn vào bên trong hành lang bảo vệ đường cao tốc để “phát rẫy” trồng cỏ cho bò. Họ không ngại ngần châm lửa đốt để diệt cỏ tạp ngay mái taluy đường cao tốc. Nói về tình trạng đốt đồng gần khu vực cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Phùng Văn On, phó Ban an toàn giao thông tỉnh Long An, cho biết ngay từ khi mới lưu thông tuyến cao tốc này, nhiều xe cộ từng gặp phải tình trạng “mù khói” khi chạy trên đường. Theo kinh nghiệm dân gian, người ta đốt đồng để diệt trừ vi khuẩn, làm sạch ruộng, tạo thuận lợi cho mùa vụ mới. “Hiện nay có nhiều cách để xử lý đồng mà không cần phải đốt. Tuy nhiên có thể vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian và do thói quen, người dân vẫn chưa bỏ được tình trạng đốt đồng. Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện tích cực thông tin, vận động người dân để không gây ra tình trạng đốt đồng, gây khói, đến nay tình hình này đã giảm” - ông On nói. Tập quán canh tác của nhiều vùng nông thôn VN, từ đồng bằng cho đến miền núi, từ miền Nam ra miền Bắc đều có chuyện đốt nương, đốt rẫy hay đốt đồng. Đó là cách rẻ và nhàn nhất để có đất canh tác, diệt hạt cỏ dại hay sâu bệnh phá hoại mùa màng, hoặc làm cho sạch đất trước vụ canh tác mới. Tro rơm rạ trở thành nguồn phân bón trực tiếp cho đất. Đốt đồng đã tồn tại hiển nhiên và bình thường từ trước khi có ôtô, trước khi có đường cao tốc. Thế nên việc đốt đồng, đốt nương, đốt rẫy gây khói không phải là chuyện lạ, xảy ra bất ngờ, không lường được. Người đốt đồng, đốt nương có kinh nghiệm thì thu vén cỏ, rác, rơm rạ, lá cây khô sao cho không cháy lan sang đồng, sang nương của người khác, có thể gây thiệt hại cho hoa màu, ở rừng thì còn có thể gây cháy rừng. Vậy nên, để tránh cháy lan, ở những nơi có nhiều chất phải đốt, người ta tạo ra hành lang an toàn, có khi rộng cả mấy mét. Nhưng đó là đối với nương đồi, những mảnh vườn gần rừng. Với ruộng dưới đồng bằng, việc đốt đồng rất hiếm khi xảy ra việc cháy lan hoặc gây thiệt hại cho người khác, cũng ít khi tạo khói mù mịt cả một cánh đồng, tương tự vụ đốt trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây như vừa qua. Lỗi của ai? Hiểu biết về một thực tế tồn tại chuyện đốt đồng như vậy sẽ dẫn tới ý thức về khả năng khói tạt lên đường cao tốc, hạn chế tầm nhìn của tài xế. Và nếu có trách nhiệm, đường cao tốc cần có biển cảnh báo tình huống có khói sẽ hạn chế tầm nhìn. Nhưng trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tuyệt nhiên không có biển cảnh báo nào cả. Vậy nên, lỗi đầu tiên thuộc về ban quản lý đường cao tốc. Nhưng khói không phải bỗng nhiên tuôn ra một khối để che mắt tài xế, nó còn bay theo gió và còn đi vòng vèo mới ra tới đường. Trong điều kiện thời tiết tốt, tài xế phải nhìn thấy khói từ cách đó vài trăm mét. Nhìn thấy khói cách vài trăm mét mà vẫn giữ vận tốc từ 80-120km/h thì chỉ có thể xác định đó là lỗi quá chủ quan của tài xế. Chiếc xe đầu tiên có thể sơ sểnh mà bất ngờ với đám khói, rồi thấy khói dày không đi được thì mới giảm vận tốc đột ngột, những chiếc xe sau nếu giữ được khoảng cách an toàn giữa các xe theo đúng biển báo quy định thì những tai nạn đâm liên hoàn khó mà xảy ra như vậy. Khói, sự chủ quan của tài xế, sự thiếu trách nhiệm của ban quản lý đường cao tốc đã cộng lại để cho ra một vụ tổn thất lớn. Luật sư Phạm Công Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM: Luật không cấm người dân đốt đồng, đốt rạ Luật hiện nay không cấm người dân đốt đồng hay đốt rơm rạ trong tập quán canh tác. Việc xảy ra trên đường cao tốc như vừa qua không thể xử lý hình sự hay xử phạt hành chính người nông dân vì chưa luật nào quy định về việc này. Tuy nhiên, rõ ràng hành vi đốt đồng là hiện tượng do con người tạo nên chứ không phải do thiên nhiên. Chính khói đã làm cản trở tầm nhìn và quan sát của tài xế dẫn đến việc không làm chủ được tốc độ mà gây tai nạn. Nên thiệt hại xảy ra thì phải đánh giá lỗi của ai ở đâu để xác định trách nhiệm bồi thường về dân sự. Do vậy, người nông dân không tránh khỏi trách nhiệm này sau khi xác định đầy đủ các yếu tố lỗi. Việc bồi thường như thế nào, bao nhiêu còn phải đánh giá. Tập quán canh tác của người dân tồn tại từ lâu, nhưng khi thực hiện tập quán đó phải đảm bảo nó không gây ảnh hưởng đến người khác và không gây ra thiệt hại. Cũng có ý kiến cho rằng người nông dân đốt đồng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nhưng ngọn lửa không trực tiếp gây ra những thiệt hại đó. Quan hệ nhân - quả để dẫn đến những thiệt hại sau vụ tai nạn đó chính là do không kiểm soát được vận tốc của lái xe khi phát hiện chướng ngại vật, không giữ đúng khoảng cách an toàn giữa các xe nên xảy ra va chạm liên hoàn. Khói đốt đồng dưới đồng bằng hay sương mù trên vùng núi cũng tương tự nhau về việc hạn chế tầm nhìn. Thậm chí, sương mù còn dày đặc hơn, đến những khoảng cách 5m còn không nhìn thấy, để xe đi được, tài xế phải bật đèn sương mù cho phương tiện đi ngược có thể nhìn thấy mà tránh, hoặc để dò đường. Đại tá Phạm Văn Trực, trưởng Công an H.Vân Hồ (tỉnh Sơn La), cho rằng một năm ở Vân Hồ có đến 6 tháng có sương mù, có những đợt sương mù dày đến mức đứng cách nhau 1m không nhìn rõ người. Nhưng tất cả những hoạt động giao thông, cày cấy vẫn phải diễn ra dưới thực tế khách quan đó. “Giữa những tình huống có thể gây mất an toàn cho mình hoặc tài sản của mình thì mình cần thận trọng trước” - ông Trực nói.■ Tags: Tai nạn liên hoànĐốt đồngĐốt rạ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.