Đợt dịch khốc liệt, tiến triển nhanh

LAN ANH - HOÀNG LỘC 28/06/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Tính đến trưa 22-6, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), Việt Nam đã ghi nhận trên 10.350 ca bệnh COVID-19 ở gần 40 tỉnh thành, cao gấp hơn 3 lần so với gần năm rưỡi trước đó, khi dịch xuất hiện tại Việt Nam, từ tháng 1-2020 đến ngày 27-4-2021.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiễn chị V.T.L, 36 tuổi, ở Hữu Lũng, Lạng Sơn ra viện hôm 22-6. Chị L. là một trong số bệnh nhân trẻ tuổi có diễn biến bệnh nặng đã được cứu sống vừa qua. Ảnh: Thanh Đặng

 

Những con số này cho thấy mức độ lây lan nhanh của chủng virus mới (chủng Delta xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ), mức độ khốc liệt của dịch kể từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam, đã có 3 tỉnh thành là Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM số mắc mới đến nay đã lên 4 con số, có địa phương số mắc mỗi ngày lên tới 300-400 ca bệnh, thiệt hại tới đời sống, nền kinh tế là không thể tính xuể.

Chủng virus lây nhanh

Theo thống kê, đến ngày 22-6, trong số bệnh nhân đang điều trị có 42,7% (2.610 người) chưa có triệu chứng của bệnh, 51,5% (3.147 người) là triệu chứng lâm sàng nhẹ, còn lại có 2,7% (167 người) biểu hiện lâm sàng mức trung bình, 2,1% (124 người) biểu hiện mức nặng, phải sử dụng máy thở không xâm nhập, thở oxy mặt nạ, oxy gọng kính, 13 người nặng phải sử dụng máy thở oxy dòng cao, 45 người phải sử dụng ECMO hoặc máy thở xâm nhập.

So với các đợt dịch trước, tỉ lệ bệnh nhân tiến triển nặng hoặc có biểu hiện lâm sàng rõ rệt trong đợt dịch này là cao hơn hẳn. 

Theo một chuyên gia của tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, những đợt dịch trước đây có đến 70 - 80% người bệnh COVID-19 dương tính không có biểu hiện lâm sàng. 

Tuy nhiên ở đợt này, tỉ lệ người bệnh dương tính không có biểu hiện lâm sàng giảm xuống còn trên 40%, còn lại là có biểu hiện bệnh ở các mức độ khác nhau, từ đau người, sốt, ho, đau mình mẩy, khó thở, viêm phổi và các biến chuyển nặng phải can thiệp tích cực. Có đến 3 - 5% bệnh nhân ở mức độ nặng.

“Chúng tôi theo dõi thấy mấu chốt để giảm ca biến chuyển nặng, giảm ca tử vong là xử lý sớm khi bệnh còn đang ở mức độ vừa, nếu theo dõi, can thiệp được khi bệnh ở thời điểm này thì tỉ lệ chuyển nặng giảm xuống. 

Nhận định chung cho thấy đợt dịch này lây nhanh hơn, thời gian giữa các chu trình lây ngắn hơn, trước đây có thể 3-5 ngày mới qua một chu trình lây, nhưng đợt dịch này 2-3 ngày đã qua một chu trình. 

Bên cạnh đó, tỉ lệ người bệnh chuyển nặng cao hơn. Có bệnh nhân mới 37 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh nền tử vong, trường hợp này những đợt dịch trước không thấy” - chuyên gia này cho biết.

Chính vì thế, ở thời gian đầu của dịch, một ca F0 chỉ lây sang trung bình 2 - 2,2 người khác, nhưng trong đợt dịch này, nhiều ca F0 làm lây sang 20 - 30 bệnh nhân, mức độ phát tán dịch nhanh hơn. 

Trong đợt dịch này cũng chứng kiến nhiều trường hợp lây bệnh khi đi chung chuyến bay (nhiều người đi chung chuyến bay tuyến Đà Nẵng - Hà Nội với 2 chuyên gia Trung Quốc hôm 28-4 và vợ chồng cựu giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội - Hacinco hôm 2-5 đã lây bệnh).

Trong khi trong các đợt dịch trước, chưa ghi nhận chùm ca bệnh lây nhiễm do đi chung chuyến bay.

Trả lời TTCT, ông Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp của Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết:

Trong đợt dịch lần này, các diễn biến cho thấy tỉ lệ các trường hợp F1 chuyển thành F0 nhiều hơn các đợt dịch trước. Thậm chí có trường hợp F2 chuyển thành F0. Trong ổ dịch thường có nhiều F0 hơn trước.

 Chu kỳ lây lan dịch ngắn, khoảng 2 ngày, trước đây khoảng 4-5 ngày. Nguyên nhân do chủng mới Delta xuất hiện lần đầu từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn các chủng trước đây. Bên cạnh đó, trong đợt dịch này cũng xuất hiện nhiều hình thái lây nhiễm ở mức cao, như lây trong môi trường kín. 

“Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Đặc biệt virus lây mạnh trong môi trường kín như quán bar, tòa nhà cao tầng, bệnh viện, địa điểm massage, nhà máy trong khu công nghiệp, các nơi có điều hòa, tập trung đông người, ngồi sát nhau... là môi trường lý tưởng để virus phát tán” - ông nói.

Về số ca bệnh nặng nhiều hơn, theo ông Phu, là do số mắc nhiều hơn, nhưng tỉ lệ các ca bệnh nặng trên số ca bị nhiễm F0 cũng cao hơn. Xuất hiện các bệnh nhân nặng ở lứa tuổi trẻ hơn. 

So sánh với các đợt dịch trước đây, ông Phu cho rằng những điểm mới ở đợt dịch này là dịch lây lan nhanh. Virus lây trong bệnh viện, khu công nghiệp, khu cách ly tập trung rồi từ đó lây lan ra cộng đồng và ngược lại. 

Trong thời gian ngắn dịch đã lan rộng ra nhiều nơi, nhiều tỉnh, thành phố với nhiều ổ dịch. Một số nơi xuất hiện nhiều ổ dịch, đa chuỗi lây nhiễm, đặc biệt là ở TP.HCM. 

Từ các lý do này dẫn đến tình trạng khó kiểm soát hơn các ổ dịch trước. Nhiều F0, F1, F2 nên quá tải khu cách ly.

Điển hình như tại Công ty Hosiden (Bắc Giang) với môi trường không khí hạn hẹp, thông khí kém, đông người, có tới gần 1.000 người nhiễm trong số 4.800 công nhân. Vòng lây nhiễm của chủng virus này chỉ 1-2 ngày, tức là sau 1-2 ngày đã có một tầng F nữa nhiễm bệnh. 

“Đây là một trong những lý do dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh khó kiểm soát dù đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch rất quyết liệt” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Việt Nam đối diện 7 chủng virus

Trước tình hình xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm xâm nhập trong cộng đồng thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các viện, bệnh viện đầu ngành lấy các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19 giải trình tự gene nhằm đánh giá nguy cơ, có các biện pháp ngăn ngừa và phòng chống dịch phù hợp cũng như lên phương án điều trị hiệu quả. Bộ Y tế cho biết hiện Việt Nam đang lưu hành 7 biến chủng SARS-CoV-2. 

Cụ thể D614G từ châu Âu, gây dịch tại thành phố Đà Nẵng; B.1.1.7 từ Anh, gây dịch tại tỉnh Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi, nhập cảnh sân bay Nội Bài (Hà Nội); A.23.1 từ châu Phi, ghi nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM); B.1.617.2 được phát hiện gần đây từ các chuyên gia Ấn Độ nhập cảnh, hiện đang là nguyên nhân gây dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó đặc biệt là TP.HCM.

Có 2 biến chủng vừa được phát hiện gần đây nhất là B.1.222 ghi nhận từ mẫu bệnh phẩm hầu họng của bệnh nhân Ukraine. Biến chủng này hiện xuất hiện ở 11 quốc gia, nhiều nhất ở Anh; B.1.619 gần giống với chủng Ấn Độ B.1.617.2 và xuất hiện ở nhiều nước, có thể có nguồn gốc từ châu Phi lan ra châu Âu.

Qua giải trình tự gene virus trên nhiều bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy trong 7 biến chủng này thì có hai biến chủng đang phổ biến, bao gồm chủng phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và chủng phát hiện ở Anh. 

Trong đó chủng Ấn Độ đang phổ biến nhất. Đáng chú ý, cơ quan y tế còn phát hiện một số bệnh nhân đã nhiễm chủng virus mới có đột biến ở một số đoạn gene trên nền chủng Ấn Độ.■

Cứu chữa thành công nhiều ca bệnh nặng

Trưa 22-6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã thông báo trong đợt dịch này đã có 13 ca bệnh rất nặng, nhiều thời điểm nguy kịch, phải điều trị kết hợp nhiều biện pháp tối ưu đã được cứu sống và xuất viện.

TS Vũ Đình Phú - trưởng khoa điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho hay đợt dịch này có nhiều ca bệnh nặng ở nhóm bệnh nhân dưới 40 tuổi, không có bệnh lý nền. 

Việc điều trị cho bệnh nhân cần tổng hợp các phác đồ: điều trị tích cực, theo dõi sát sao, chăm sóc toàn diện, bổ trợ nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Những trường hợp bệnh nặng như 13 ca bệnh nặng này luôn thường trực nguy cơ tử vong, nhưng các bác sĩ đã rất tích cực theo dõi sát, có phác đồ hợp lý và cứu sống bệnh nhân. L.ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận