Khoảng 70% trường hợp do viêm nhiễm đường hô hấp trên: nhiễm vi trùng đường hô hấp, nhiễm virus đường hô hấp và ô nhiễm từ môi trường. Khoảng 30% trường hợp còn lại không rõ nguyên nhân, nhưng thường có những yếu tố thúc đẩy khác như stress tâm lý, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh dạ dày, suy dinh dưỡng nặng, tràn khí màng phổi…
Các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp
- Khó thở nhiều hơn bình thường
Bệnh nhân bị khó thở hoặc khò khè nhiều hơn bình thường và ngày càng nặng hơn, ngay cả khi dùng các loại thuốc cắt cơn thường dùng cũng không hiệu quả. Bệnh nhân có cảm giác nặng ngực thường xuyên, phải dùng nhiều gối hơn bình thường khi nằm.
- Đàm nhiều hơn bình thường
Nếu trước đây hầu như bệnh nhân không có đàm hoặc rất ít đàm thì đợt cấp làm cho lượng đàm khạc ra nhiều hơn bình thường hoặc có đàm nhưng có cảm giác khó khạc ra như mọi khi.
- Thay đổi màu sắc, tính chất đàm
Đợt cấp cũng làm cho tính chất đàm thay đổi, đàm trước đây thường trắng hoặc trắng trong thì hiện tại đàm ngã màu vàng nhạt, vàng đục, vàng sậm hoặc xanh…, thậm chí có lẫn máu trong đàm.
Ngoài các dấu hiệu trên thì bệnh nhân còn có thể có những biểu hiện khác như: sốt, sưng mắt cá chân, sụt cân hoặc tăng cân nhanh, không ăn uống gì được trong nhiều ngày.
Cần lưu ý những dấu hiệu nguy hiểm như: cảm giác mệt lả, mất hết sức lực, tím môi hoặc tím các đầu ngón tay (quan sát ở móng tay), lú lẫn, lẫn lộn, nói nhảm, thay đổi hành vi, ngủ gà, lơ mơ hoặc hôn mê… Khi thấy những biểu hiện trên thì cần đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được chăm sóc kịp thời.
Các biện pháp phòng tránh đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Bỏ thuốc lá
Cai thuốc là biện pháp điều trị rất cần thiết giúp làm chậm sự sụt giảm chức năng hô hấp. Cai thuốc lá sẽ làm cho bệnh chậm tiến triển và ít xuất hiện đợt cấp. Muốn cai thuốc lá hiệu quả bệnh nhân nên đến các điểm tham vấn hỗ trợ cai thuốc lá tại các đơn vị y tế.
- Dùng thuốc đúng cách
Thuốc giãn phế quản giúp các phế quản giãn nở làm cho khí lưu thông vào phổi dễ dàng hơn. Dùng thuốc giãn phế quản hợp lý sẽ giúp người bệnh bớt khó thở hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và ít xuất hiện đợt cấp hơn.
- Thể dục đều đặn
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường tình trạng sức khỏe chung, giúp cơ thể dẻo dai hơn, lâu mệt hơn, tăng cường sức đề kháng… Đặc biệt với bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tập thể dục điều độ còn tăng cường hoạt động các cơ hô hấp, mang lại nhiều lợi ích như làm giảm bớt cảm giác khó thở, giúp máu lưu thông tốt, cơ thể dùng oxy tốt hơn nên làm giảm số lần xuất hiện đợt cấp, giảm số lần nằm viện và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
- Dinh dưỡng hợp lý
Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường có đặc điểm khó thở và chán ăn kéo dài do đó có thể để bệnh nhân thở oxy trong khi ăn. Để chăm sóc tốt phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng: cần chọn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng, hình thức hấp dẫn để kích thích sự thèm ăn của người bệnh. Nên uống sữa năng lượng cao để bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân, chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa ăn thay vì 3 bữa để tránh căng dạ dày dẫn đến khó thở, dễ mệt. Lưu ý không dùng các đồ dùng có gaz hoặc thức ăn sinh hơi, tránh ăn vội vã để gây mệt và nuốt khí vào bụng.
- Chích ngừa cúm, viêm phổi
+ Chích ngừa cúm mỗi năm một lần.
+ Chích ngừa viêm phổi do phế cầu, nhắc lại sau 3 - 5 năm.
Việc chích ngừa giúp phòng tránh phần nào các đợt nhiễm trùng hô hấp vốn là nguyên nhân thường gặp nhất của đợt cấp.
- Phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo đợt cấp
Nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo sắp xảy ra một đợt cấp và có biện pháp đối phó tích cực sẽ giúp cho đợt cấp diễn tiến không quá nặng, đôi khi không cần phải nhập viện hoặc nếu có nhập viện, mức độ bệnh cũng không quá trầm trọng hoặc đe dọa tính mạng.
Nguyên tắc chung là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Luôn luôn phải phòng tránh đừng để cho đợt cấp xảy ra, nếu có xảy ra thì phòng tránh đừng để cho đợt cấp diễn tiến nặng để giảm bớt ảnh hưởng của đợt cấp lên diễn tiến của bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận